Thứ Bảy, 26/12/2020 11:40

Nhờ đâu chứng khoán Trung Quốc tăng gần 5,000 tỷ USD trong năm 2020?

Chứng khoán Trung Quốc tăng gần 4.9 ngàn tỷ USD vốn hóa trong năm nay, nhờ sự gượng dậy nhanh chóng từ đại dịch Covid-19, hàng loạt thương vụ IPO khủng và đà tăng chóng vánh của các cổ phiếu tiêu dùng, công nghệ.

Các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán từ New York cho tới Thượng Hải tăng 41% lên 16.7 ngàn tỷ USD, theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence tính tới ngày 22/12. Con số này dễ dàng vượt mặt mức tăng 21% của các công ty Mỹ, hiện ở ngưỡng 41.6 ngàn tỷ USD.

“Đây là một năm thành công rực rỡ cho Trung Quốc”, Brendan Ahern, Giám đốc đầu tư tại KraneShares ở New York, cho hay. Vị chuyên gia này nói thêm đà hồi phục kinh tế mạnh mẽ, sự thèm khát cổ phiếu tăng trưởng mạnh của giới đầu tư toàn cầu cùng với thị trường IPO mạnh đều tạo điều kiện cho Trung Quốc: “Kết quả cuối cùng là thị trường vốn nước này tăng cực mạnh”.

Trung Quốc chiếm gần 1/3 đà tăng của vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2020, dữ liệu S&P cho thấy. Chứng khoán toàn cầu đã tăng 16% lên 104 ngàn tỷ USD.

Đà tăng diễn ra giữa bối cảnh Trung Quốc đang mâu thuẫn với Mỹ về công nghệ, thương mại và tài chính, cũng như những nỗ lực để ngăn chặn quỹ hưu trí và các định chế khác của Mỹ nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc.

Dự luật được thông qua trong tháng này có thể “hất cẳng” các công ty Trung Quốc ra khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu các tài liệu kiểm toán của họ không được các cơ quan điều hành của Mỹ kiểm tra trong 3 năm liên tiếp. Chính quyền Trump cũng ra động thái để ngăn chặn các công ty Mỹ đầu tư vào các công ty có liên kết với quân đội Trung Quốc, từ đó thôi thúc MSCI và các nhà cung cấp chỉ số khác loại một số cổ phiếu Trung Quốc ra khỏi chỉ số.

Đà bứt phá năm 2020 cũng củng cố vị thế của Trung Quốc như thị trường mới nổi đáng chú ý nhất. Cuối tháng 11/2020, cổ phiếu của các công ty Trung Quốc chiếm hơn 40% hai chỉ số cổ phiếu phổ biến theo dõi các quốc gia đang phát triển, tăng từ mức gần 30% của 5 năm trước.

“Nếu mua cổ phiếu của thị trường mới nổi trên toàn cầu, bạn đang mua phần lớn là chứng khoán châu Á và Trung Quốc”, Herald van der Linde, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại HSBC, cho hay.

Chỉ riêng gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding chiếm gần 7% chỉ số MSCI Emerging (bao gồm 26 quốc gia) - còn cao hơn cả tỷ trọng đóng góp của Brazil trong chỉ số - tại cuối tháng 11/2020.

Tầm quan trọng của Trung Quốc – nhất là Alibaba – trong các chỉ số bỗng trở thành yếu tố tiêu cực trong ngày 24/12 khi Bắc Kinh cho biết đang điều tra chống độc quyền với gã khổng lồ thương mại điện tử này cũng như công ty công nghệ tài chính liên kết, Ant Group. Cổ phiếu Alibaba rớt 13% trong phiên ngày 24/12, từ đó kéo giảm chỉ số. Cổ phiếu Alibaba đã giảm hơn 25% kể từ đỉnh xác lập vào cuối tháng 10/2020.

Có một vài yếu tố đứng đằng sau đà tăng trưởng vượt trội của thị trường Trung Quốc. Đầu tiên, kinh tế Trung Quốc vẫn trụ vững trong năm 2020, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất duy trì đà tăng trưởng.

Điều này làm gia tăng niềm tin vào cổ phiếu và những công ty phục vụ cho người tiêu dùng Trung Quốc, như hãng rượu Mao Đài. Hiện tại tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường cổ phiếu Trung Quốc vượt hơn 30% trong 9 tháng đầu năm 2020, lên mức 404 tỷ USD, dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho thấy.

Đồng Nhân dân tệ cũng tăng hơn 6% so với USD trong năm 2020, từ đó nâng giá trị của các cổ phiếu định danh bằng Nhân dân tệ khi chuyển sang USD.

Trong khi đó, cổ phiếu của các tập đoàn Internet như Tencent Ltd., Pinduoduo Inc. và Meituan đều tăng mạnh, khi người tiêu dùng Trung Quốc đã chuyển thói quen sang mua sắm trực tuyến. Trên toàn cầu, lãi suất thấp cùng với một hệ thống tài chính ngập trong tiền cũng thổi bùng sự nhiệt huyết dành cho các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh và có thể phát triển trong bối cảnh Covid-19.

Tỷ trọng của các thị trường trong chỉ số thị trường mới nổi MSCI

Nguồn: WSJ

Giá trị vốn hóa thị trường Trung Quốc thường được thổi phồng lên bởi thế hệ các công ty mới niêm yết, ở những lĩnh vực như khám bệnh từ xa (telemedicine), xe điện và nước đóng chai. Các công ty Trung Quốc lên sàn trong năm nay đóng góp gần 1.3 ngàn tỷ USD cho thị trường, dữ liệu S&P cho thấy.

Đà tăng này cũng thúc đẩy vị thế của Trung Quốc trong các chỉ số, qua đó thu hút hàng ngàn tỷ USD từ các quỹ chỉ số.

Các chỉ số cũng xác định cấu trúc của các quỹ ETF như quỹ iShares MSCI Emerging Markets ETF trị giá 28 tỷ USD của BlackRock và quỹ FTSE Emerging Markets ETF trị giá 95 tỷ USD của Vanguard.

Các công ty Trung Quốc giao dịch trên sàn New York, Hồng Kông, Thượng Hải và những nơi khác chiếm 41% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI trong tháng 11 và 45% chỉ số thị trường mới nổi của FTSE Russell.

Tầm quan trọng của Trung Quốc trong mắt nhà đầu tư nước ngoài có khả năng gia tăng trong năm 2021 và những năm sau đó. Tại thời điểm này, thị trường chứng khoán nội địa khổng lồ của Trung Quốc vẫn bị gán tỷ trọng khá thấp trong các chỉ số lớn. Điều này là do các chỉ số thường hạ bớt tỷ trọng với những thị trường khó tiếp cận hơn và với những công ty có cơ cấu sở hữu cô đặc.

Giá trị cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến gần đây đã tăng lên sát ngưỡng 11 ngàn tỷ USD, nâng thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục lên vị trí thứ 2 về quy mô, chỉ đứng sau Mỹ.

Thế nhưng, những cổ phiếu loại A (niêm yết tại Trung Quốc) chỉ mới được thêm vào các chỉ số lớn trong vài năm gần đây và sức ảnh hưởng của chúng đã bị giảm bớt. Chẳng hạn MSCI đối xử với các công ty trị giá 10 tỷ USD như thể chúng chỉ đáng giá 2 tỷ USD bằng cách áp dụng hệ số thêm vào (inclusion factor) ở mức 20% để giới hạn sức ảnh hưởng của cổ phiếu này. Hiện tại, cổ phiếu tại Trung Quốc đại lục chỉ chiếm 5% chỉ số thị trường mới nổi của MSCI.

Alexander Treves, chuyên gia đầu tư thị trường mới nổi và cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương tại J.P. Morgan Asset Management, cho biết nhà đầu tư đang xem xét nâng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc đại lục. “Với quy mô khổng lồ của các cổ phiếu này, chúng vẫn đang bị áp tỷ trọng quá thấp trong các chỉ số”, ông nói.

Hệ số thêm vào của cổ phiếu Trung Quốc loại A có thể tăng lên 100% chỉ trong vài năm, trong khi sẽ có ngày càng nhiều công ty Trung Quốc niêm yết lên sàn. Tất cả yếu tố này sẽ thúc đẩy tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, Mark Makepeace, từng là trưởng bộ phận chỉ số tại sàn London và là đồng tác giả của cuốn sách “FTSE: The Inside Story” (tạm dịch FTSE: Câu chuyện bên trong), cho hay.

“Mọi nhà đầu tư sẽ phải quyết định góc nhìn về Trung Quốc”, ông Makepeace cho biết. “Đưa ra quyết định tỷ trọng đầu tư vào Trung Quốc và Mỹ trong 5-7 năm tới sẽ là yếu tố quyết định thành công trong việc đầu tư. Dự báo sai và rồi bạn sẽ có thành tích yếu kém”.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI

Các tin tức khác

>   Phố Wall tăng nhẹ trong đêm vọng Giáng sinh (25/12/2020)

>   Giới bán khống Tesla mất hơn 39 tỷ USD (24/12/2020)

>   S&P 500 đi ngang (24/12/2020)

>   Giới đầu tư ‘say’ cổ phiếu ngành rượu Trung Quốc (23/12/2020)

>   S&P 500 giảm 3 phiên liên tiếp (23/12/2020)

>   S&P 500 giảm nhẹ trước lo ngại về chủng mới virus Covid-19 ở Anh (22/12/2020)

>   Chứng khoán toàn cầu rớt mạnh, giá dầu lao dốc vì biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (21/12/2020)

>   Cơn sốt đầu cơ càn quét Phố Wall và thị trường thế giới (21/12/2020)

>   Doanh nghiệp Trung Quốc có gần 12 tỷ USD nhờ IPO tại Mỹ (21/12/2020)

>   Elon Musk có thêm gần 10 tỷ USD một tuần (20/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật