Chủ tịch Fed: Giá chứng khoán chưa quá cao khi xét tới mức lãi suất cực thấp hiện tại
Chứng khoán Mỹ đang liên tục lập kỷ lục mới, trong khi lợi suất trái phiếu không cách quá xa so với mức đáy lịch sử. Tuy vậy, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông không quá lo ngại về sự tách rời giữa giá chứng khoán và lợi suất trái phiếu.
Trên thực tế, trong cuộc họp báo ngày 16/12, nhà lãnh đạo Fed cho rằng lãi suất thấp đang góp phần tạo ra cú bứt phá trên thị trường chứng khoán kể từ đáy tháng 3/2020.
“Bức tranh về ổn định tài chính đang phản phất sự tương phản, theo tôi là vậy”, ông Powell cho biết. “Chúng tôi chưa nhận thấy bất kỳ tín hiệu đáng ngại nào từ thị trường tài chính”.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
|
Chỉ số S&P 500 đã bứt phá 65% kể từ đáy xác lập vào ngày 23/03/2020, giữa lúc hàng ngàn tỷ USD gói kích thích từ Fed và Quốc hội Mỹ chảy vào nền kinh tế. Ngoài ra, Fed còn hạ lãi suất xuống gần mức 0 và tiến hành chương trình mua trái phiếu trị giá 3 ngàn tỷ USD tại thời điểm đó. Hiện hệ số P/E của chứng khoán Mỹ đang ở mức 22 lần (xét tới lợi nhuận dự phóng), cao hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm là 15.6 lần.
Cùng lúc đó, trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm – vốn được xem là thước đo tiêu chuẩn cho lãi suất cho vay tiêu dùng cũng như là yếu tố để dự báo về mức tăng trưởng của nền kinh tế - có lợi suất rất thấp, ở mức 0.92%. Mặc dù đã cao hơn nhiều so với mức đáy tháng 3/2020, nhưng con số 0.92% vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức trước dịch.
Giữa bối cảnh lãi suất thấp, giá tài sản nhiều khả năng tăng mạnh, nhưng ông Powell cho rằng cần phải xét thêm nhiều yếu tố khác.
“Đúng là hệ số P/E đang cao”, ông nói. “Thế nhưng, hệ số này có lẽ cũng chưa cao trong một thế giới mà lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi xuống mức thấp hơn so với trước dịch”.
Lãi suất thấp đã góp phần giúp doanh nghiệp tiếp cận tới nguồn vốn giá rẻ cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành và tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh.
Ông Powell lưu ý đòn bẩy của doanh nghiệp đang cao, nhưng “phần thanh toán lãi vay đang ở mức thấp. Số vụ vỡ nợ và hạ bậc tín nhiệm đã giảm so với trước đó”.
Jerome Powell cho biết Fed đang dõi theo giá tài sản, nhưng chưa nhận thấy bất kỳ tín hiệu nguy hiểm nào.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục suy xét dựa trên những gì chúng tôi nhìn thấy và những gì đã bỏ lỡ. Chúng tôi đang cật lực xem xét tình hình thị trường”, ông nói.
Fed giữ nguyên chính sách, không tăng quy mô và thời gian mua trái phiếu
Sau cuộc họp cuối cùng của năm 2020 đầy biến động, các nhà hoạch định chính sách Fed quyết định giữ nguyên quy mô mua trái phiếu hàng tháng ở mức ít nhất 120 tỷ USD, trong đó bao gồm 80 tỷ USD cho trái phiếu Chính phủ và 40 tỷ USD cho chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS). Bên cạnh đó, họ cũng không thay đổi thành phần của chương trình mua trái phiếu, từ chối kéo dài thời hạn mua trái phiếu.
“Fed sẽ tiếp tục tăng nắm giữa trái phiếu Chính phủ ít nhất 80 tỷ USD/tháng và tăng MBS ít nhất 40 tỷ USD/tháng cho đến khi nền kinh tế đạt được bước tiến đáng kể hướng về mục tiêu toàn dụng nhân công và ổn định giá cả”, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho biết.
Lời lẽ của Fed về chương trình mua tài sản có vẻ tương tự với cam kết giữ lãi suất gần 0 cho tới khi kinh tế đạt mục tiêu toàn dụng nhân công và lạm phát 2%. Tuy nhiên, chúng lại không đủ quyết liệt như kỳ vọng của nhà đầu tư. Trước đó, một vài chuyên gia đầu tư dự báo Fed sẽ đưa ra biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết sự chững lại của đà hồi phục bằng cách kéo dài thời gian mua trái phiếu hoặc tăng quy mô tổng thể.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|