Bát nháo hoạt động đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất
Phương án phân làn mới tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không chỉ gây phiền hà, bức xúc cho hành khách mà còn vô tình "tạo cơ hội" cho các loại xe "dù" hoành hành.
* Yêu cầu điều chỉnh phương án phân làn tại sân bay Tân Sơn Nhất
* Khốn khổ vì phân làn ô tô ở sân bay: Cảng Tân Sơn Nhất làm sai quy định
Người dân xếp hàng dài chờ thang máy tại nhà xe TCP. Ảnh: H.Mai
|
Xuất hiện Grab "chui"
Khoảng 9 giờ sáng ngày 22.12, khu vực trước cửa nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất khá thông thoáng. Số lượng xe ra/vào đón khách không nhiều, không còn cảnh hành khách đứng chờ đông đúc, xe chen nhau đón khách như trước đây. Tưởng chừng như việc cảng Tân Sơn Nhất bố trí lại phương án phân làn đã phát huy tác dụng tốt, nhưng thực tế, tình trạng lộn xộn, xếp hàng giờ đã được chuyển vào bên trong nhà xe TCP.
Tại khu vực để ô tô tầng 4, tầng 5, rất nhiều hành khách khệ nệ tay xách đồ, tay đẩy xe đứng chờ đón taxi công nghệ. Phía dưới, khu vực hai thang máy hoạt động hết công suất nhưng vẫn quá tải. Đơn vị quản lý nhà xe đã phải bố trí lực lượng phân làn, hướng dẫn người dân vào thang máy và dải ngăn cách để người dân xếp hàng theo thứ tự, tránh chen lấn xô đẩy. Số chuyến bay hạ cánh thưa thớt nhưng lượng người đứng chờ thang máy khá đông. Rất nhiều người không đủ kiên nhẫn chờ đợi, đành vác va li leo 4 tầng cầu thang bộ.
Hành khách khệ nệ xách va li đi thang bộ
|
Đáng chú ý, phía cầu thang bộ bên ngách của nhà xe xuất hiện rất nhiều người tự nhận là tài xế xe công nghệ, chèo kéo khách. Theo ghi nhận của chúng tôi, có khoảng 3 người đàn ông liên tục thay phiên nhau đón khách tại khu vực này. Một người "phục" ngay trước quán cafe Highland, chờ thấy hành khách đi qua là bắt đầu chào mời "đi xe công nghệ, đi Grab không anh/chị ơi". Nếu khách đồng ý, người đàn ông này sẽ dẫn tới thẳng khu vực thang bộ, gọi "đồng đội" phía trên xuống dẫn khách lên tầng 4. Hai người đàn ông này chỉ có nhiệm vụ đưa khách lên, rồi lại xuống phía dưới chờ đón khách mới, không phải tài xế đón khách.
"Đón xe Grab đi đằng này chị ơi" - "Sao phải lên tận tầng 4?" - "Bây giờ quy định phải lên đây đón khách, chị có cần thì em xách vali cho" - "Nhưng tôi chưa đặt xe" - "Không cần đâu chị ơi, em dẫn lên xe luôn. Chị về đâu?" - "Quận 4" - "100.000 nhé, còn rẻ hơn giá trên app nữa"...
Cuộc hội thoại chóng vánh của "cò" xe và một nữ hành khách. Thực tế, tình trạng tài xế công nghệ hoạt động "chui", thỏa thuận giá trực tiếp với khách hàng không phải mới xuất hiện. Trước đây, các tài xế Grab thường xuyên sử dụng "chiêu" này để đón khách, trốn khấu trừ với hãng tại sân bay Nội Bài.
Sân bay Tân Sơn Nhất ít xuất hiện vì đặc thù tài xế vào đón khách ngay sát cửa nhà ga, không được dừng, đỗ lâu và chịu sự quản lý rất chặt của an ninh sân bay cũng như thanh tra giao thông. Tuy nhiên, việc đẩy tài xế công nghệ vào sâu bên phía nhà xe đã vô tình nới lỏng kiểm soát, tạo cơ hội cho tài xế "chui" ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn cắt cử người đón khách phía dưới rất bài bản, chuyên nghiệp.
Thêm vào đó, vẫn còn rất nhiều hành khách phải xách đồ ra đường Trường Sơn đón xe công nghệ để tiết kiệm 25.000 tiền phí. Mặc dù trước đó, Sở GTVT TP đã có văn bản yêu cầu cảng bố trí một phần làn C dành cho xe taxi đón khách nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, tránh xảy ra tình trạng nguời dân đi bộ ra đường Trường Sơn để đón xe gây ùn tắc giao thông trên tuyến đường huyết mạch ra vào sân bay này.
Vẫn còn tình trạng hành khách lội bộ ra tận đường Trường Sơn để đón xe
|
Xe "dù" được ưu ái?
Không chỉ taxi công nghệ, khu vực đón/trả khách tại sân bay Tân Sơn Nhất bây giờ xuất hiện thêm nhiều hiện tượng "lạ".
Theo phương án mới của cảng, làn A (khu vực sát sảnh đón trả khách) chỉ dành cho phương tiện đưa khách đi máy bay và cấm đón khách. Làn B, làn C dành cho các phương tiện đón khách (trừ taxi, xe kinh doanh vận tải). Xe gia đình đón thì có thể vào 2 làn này, nhưng dừng không quá 3 phút. Còn làn D là ở nhà giữ xe sân bay dành cho taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách (áp dụng cho xe kinh doanh có đăng ký nhượng quyền với sân bay).
Thế nhưng, án ngữ ngay giữa khu vực làn B là quầy nhận khách của "Hải Vân - Xe limousine - Sân bay - Vũng Tàu". Ngoài nhân viên trực quầy, có 2 - 3 “cò" mặc áo có logo của công ty mời mọc khách. Tại quầy nhận khách, hãng xe này thoải mái xếp ghế cho khách ngồi chờ xe, sau đó "cò" sẽ dẫn khách đến khu vực nhà ga quốc tế, nơi xe Hải Vân đã chờ sẵn.
Toàn bộ khu vực này chỉ có duy nhất hãng xe Hải Vân được "đóng căn cứ".
|
Một số tài xế hãng xe khác phản ánh thêm: Cách đây vài ngày, xe Hải Vân được đón khách trực tiếp tại làn B. Trong khi các phương tiện khác chỉ dừng đỗ 3 phút ở khu vực này thì có xe của Hải Vân dừng đỗ chờ khách hơn 30 phút nhưng không hề bị lực lượng chức năng ở sân bay nhắc nhở
Theo tìm hiểu, Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân hoạt động theo Dự án thí điểm cung cấp dịch vụ vận chuyển khách du lịch. Đây là dự án "Kế hoạch thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị và trung tâm du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô tại một số tỉnh, thành phố" (Hợp phần 2) do Bộ GTVT ban hành năm 2018.
Trong đó, Công ty Hải Vân tham gia hợp phần 2: vận chuyển bằng ô tô khách. Giai đoạn 1 gồm 5 tuyến. Tuyến 4 kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đi qua TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại, cự ly 110 km; Hành trình chính: Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (Ga Quốc tế đến - Ga quốc nội đến) - Trường Sơn - Phan Đình Giót - Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Điện Biên Phủ - Xa lộ Hà Nội - QL.51 - Cao tốc Long Thành - QL51 - đường Võ Nguyên Giáp - đường 3/2 - Lê Hồng Phong - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Trần Đồng - Trương Công Định - Đường Hạ Long (Điểm đỗ xe du lịch) và ngược lại.
"Cò" xe Hải Vân thản nhiên đón khách ngay tại làn B, khu vực không cho xe kinh doanh vận tải hoạt động
|
Thế nhưng thực tế, khi đi theo một số chuyến xe của Hải Vân, chúng tôi ghi nhận xe đón khách ở gần cổng sân bay trên đường Trường Sơn - vốn là khu vực thường xuyên kẹt xe, đón ở đường Phan Đăng Lưu tại địa điểm gần ngã tư Phú Nhuận (Phan Đăng Lưu - Nguyễn Kiệm)...
Kiểm tra trên ứng dụng đặt vé trực tuyến của hãng thì hành khách có thể được đón ở nhiều điểm đến không thuộc lộ trình trên như: chợ Bà Chiểu (đường Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh), chợ Tân Định (đường Hai Bà Trưng, Q.1), tòa nhà TTC (253 Hoàng Văn Thụ, P.2, Q.Tân Bình), số 445 Bạch Đằng (Q.Phú Nhuận), số 121 và số 153B Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận)... Trên đường Nguyễn Thái Bình (Q.1), vốn là khu vực xe “dù” hoạt động rầm rộ, Hải Vân cũng có văn phòng tiếp nhận khách đi Vũng Tàu.
Xe Hải Vân đón khách trên đường, hoạt động không khác gì xe "dù"
|
Bên cạnh đó, một trong những điểm nhấn của đề án là việc hành khách đặt chỗ để đi lại được thực hiện qua ứng dụng trên thiết bị di động, website và thanh toán điện tử theo thời gian thực để đảm bảo việc quản lý doanh thu nhằm tính đúng, tính đủ nghĩa vụ nộp thuế liên quan.
Tuy nhiên, chúng tôi thử đặt xe đi thì hoàn toàn không cần phải đăng ký chỗ hay thanh toán tiền trực tuyến. Khách trả tiền trực tiếp cho tài xế. Chính vì thế, việc thanh toán trực tuyến và khai báo thời gian thực bằng ứng dụng và qua website như đề án đưa ra đều không được đảm bảo. Không những vậy, giống như nhiều nhà xe “dù”, Hải Vân cũng nhận đặt chỗ qua điện thoại và đón khách trên đường, tài xế thu tiền.
Thuận tiện đâu chưa thấy, nhưng rõ ràng phương án phân làn mới đang gây rất nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân và bộc lộ nhiều bất cập trong vấn đề quản lý hoạt động vận tải tại sân bay Tân Sơn Nhất. Thanh Niên sẽ tiếp tục tìm hiểu và liên hệ với cơ quan chức năng để phản ánh tình trạng này.
Hà Mai
Thanh niên
|