Thứ Năm, 26/11/2020 09:55

Thiếu container đóng hàng xuất khẩu

Doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn vì các hãng tàu thiếu container rỗng để đóng hàng xuất khẩu dù mức cước vận chuyển đã tăng phi mã

Theo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động thương mại nên container được đưa vào sử dụng mục đích khác như chứa hàng, đã cũ phải loại bỏ nhưng không được đầu tư bổ sung. Gần đây, giao thương hàng hóa tốt lên dẫn đến nhu cầu sử dụng container tăng, các hãng tàu lại ưu tiên chuyển container sang Trung Quốc đóng hàng do cước cao hơn. Trong khi đó, đang là thời điểm cuối năm, cao điểm xuất khẩu để phục vụ những ngày lễ, Tết sắp tới ở các thị trường nước ngoài.

Giành giật để có container

Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh (TP HCM), cho hay chưa bao giờ tình trạng thiếu container rỗng nghiêm trọng như lúc này. "Các DN giành giật nhau để có container đóng hàng xuất khẩu giữa lúc các hãng tàu nước ngoài nâng cước vận chuyển liên tục. Tuần này, họ báo mức cước 1.000 USD/container, tuần sau nâng lên 2.000 USD/container mà không có container rỗng để đóng hàng. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài thì DN Việt Nam không thể xuất khẩu, hụt doanh thu" - ông Thông sốt ruột.

Thiếu container đóng hàng xuất khẩu - Ảnh 1.
Container rỗng cho doanh nghiệp xuất khẩu đang thiếu .Ảnh: SƠN NHUNG

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T - xuất khẩu hàng khô đang gặp khó khăn do không có container đóng hàng nhưng hàng hóa đóng bằng container lạnh thì đỡ căng thẳng hơn. "Mức cước thì tăng mạnh, các hãng tàu vừa có đợt tăng cước mới sau khi đã tăng lúc dịch Covid-19 xảy ra. So với cùng kỳ năm ngoái, cước vận chuyển đường biển tăng gần gấp 3 lần, từ 1.500 USD lên 4.000 USD/container cho hàng đi Mỹ" - ông Tùng dẫn chứng.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP Đà Nẵng), đánh giá tình hình này rất khó khăn cho DN bởi đang là thời điểm cuối năm, nhu cầu giao nhận hàng tăng cao. Nhiều DN xuất khẩu đăng ký nhưng không có container để đóng hàng nên không thể nào đàm phán mức cước vận chuyển được. Cũng theo ông Lĩnh, giá nguyên liệu hải sản tăng 20%-30%, cộng với phí vận chuyển container tăng trong khi giá xuất khẩu không tăng càng làm cho DN lao đao.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết do vòng quay container bị "đứt gãy", tức có hàng xuất đi nhưng không có hàng hóa nhập về nên chủ tàu phải chờ, dẫn đến số container bị "neo" ở nước ngoài ngày càng lớn.

Đại diện một DN logistics thông tin tình trạng thiếu container rỗng tập trung vào loại 40 feet, loại 20 feet vẫn có, khách hàng nên chuyển sang sử dụng container nhỏ. Tuy nhiên, chỉ một số DN chấp nhận vì tổng chi phí vận chuyển bằng container nhỏ cao hơn so loại 40 feet. "Tình trạng tăng cước là do các hãng tàu cắt giảm chuyến khi lượng hàng giảm để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh" - đại diện DN này lý giải.

Cơ quan quản lý cần can thiệp

Đại diện hãng tàu lớn của nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam xác nhận tình trạng thiếu container rỗng, đặc biệt là container 40 feet, xảy ra từ cuối tháng 10. Lý do lượng hàng xuất sang Mỹ tăng đột biến, sau đó là đi châu Âu vì họ chuẩn bị hàng cho Giáng sinh và Tết dương lịch. "Một phần nữa là hàng hóa xuất đi bị giảm nhiều trong đại dịch Covid-19 nên các hãng tàu đã trả bớt lượng container thuê, phần còn lại họ không tái ký hợp đồng thuê. Còn các công ty có container cho thuê thì thanh lý số hết hạn sử dụng nhưng không mặn mà đầu tư bổ sung do đánh giá nhu cầu khách hàng thuê thấp" - đại diện hãng tàu này phân tích.

Một hãng tàu khác lại nhìn nhận tình trạng thiếu container rỗng không chỉ ở Việt Nam mà xảy ra trên toàn thế giới do container rỗng được ưu tiên đưa về thị trường Trung Quốc vì các DN ở đó chấp nhận trả phí cao hơn bình thường gấp 5-7 lần.

Theo các hãng tàu, tình trạng thiếu container rỗng có thể kéo dài đến sau Tết âm lịch.

Tuy nhiên, ông Phan Minh Thông cho rằng đợt thiếu container rỗng lần này không thể đổ lỗi do Covid-19 mà vì chiến lược kinh doanh của các hãng tàu tập trung cho thị trường Trung Quốc. "Tại Mỹ cũng thiếu container rỗng để đóng hàng xuất khẩu. Do đợt thiếu container rỗng lần này là bất thường nên chính phủ Mỹ đã vào cuộc điều tra các hãng tàu để họ không thể muốn làm gì thì làm. Tôi cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam cũng nên làm việc với các hãng tàu để giải quyết tình trạng này" - ông Thông đề nghị.

Cước hàng không quá cao

Bà Nguyễn Tú Uyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển CMU Logistics (TP HCM), xác nhận hiện cước vận chuyển trái cây tươi sang Mỹ bằng đường hàng không đang ở mức 6-6,5 USD/kg, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 3,5 USD/kg. "Mức cước cao sẽ còn kéo dài và chỉ hạ khi các đường bay thương mại hoạt động bình thường như trước khi có dịch Covid-19. Bình thường, khi máy bay vận chuyển hàng hóa cùng hành khách, doanh thu từ hành khách chiếm 60%-70%. Còn hiện tại, các chuyến bay không chở hành khách nên hàng hóa phải gánh toàn bộ chi phí. Muốn cước chở nông sản thấp hơn thì phải đủ số lượng để có thể thuê cả chuyến bay nhưng các đơn hàng của Việt Nam không đủ" - bà Uyên phân tích.

Ng.Ánh

NGỌC ÁNH - SƠN NHUNG - NGUYỄN HẢI

Người lao động

Các tin tức khác

>   Ông Philipp Roesler giúp Việt Nam thu hút khoảng 350 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn (26/11/2020)

>   Sẽ kết nối đầu tư 1,7 tỉ USD cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ASEAN (25/11/2020)

>   Foxconn đầu tư 270 triệu USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam (25/11/2020)

>   Tân Sơn Nhất đã quên cải thiện chất lượng dịch vụ trong nhiều năm? (25/11/2020)

>   Một năm thu 10 tỷ USD: Khối tiền đang bị lãng quên ở làng quê (25/11/2020)

>   Khẩn trương điều tra và xét xử nghiêm vụ án Nhật Cường, gang thép Thái Nguyên (25/11/2020)

>   Chỉ còn 1 tháng, thu phí không dừng có kịp ‘cán đích’? (25/11/2020)

>   Hàng vạn nhân viên ngân hàng, khách sạn đối diện nguy cơ mất việc (25/11/2020)

>   Báo động gian lận trốn thuế ở mặt hàng sắt thép nhập khẩu (25/11/2020)

>   Chi phí cố định đang 'bóp nghẹt' các hãng hàng không (25/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật