Thiệt hại hàng tỉ USD do ùn tắc
Giao thông TP.HCM đang bùng phát tới điểm ùn tắc và chỉ cần thêm một lượng nhỏ phương tiện cũng có thể đẩy lên tới mức ùn tắc kinh khủng.
Kẹt xe trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao đang dần kéo dài khoảng cách so với khả năng cung ứng của hạ tầng. Giao thông TP.HCM đang bùng phát tới điểm ùn tắc và chỉ cần thêm một lượng nhỏ phương tiện cũng có thể đẩy lên tới mức ùn tắc kinh khủng.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hằng ngày của người dân, ùn tắc đang là “nút thắt” lớn nhất kìm hãm sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế tại TP.HCM. Là đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả 2 vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, bao năm qua, kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm yếu kém đã kéo theo thiệt hại rất lớn.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, nhận định các trục đường huyết mạch hướng tâm vào TP như QL22, QL1, QL14 đều đã có quy hoạch mở rộng, nhưng chưa thực hiện, trong khi nhu cầu vận chuyển giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm ngày càng tăng cao, dẫn đến ùn tắc. Ách tắc là nguyên nhân chính khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh cao hơn so với các nước khác. Điều này dẫn đến hàng hóa xuất khẩu khó cạnh tranh, ảnh hưởng lớn đến kinh tế TP cũng như phát triển kinh tế toàn vùng. Chưa kể việc “ngâm” các dự án quá lâu trên giấy còn khiến chi phí giải phóng mặt bằng đội lên rất nhiều.
Chỉ tính sơ qua một vài dự án mở rộng, xây cầu đường kể trên có thể thấy, mỗi dự án từ lúc lập dự án cho đến khi mới “rục rịch” triển khai thôi cũng đã đội vốn lên gấp 2 - 3, thậm chí 4 lần. Chưa tính đến loạt hệ lụy về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường liên miên, kéo dài năm này qua tháng khác, làm khổ đời sống người dân.
Theo một tính toán được thực hiện từ cách đây khoảng 3 năm, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỷ USD/năm do ùn tắc giao thông và 2,3 tỷ USD do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới.
Tuy nhiên, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Viện Nghiên cứu - Phát triển GTVT Việt Đức, khẳng định thiệt hại do chậm trễ hoàn thiện mạng lưới giao thông của TP.HCM thực tế còn “kinh khủng” hơn. Theo ông Tuấn, về nguyên tắc, hạ tầng khai thông thì mới nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư. Các dự án triển khai chậm so với quy hoạch, thiệt hại không chỉ tính bằng số tiền đội lên để giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân mà đang kéo giảm sự phát triển của TP. Thực tế, TP.HCM thời gian qua đang vận động rất chậm so với các TP của các nước khác trong khu vực, thậm chí còn chậm hơn các TP vệ tinh như Bình Dương, Long An, Vũng Tàu.
“Giao thông TP.HCM quá trì trệ là biểu hiện bên ngoài của một TP đang phát triển trì trệ. Không cải thiện hạ tầng thì không những kinh tế không phát triển mà loạt hệ lụy về xã hội, môi trường, đời sống người dân sẽ phát sinh. Thiệt hại thật sự không thể đo đếm được”, ông Tuấn nhấn mạnh.
H.Mai
Thanh niên
|