Công ty 315 tỷ USD của Jack Ma trở thành ác mộng với giới đầu tư
Tưởng chừng sẽ kiếm được hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD tiền lãi từ Ant Group của tỷ phú Jack Ma, giờ hàng loạt nhà đầu tư lớn điêu đứng.
Theo Bloomberg, chỉ hai tháng trước, một số nhà đầu tư lớn của Ant Group như Warburg Pincus, Carlyle, Temasek và GIC đang "xoa tay" chờ nhận những khoản lãi khổng lồ từ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) lớn nhất thế giới của tập đoàn tài chính Trung Quốc. Nhưng giờ hàng trăm triệu USD tiền đầu tư của họ vào công ty này có nguy cơ bốc hơi.
Hôm 27/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) buộc Ant Group phải "điều chỉnh" các mảng kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), từ quản lý tài sản, bảo hiểm cho đến cho vay tiêu dùng. Công ty của Jack Ma sẽ phải tập trung vào mảng thanh toán trực tuyến cốt lõi.
Thông báo của PBOC rất ngắn gọn, nhưng giới quan sát nhận định đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đà tăng trưởng của đế chế tài chính Ant Group. Chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh Ant Group "cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc cải tổ hoạt động kinh doanh". Công ty này sẽ phải công bố kế hoạch cải tổ trong thời gian sớm nhất.
Phản ứng lại, Ant Group cho biết sẽ lập một đội ngũ đặc biệt để thực hiện các thay đổi theo yêu cầu của PBOC. Trước mắt, công ty này sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động kinh doanh và cam kết không tăng giá dịch vụ với khác hàng và đối tác tài chính.
Xử Ant Group để làm gương
Theo Bloomberg, một số đầu tư lạc quan tin rằng chính quyền Trung Quốc muốn khẳng định quyền giám sát trong lĩnh vực tài chính, đồng thời gửi lời cảnh báo tới các công ty Internet lớn của nước này nhưng không có ý định tạo ra những thay đổi lớn. Bắc Kinh có thể chỉ "xử" Ant Group để làm gương bởi đây là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực fintech Trung Quốc.
Trong quá khứ, Bắc Kinh từng vài lần siết chặt quản lý các nền tảng Internet, khiến các công ty lao đao trong một thời gian ngắn nhưng phục hồi ngay sau đó. Ví dụ, Tencent Holdings từng là mục tiêu của chiến dịch chống nghiện game ở trẻ em hồi năm 2018. Giá cổ phiếu công ty này lao dốc khi đó, nhưng rồi dần tăng trở lại và đạt mức cao chưa từng thấy.
Alibaba cũng từng bị chính quyền Trung Quốc chỉ trích vì chèn ép thương nhân và phớt lờ tình trạng hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử của hãng này. Tuy nhiên, sau một đợt bán tháo, giá cổ phiếu Alibaba lại tăng mạnh.
"Tôi không nghĩ chính quyền Trung Quốc sẽ chia tách Ant Group, bởi không công ty fintech nào ở nước này - kể cả Ant Group - đạt đến tầm độc quyền. Đây chỉ là lời cảnh cáo với các công ty fintech khác", nhà phân tích Zhang Kai của hãng Analysys nhận định.
Một số người cho rằng cuộc khủng hoảng thực chất là cơ hội đối với Ant Group. Khi toàn bộ ngành công nghệ tài chính Trung Quốc rơi vào tầm ngắm của chính phủ, Ant Group có nhiều nguồn lực hơn các đối thủ để vượt qua thách thức to lớn trước mắt.
Không dễ để dự báo tương lai của Ant Group. Ảnh: SCMP.
|
Dù vậy, nhiều nhà quan sát cảnh báo khả năng chính quyền Trung Quốc muốn chia tách Ant Group. Điều đó đe dọa trực tiếp các mảng kinh doanh tăng trưởng nhanh nhất của Ant Group và ảnh hưởng tiêu cực tới các cổ đông lớn của công ty.
Được định giá khoảng 315 tỷ USD trước đợt IPO bị hoãn, Ant Group thu hút đầu tư từ các quỹ lớn nhất thế giới như Warburg Pincus, Carlyle Group, Silver Lake Management, Temasek Holdings và GIC. Các nhà đầu tư này rót tiền vào Ant Group từ năm 2018, khi công ty được định giá 150 tỷ USD.
Nếu Ant Group bị chia tách, các nhà đầu tư có thể mất sạch số tiền lãi khổng lồ. Chính quyền Trung Quốc có thể ép Ant Group tách mảng quản lý tài sản, cho vay tiêu dùng và bảo hiểm sang một công ty cổ phần tài chính. Và doanh nghiệp này sẽ bị giám sát chặt chẽ.
Cơn ác mộng
"Có thể chính quyền Trung Quốc sẽ áp dụng các quy định quản lý ngành ngân hàng truyền thống lên các tập đoàn fintech lớn của nước này", chuyên gia Michael Norris của hãng AgencyChina dự báo.
Trên thực tế, mảng thanh toán của Ant Group gây lỗ trong nhiều năm qua dù dịch vụ này xử lý tới 17.000 tỷ USD giao dịch/năm. Cả Ant Group và Tencent đều bù lỗ cho mảng thanh toán online và sử dụng dịch vụ này để thu hút người dùng, bán chéo các sản phẩm như quản lý tài sản và cho vay tiêu dùng.
“Tiềm năng tăng trưởng của Ant Group sẽ bị giới hạn nghiêm trọng nếu phải tập trung vào dịch vụ thanh toán”, chuyên gia Chen Shujin thuộc Jefferies Financial Group khẳng định. “Ở Trung Quốc, dịch vụ thanh toán trực tuyến đã bão hòa và thị phần của Ant cũng đã đạt đến giới hạn".
Kịch bản tồi tệ nhất với Ant Group là công ty này buộc phải từ bỏ mảng quản lý tài sản, cho vay và bảo hiểm. Khi đó, Ant Group sẽ phải dừng hoạt động ở các mảng đang phục vụ hơn 500 triệu người dùng tại Trung Quốc. Mảng quản lý tài sản - với nền tảng Yu’ebao - chiếm 15% doanh thu của tập đoàn.
Mảng tín dụng với Huabei và Jiebei đóng góp 39% tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay, phục vụ 500 triệu khách hàng. Đây là nguồn tăng trưởng doanh thu lớn nhất của Ant Group. Mất các mảng này sẽ là cơn ác mộng thực sự với Ant Group và các nhà đầu tư toàn cầu.
Đế chế Ant Group của tỷ phú Jack Ma. Công ty này quản lý 173 tỷ USD tài sản, môi giới cho vay tiêu dùng 290 tỷ USD, xử lý thanh toán online 17.000 tỷ USD thông qua ứng dụng Alipay (trong 12 tháng tính đến tháng 6 năm nay) và cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho 107 triệu người. Ảnh: Bloomberg.
|
Giới quan sát nhận định đã từ lâu, các ngân hàng truyền thống tại Trung Quốc tỏ ra e ngại nguy cơ "xâm lấn" từ những tập đoàn fintech. Tính đến tháng 11, tổng giá trị vốn hóa của Alibaba, Ant Group và Tencent đã đạt đến gần 2.000 tỷ USD, vượt xa định giá của các ngân hàng nhà nước khổng lồ như ICBC. Ba công ty này đã đầu tư hàng tỷ USD vào hàng trăm công ty di động và Internet mới nổi, qua đó giành quyền kiểm soát thị trường.
Từ khi Ant Group IPO hụt hồi tháng 11 đến nay, định giá của Alibaba bốc hơi hơn 200 tỷ USD. Giá cổ phiếu Alibaba sụt gần 5,1% trong phiên giao dịch 28/12 tại Hong Kong. Giá trị Ant Group cũng lao dốc 50%. Do đó, tài sản của tỷ phú Jack Ma giảm khoảng 35 tỷ USD.
Nhà nghiên cứu Alex Capri thuộc tổ chức Hinrich Foundation (Singapore) cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ siết chặt quản lý các tập đoàn bị coi là "vượt ra ngoài khuôn khổ". "Chúng ta sẽ thấy hiện tượng đó diễn ra nhiều trong tương lai", ông nhấn mạnh.
Bùi Ngọc
ZING
|