Thứ Ba, 22/12/2020 08:29

Đại dịch COVID-19: 'Sát thủ vô hình' tàn phá nền kinh tế thế giới

Theo nhiều định chế tài chính dự báo, 12.000 tỷ USD là mức thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu nếu GDP giảm từ 4,4-4,9% trong năm nay.

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Hyderabad, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 được ví như một “cú đấm chí mạng” với sức tàn phá ghê gớm giáng vào nền kinh tế thế giới năm 2020.

12.000 tỷ USD là mức thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu nếu GDP giảm từ 4,4-4,9% trong năm nay như nhiều định chế tài chính dự báo. Còn nếu rơi vào suy thoái lâu dài, con số này có thể lên 82.000 tỷ USD trong vòng năm năm tới.

Dù chưa phải là tính toán cuối cùng, đây vẫn là mức tổn thất lớn chưa từng có đối với kinh tế toàn cầu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Còn thực tế, chưa một con số nào đong đếm được chính xác tác động khi mà khoảng 35% số doanh nghiệp toàn cầu bên bờ vực phá sản và hàng trăm triệu người mất việc do COVID-19.

Thế giới từng hy vọng năm 2020 kinh tế sẽ khởi sắc với “cú hích” thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một. Nhưng đại dịch COVID-19 xuất hiện ngay đầu năm đã trở thành “sát thủ vô hình” đẩy nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong giai đoạn phục hồi mong manh sa lầy vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chưa bao giờ mọi hoạt động kinh tế-xã hội từ công nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, vui chơi giải trí... kéo theo lực lượng lao động ước tính hơn 3 tỷ người đồng loạt bị ảnh hưởng. Kinh tế thế giới bỗng chốc “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD, kéo theo là nhiều thành quả gây dựng trong nhiều năm “đội nón ra đi."

Việc các nước buộc phải áp đặt những biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để khống chế dịch đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến tất cả các khâu của quá trình tái sản xuất-phân phối-trao đổi-tiêu dùng vốn được liên kết trên cấp độ thế giới, rơi vào tình trạng tê liệt. Thương mại toàn cầu đình trệ, làn sóng doanh nghiệp phá sản lan khắp thế giới, dẫn tới tình trạng thất nghiệp tăng vọt.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chỉ trong bốn tháng đầu năm, đã có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu ( khoảng 3,3 tỷ người) chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Trong quý 2/2020, số giờ làm việc trên thế giới đã giảm 6,7%, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.

Lao động giảm, thu nhập của người lao động cũng giảm mạnh, dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ, kích hoạt làn sóng vỡ nợ trên phạm vi toàn cầu do nợ vay tiêu dùng quá hạn thanh toán tăng vọt tại một số nước khi tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.

Chưa hết, đại dịch COVID-19 còn làm giảm tổng cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới, gây đổ vỡ các hợp đồng kinh tế; thu hẹp hoặc làm mất đi cơ hội kinh doanh vi mô và vĩ mô; tăng rủi ro cho cổ phiếu và trái phiếu của cả các doanh nghiệp lớn, nhỏ. Chỉ tính trong sáu tháng đầu năm, GDP toàn cầu đã giảm 15,6%, lớn gấp bốn lần so với năm 2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.

Hàng không có lẽ là ngành hứng cú đánh mạnh nhất của COVID-19, thua lỗ nặng và sa thải ồ ạt trở thành “cơn ác mộng” của hàng không toàn cầu. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) gọi 2020 là năm tồi tệ nhất cùa ngành hàng không thế giới khi lưu lượng hành khách đi lại cả năm ước tính giảm 66% so với năm ngoái, khiến doanh thu giảm hơn 60%.

Máy bay của Hãng hàng không LATAM tại sân bay quốc tế ở Santiago, Chile. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tính toán của IATA, ngành hàng không năm nay sẽ chịu mức lỗ ròng lên tới hơn 118 tỷ USD, tệ hơn nhiều so với dự báo lỗ trên 84 tỷ USD đưa ra tháng Sáu. Các hãng hàng không đang lay lắt để sống sót qua đại dịch, với việc American Airlines (Mỹ) thông báo giảm 40.000 việc làm, Lufthansa (Đức) sa thải 22.000 nhân sự, British Airways (Anh) giảm 12.000 người. Air France (Pháp) hơn 7.500 người, Qantas (Australia) giảm 6.000, Ryanair (Ireland) giảm 3.250… Tuy nhiên, IATA vẫn bi quan dự báo doanh thu ngành hàng không toàn cầu năm 2021 sẽ giảm 46% so với năm 2019.

Năm 2020, lần đầu tiên hàng chục nền kinh tế đồng loạt rơi vào suy thoái do COVID-19. Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Italy, Australia, Brazil, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia…, những cái tên vẫn đang nối dài. Các nước cũng đồng loạt tung ra các gói kích thích cùng nhiều biện pháp tiền tệ và cho vay khẩn cấp để giải cứu nền kinh tế. Tổng trị giá các gói hỗ trợ của Mỹ hay Nhật Bản thậm chí lên tới 20% GDP.

Mỹ đã thông qua bốn dự luật cứu trợ lên đến 3.000 tỷ USD và đang xem xét gói bổ sung gần 2.000 tỷ USD. Tại châu Âu, ngoài những gói cứu trợ quốc gia, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói hỗ trợ 750 tỷ euro cho các nền kinh tế thành viên chịu ảnh hưởng của COVID-19.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến hết tháng 9/2020, tổng cộng chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã cam kết chi khoảng 19.500 tỷ USD trong đó, các chính phủ đã công bố các gói kích thích kinh tế trị giá gần 12.000 tỷ USD, còn các ngân hàng trung ương đã "bơm" ít nhất 7.500 tỷ USD để giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19.

Không thể phủ nhận tác dụng của những “liều thuốc bổ” này đã phần nào nâng thể trạng của nền kinh tế toàn cầu, tăng sức chống chịu và kiểm soát tình trạng thất nghiệp ngay trong quý 2/2020. Tuy nhiên, việc tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế mà không tính hết những tác dụng phụ, lại đang đẩy nhiều nước vào tình thế khó khăn mới.

Xu hướng nới lỏng tài chính tiền tệ thông qua các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD này cùng với chính sách cắt giảm lãi suất đã khiến nợ công và thâm hụt ngân sách của các quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng.

Trong những dự báo mới nhất, dù đã điều chỉnh theo hướng tích cực hơn, song hầu hết các định chế tài chính quốc tế đều đưa ra những số liệu ảm đạm. GDP toàn cầu năm 2020 dự báo sẽ suy giảm 4,4-4,9%, trước khi có thể đạt tăng trưởng từ 5,2-5,4% vào năm sau.

Đối với các nền kinh tế lớn, IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Mỹ có thể giảm 4,3% GDP; Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 8,3%, trong đó, Tây Ban Nha giảm mạnh nhất 12,8%, Italy và Pháp chứng kiến mức giảm GDP lần lượt là 10,6% và 8,3%. Kinh tế Anh giảm 9,8% và kinh tế Nhật Bản giảm 5,3%. Chỉ có Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất dự kiến có thể đạt tăng trưởng 1,9%.

Trong bức tranh chung màu xám như vậy, Việt Nam nổi lên như một “điểm sáng hiếm hoi” khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 2,12% từ tháng 1-9/2020, khiến phần lớn các tổ chức đều đánh giá lạc quan về mức tăng trưởng GDP cả năm.

IMF dự báo GDP của Việt Nam năm nay sẽ tăng 2,4% và tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 6,5% năm tới. Theo nhận định của IMF "các bước đi mang tính quyết định của Việt Nam trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế và sức khỏe từ dịch COVID-19" là động lực chính cho mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm nay.

WB cho rằng Việt Nam năm 2020 sẽ đạt tăng trưởng 2,5-3%, còn Ngân hàng Standard Chartered đưa ra con số 3% trong năm nay và 7,8% vào năm 2021.

Tờ Nikkei Asia Review (Nhật Bản) nhận định Việt Nam đang trở thành câu chuyện thành công về kinh tế duy nhất của Đông Nam Á trong “kỷ nguyên” COVID-19, báo Asia Times dự báo Việt Nam là ngôi sao đang lên trong nền kinh tế khu vực nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.

Người dân xếp hàng bên ngoài Trung tâm phúc lợi của Chính phủ Australia ở Melbourne trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm ở nước này. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế thế giới thời gian tới, nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng Nuriel Roubini đã nhắc tới một “kỷ nguyên băng” kinh tế. Thực tế thì khả năng phục hồi kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào việc thế giới có kiểm soát được dịch COVID-19 hay không, nói cách khác, có thể chấm dứt được tình trạng đang xảy ra do tác động của dịch bệnh COVID-19 mà IMF gọi là “đại phong tỏa” hay không. Nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn kéo dài, nền kinh tế thế giới có khả năng rơi vào thời kỳ “đại khủng hoảng."

Sau những đợt tái bùng phát dịch ở khắp nơi, các chuyên gia cũng thay đổi dự báo về mô hình phục hồi. Trong làn sóng dịch đầu tiên, đa số dự đoán kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo hình chữ V, tức là các nền kinh tế bật tăng ttrưởng mạnh mẽ và nhanh chóng sau khi giảm tốc. Một số chọn hình chữ U, kinh tế chỉ tăng trưởng mạnh trở lại sau thời gian suy thoái tương đối dài và tăng trưởng yếu.

Khi xảy ra những làn sóng lây nhiễm mới, các dự báo thiên về khả năng phục hồi hình chữ W, tức một đợt phục hồi ngắn sau đó là một giai đoạn suy thoái khác nếu các lệnh phong tỏa được áp dụng trở lại. Kịch bản bi quan hơn là hình chữ L, triển vọng phục hồi xấu và quá trình phục hồi diễn ra rất chậm do tác động kép của đại dịch.

Hiện mô hình phục hồi chữ K được nhiều chuyên gia đồng tình. Theo kịch bản này, sự giảm tốc của các nền kinh tế diễn ra theo chiều thẳng đứng, sau đó là hai mô hình phục hồi đối lập, gồm một bên phục hồi tích cực như Trung Quốc hay Việt Nam... và một bên suy giảm mạnh. Ngay trong một nền kinh tế, các chỉ số cũng vận động theo chiều hướng ngược nhau như vậy, có thể thị trường chứng khoán phục hồi nhanh chóng, song sản lượng kinh tế và thất nghiệp theo hướng tiêu cực.

Tuy nhiên, dù phục hồi theo mô hình nào thì với diễn biến dịch vẫn phức tạp và khó lường như hiện nay, giới chuyên gia nhận định triển vọng kinh tế thế giới chưa hoàn toàn sáng sủa và thời kỳ suy giảm còn có thể kéo dài.

Cuối tháng 11, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi, song có những dấu hiệu cho thấy đà phục hồi bị chậm lại khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng. Điều đó có nghĩa kinh tế chỉ phục hồi bền vững nếu thế giới kiểm soát được đại dịch ở mọi nơi. Trong khi đó, hậu quả của COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng.

Theo nhà kinh tế trưởng của WB Carmen Reinhart, phải tới năm 2025 thì “vết sẹo” do đại dịch COVID-19 gây ra cho sức khỏe của kinh tế toàn cầu mới thực sự lành.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định rằng tất cả các nước vẫn đang đứng trước một “con dốc dài” và cuộc “leo dốc” khó khăn đang là một thách thức mà không chỉ mỗi quốc gia, mà phải cả thế giới cùng dốc sức thì mới có thể vượt qua.

Trong bối cảnh đó, các thỏa thuận thương mại thế hệ mới toàn diện, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được 15 nước châu Á-Thái Bình Dương ký tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 37 ở Hà Nội, được coi là động lực thúc đẩy kinh tế phục hồi.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể là cơ hội để chuyển hướng sang một nền kinh tế xanh toàn cầu bao trùm hơn, bền vững và linh hoạt hơn. Đó sẽ là chìa khóa để vực dậy nền kinh tế toàn cầu hậu COVID-19./.

Phương Hoa

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Nhiều nước châu Á siết chặt kiểm soát chuyến bay từ Anh (21/12/2020)

>   Đền đông khách nhất Nhật hủy lễ đón năm mới vì Covid-19 (21/12/2020)

>   Nhật Bản thông qua ngân sách kỷ lục 1.000 tỷ USD (21/12/2020)

>   Quốc hội Mỹ nhất trí về gói cứu trợ 900 tỷ USD sau nhiều tháng đàm phán (21/12/2020)

>   Chủng nCov mới tại Anh 'vượt khỏi tầm kiểm soát' (20/12/2020)

>   Apple phạt công ty lắp ráp iPhone (20/12/2020)

>   Thượng viện Mỹ xóa bỏ rào cản cuối cùng về gói cứu trợ 900 tỷ USD (20/12/2020)

>   Trung Quốc ra quy định mới về an ninh quốc gia với đầu tư nước ngoài (20/12/2020)

>   Trung Quốc sẽ tiêm phòng cho "các nhóm quan trọng" trong giai đoạn Đông - Xuân (19/12/2020)

>   Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành luật chi tiêu ngắn hạn (19/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật