Thứ Sáu, 11/12/2020 11:41

Chứng khoán Hàn Quốc sẽ là ‘thỏi nam châm’ hút vốn ngoại trong năm 2021?

Đối với những nhà đầu tư muốn hưởng lợi từ bối cảnh cung tiền ngập tràn ở thời điểm này, Hàn Quốc có thể là một trong những điểm đến nóng nhất châu Á.

Quý này, dòng vốn toàn cầu đang mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc (vốn có tỷ trọng công nghệ cao) ở tốc độ nhanh nhất trong 4 năm qua, qua đó giúp Kospi trở thành chỉ số có thành quả tốt nhất trong năm 2020. Hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã mua 58 tỷ USD trái phiếu Hàn Quốc và sắp ghi nhận năm mua ròng kỷ lục. Bên cạnh đó, đồng Won cũng đang cạnh tranh với Nhân dân tệ ở ngôi vị đồng tiền tăng mạnh nhất trong khu vực châu Á.

Năm 2021 có thể là giai đoạn thuận lợi cho tài sản xứ sở kim chi, ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng. Sự hồi phục của chu kỳ chip bộ nhớ được dự báo sẽ kéo nền kinh tế ra khỏi đợt suy thoái đầu tiên kể từ năm 1998, đồng thời cũng là yếu tố thôi thúc JPMorgan Chase dự báo chỉ số Kospi cán mốc 3,200 điểm vào cuối năm 2021. Đồng Won có thể thử thách mốc 1,000 đổi 1 USD – mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, theo Bloomberg Intelligence.

“Tôi tiếp tục có cái nhìn tích cực về nền kinh tế Hàn Quốc và tích cực hơn về nhóm cổ phiếu công nghệ”, David Chao, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco – vốn quản lý khối tài sản trị giá 1.2 ngàn tỷ USD, cho hay. “Ngành công nghệ đang được củng cố bởi hoạt động xuất khẩu và chu kỳ đầu tư đã đến lúc hái quả. Sau một năm đầy thách thức, ngành bán dẫn cuối cùng đã bắt đầu tỏa sáng”.

Các nhà phân tích cũng ngày càng tích cực hơn về chứng khoán Hàn Quốc. Lợi nhuận của các công ty thuộc Kospi được dự báo tăng trưởng 43% trong năm 2020, một trong vài chỉ số chứng kiến lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng giữa bối cảnh dịch Covid-19. Con số này tương phản với mức giảm 7.2% của các công ty trong chỉ số S&P 500. Trong năm 2021, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc Kospi được dự báo gấp đôi so với S&P 500.

Triển vọng lợi nhuận màu hồng được dung dưỡng bởi những dữ liệu thương mại tích cực gần đây. Cụ thể, dữ liệu cho thấy đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á không chỉ gói gọn trong ngành bán dẫn. Các lĩnh vực thuận chu kỳ như xe hơi và hóa dầu sẽ dẫn dắt đà tăng cổ phiếu trong năm 2021, đánh dấu một trường hợp kinh điển của cơn sóng giao dịch dựa trên câu chuyện tăng phát (reflation) và khá giống với cú bùng nổ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2009, Hyundai Motor Securities viết trong báo cáo.

Niềm lạc quan của Mark Mobius

“Chúng tôi lạc quan về thị trường Hàn Quốc vào năm tới, vì sự tăng mạnh chi tiêu cho mảng công nghệ cao trên toàn cầu”, ông Mark Mobius, đồng sáng lập của Mobius Capital Partners, cho biết trong một email. “Chúng tôi đã nắm giữ tỷ trọng cao ở Hàn Quốc và sẽ tiếp tục duy trì”.

Kim ngạch xuất khẩu Hàn Quốc tăng vọt 27% trong 10 ngày đầu tháng 12/2020, nhờ sự tăng vọt 52% của hàng bán dẫn xuất khẩu, dữ liệu cho thấy trong ngày 11/12. Nhìn chung, các cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy kim ngạch xuất khẩu có thể tăng 5.5% trong năm 2021, sau khi giảm 3.9% trong năm 2020. Điều này tạo thêm lực đẩy cho nền kinh tế xứ sở kim chi tăng trưởng 3.2% trong năm 2021, sau cú giảm 1.1% trong năm nay.

Hiện tại, chỉ số Kospi đang tăng 26% từ đầu năm và sắp ghi nhận thành quả tốt nhất kể từ năm 2009. Theo đó, đà tăng 26% của Kospi trong năm nay cũng nâng cao mức định giá của thị trường. Hệ số P/E của Hàn Quốc hiện đang ở mức 13.7 lần (xét trên lợi nhuận dự phóng 12 tháng tới), cao hơn trung bình 5 năm là 10.5 lần. Hệ số P/E ngày càng tăng cùng với sự bùng phát dịch Covid-19 ở xứ sở kim chi có thể là rào cản đối với một số nhà đầu tư.

Dòng vốn nước ngoài

Tại thời điểm này, sự hồi phục của hoạt động thương mại là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư, đồng thời lôi kéo dòng vốn đầu tư thụ động vào các quỹ ETF Hàn Quốc. Nhờ đó, đồng Won tăng giá hơn 6% trong năm nay, trong khi trái phiếu nội tệ mang về lợi suất 8.2%, cao hơn mức lợi suất trung bình 6.8% của trái phiếu tại thị trường mới nổi, Bloomberg cho biết.

Các tài sản Hàn Quốc có thể hút thêm vốn khi nhà đầu tư tiếp tục dự báo đồng USD suy yếu thêm và thế giới hồi phục trở lại trong kỷ nguyên hậu Covid-19. Ở mức 30%, sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 2016.

“Nguồn cung tiền mới cũng sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư và nhà đầu tư có thể tìm tới các chứng khoán liên quan tới 5G tại Hàn Quốc”, Stephen Chiu, Chiến lược gia tiền tệ tại Bloomberg Intelligence ở Hồng Kông, cho hay. Stephen Chiu kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ nâng đồng Won về mức 1,000 Won đổi 1 USD trong năm tới.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu Airbnb tăng gấp đôi phiên chào sàn, vốn hóa vượt 100 tỷ USD (11/12/2020)

>   Mỹ phạt GE 200 triệu USD vì cung cấp thông tin hiểu lầm cho nhà đầu tư (11/12/2020)

>   Phố Wall đi ngang khi đàm phán về kích thích kinh tế tiếp tục (11/12/2020)

>   2021 có thể là năm khó khăn với chứng khoán Mỹ (10/12/2020)

>   Tỷ phú choáng váng trước khoản lỗ 50 triệu USD của con trai (10/12/2020)

>   S&P Dow Jones sẽ loại bỏ 10 cổ phiếu Trung Quốc ra khỏi chỉ số (10/12/2020)

>   Dow Jones quay đầu mất hơn 100 điểm (10/12/2020)

>   Dòng vốn ngoại ồ ạt vào thị trường châu Á (09/12/2020)

>   S&P 500 lần đầu tiên vượt mốc 3,700 điểm (09/12/2020)

>   Goldman Sachs: Tài sản tại thị trường mới nổi sẽ có thành quả vượt trội trong năm 2021 (08/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật