Thứ Ba, 24/11/2020 13:00

VN-Index: Trump hay Biden - ai lên cũng vậy

Theo thống kê, thị trường chứng khoán Việt Nam không có diễn biến nào đặc biệt trong các năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, thị trường lại có mẫu hình tăng trưởng một năm sau năm bầu cử, tức năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ.

Sự tích cực của thị trường Mỹ

Kỳ bầu cử năm nay của Mỹ chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 khi có một lượng lớn phiếu bầu qua thư. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả bầu cử có sự thay đổi lớn vào phút chót, Tổng thống Trump dẫn trước ở một số bang chiến trường nhưng lại bị “lật kèo” vài ngày sau đó nhờ những lá phiếu qua thư. Với kết quả hiện tại, ứng cử viên đảng Dân chủ, Joe Biden, gần như chắc chắn trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ.

Bầu cử Tổng thống là thông tin tích cực với thị trường chứng khoán Mỹ. Thị trường thường đi lên trước và sau giai đoạn bầu cử diễn ra. Theo nghiên cứu của Dimensional Funds năm 2019, thị trường Mỹ đi lên 19 trong 23 năm bầu cử trong giai đoạn 1928-2016, chỉ có 4 lần điều chỉnh. Dựa trên dữ liệu của chỉ số S&P 500, nghiên cứu này chỉ ra năm 2008 là năm chỉ số điều chỉnh mạnh nhất 37% khi Obama đối đầu McCain, trong khi 1928 là năm chỉ số tăng trưởng tốt nhất. Trong lần bầu cử gần nhất vào năm 2016, thị trường tăng 12% và Trump trở thành Tổng thống Mỹ khi đánh bại bà Clinton.

Với những diễn biến từ bầu cử và chứng khoán Mỹ thì thị trường Việt Nam sẽ có xu hướng như thế nào? Liệu có mẫu hình nào tồn tại ở Việt Nam không? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta sẽ sử dụng dữ liệu thống kê từ 2000 đến 2020 của VN-Index để tìm hiểu và phần kết quả được trình bày bên dưới.

Diễn biến thị trường trong năm bầu cử

Do thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ tháng 07/2000 nên chỉ có dữ liệu trong 20 năm, tương đương với 6 lần bầu cử vào các năm 2000, 2004, 2008, 2012, 2016 và 2020. Phần thống kê dưới đây người viết sẽ loại ra dữ liệu năm 2000 do giai đoạn này thị trường chứng khoán Việt Nam mới đi vào hoạt động, số mã niêm yết ít nên không phản ánh chính xác những thông tin cần thiết.

Bên cạnh đó, dữ liệu chỉ cập nhật đến giữa tháng 11/2020, do đó, những thống kê trong năm 2020 cũng chưa thật sự hoàn chỉnh.

Hình 1. Đồ thị tuần của VN-Index theo tuần từ 2000-2020

Diễn biến thị trường trong năm bầu cử có sự khác biệt rất lớn và gần như không có mẫu hình nào thật sự rõ ràng, thị trường tăng trưởng 4/5 lần (Bảng 2) và điều chỉnh 1 lần vào năm 2008, giảm 65.9% khi nền kinh tế thế giới chịu tác động tiêu cực từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nếu quan sát 2 tháng quanh ngày bầu cử (tháng 10 và 11 của năm bầu cử), thì thị trường sẽ có xu hướng sideway hoặc điều chỉnh nhẹ trong hầu hết các trường hợp, trừ năm 2008 thị trường giảm mạnh (tháng 10 giảm 25% và tháng 11 giảm 9.4%) do tác động từ khủng hoảng toàn cầu. Giai đoạn đi ngang và điều chỉnh này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước và sau bầu cử. Họ chờ đợi kết quả và những chính sách mới của Tổng thống tiếp theo.

Với 2 thống kê trên, chúng ta không nhận thấy bất kỳ một mẫu hình nào rõ ràng trong giai đoạn bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, vào năm sau đó, câu chuyện lại hoàn toàn khác khi thị trường Việt Nam xuất hiện một mẫu hình tăng trưởng kéo dài gần 1 năm trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ.

Mẫu hình tăng trưởng một năm

Ở Việt Nam, chúng ta nhận ra có một mẫu hình tăng trưởng tồn tại sau năm bầu cử của Mỹ. Theo đó, vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng tăng trưởng với mức tăng nằm trong khoảng từ 11.8% đến 58.3%. Dựa trên dữ liệu 20 năm của VN-Index có 5/5 lần VN-Index tăng trưởng vào các năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ (vào các năm 2001, 2005, 2009, 2013 và 2017).

Điểm đặc biệt của mẫu hình này là nó đúng với 100% các trường hợp quan sát và bất chấp kết quả bầu cử của Mỹ, dù ứng viên đảng Dân chủ hay Cộng hòa chiến thắng thì thị trường Việt Nam vẫn đi lên.

Hình 2. Diễn biến của VN-Index trong các năm bầu cử
 
Phần tô màu thể hiện năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ.

Lần gần nhất, khi Donald Trump chiến thắng vào năm 2016, VN-Index đã tăng trưởng 47.8% trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống. Năm 2016, khi ra tranh cử, Trump đưa ra hàng loạt chính sách nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước và giảm thâm hụt thương mại với các nước khác, điển hình là chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Những chính sách này tạo ra làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước. Nền kinh tế Việt Nam đã được hưởng lợi trong quá trình này. Đây có thể là một trong số những lý do cho sự tăng trưởng mạnh mẽ 47.8% trong năm 2017 của thị trường.

Ở thời điểm hiện tại, các chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc khó có sự thay đổi lớn trong trung hạn, và làn sóng dịch chuyển này có thể còn tiếp tục khi Biden và đảng Dân chủ đang ủng hộ chính sách bảo hộ nền sản xuất trong nước. Do đó, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tiếp tục được hưởng lợi.

Dựa trên những chính sách của Biden khi trở thành thành tổng thống và mẫu hình trong quá khứ, kỳ vọng 2021 thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Ngành được hưởng lợi

Trong trường hợp đắc cử, Chính quyền của Tổng thống Biden sẽ thay đổi nhiều chính sách kinh tế quan trọng. Các chính sách này vẫn còn nằm trên giấy hoặc có tác động chưa rõ ràng đến Việt Nam. Do đó, ở thời điểm này rất khó để đánh giá những tác động của chúng đến thị trường.

Tuy nhiên, chính sách bảo hộ nền kinh tế trong nước từ thời Tổng thống Trump sẽ được tiếp tục khi được đảng Dân chủ và Biden ủng hộ. Chính sách này dự kiến sẽ tiếp tục tạo ra những rào cản không nhỏ với hàng của Trung Quốc và tạo nên làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia được hưởng lợi. Ngành công nghiệp phụ trợ và bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ là những ngành được hưởng lợi chính với những chính sách hiện tại.

Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng nhóm phân tích chiến lược CTCK KIS Việt Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 24/11: Có thể rung lắc? (23/11/2020)

>   Mua cổ phiếu nào cho tuần cuối tháng 11? (23/11/2020)

>   Góc nhìn tuần 23-27/11: Tích lũy tại vùng 980-1,000 điểm? (22/11/2020)

>   Góc nhìn 20/11: Rung lắc và giằng co? (19/11/2020)

>   VOF-VinaCapital thu hẹp tỷ trọng đầu tư vốn cổ phần tư nhân (19/11/2020)

>   Góc nhìn 19/11: Khó lường (18/11/2020)

>   Những điểm sáng để đầu tư cổ phiếu bất động sản (18/11/2020)

>   Đảo danh mục FTSE ETF quý 4/2020: PVD sẽ một lần nữa thoát hiểm? (19/11/2020)

>   Góc nhìn 18/11: Bên mua chiếm ưu thế? (17/11/2020)

>   Góc nhìn 17/11: Chú ý vùng hỗ trợ gần 945 - 950 điểm (16/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật