Phải làm gì để Đông Nam Bộ 'bay lên'?
Giao thông là "điểm nghẽn" nghiêm trọng của vùng Đông Nam Bộ, nghẽn trên cả 3 tuyến: Đường bộ, hàng không và đường biển. Để phát triển hạ tầng giao thông khu vực này, cần phải thay đổi cả tư duy chiến lược và phương thức hành động. “Phía trước là bầu trời, làm sao để Đông Nam Bộ bay lên?”.
* Quyết tâm giải bài toán hạ tầng để vùng kinh tế sôi động nhất cả nước tăng tốc
Giao thông là "điểm nghẽn" nghiêm trọng của vùng Đông Nam Bộ
|
Cần một cách tiếp cận khác
Trao đổi tại Hội thảo thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với các cơ quan tổ chức diễn ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, đây là dịp rất tốt để chia sẻ một vấn đề đã được bàn thảo nhiều.
Song cần một cách tiếp cận khác, nếu không, sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của khu vực và đất nước. Theo ông, chúng ta cần phải tránh tư duy xin - cho, phải thay đổi cả về tư duy chiến lược và phương thức hành động.
“Phía trước là bầu trời, làm sao để Đông Nam Bộ bay lên?”, ông Trần Đình Thiên nêu vấn đề và nhấn mạnh rằng: Trong thời gian qua, Trung ương, Bộ Chính trị đã đặc biệt quan tâm phát triển vùng Đông Nam Bộ, trong đó đặc biệt quan tâm tới TPHCM với các nghị quyết về định hướng phát triển.
Nhờ đó, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn tiếp tục là Vùng có đóng góp lớn nhất về GDP, ngân sách nhà nước, việc làm và vẫn chứng tỏ tiềm năng - nội lực phát triển vượt trội. Mức đóng góp GDP (50.8%), Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lớn hơn cả 3 vùng kinh tế trọng điểm còn lại cộng lại.
Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016-2018 chỉ đạt 6.72% (trong khi vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 9.08%). Vị thế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong nền kinh tế tuy vẫn đứng đầu nhưng bị sụt giảm, vai trò động lực và dẫn dắt suy yếu.
Thiếu kết nối vùng
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, lý do là thiếu kết nối vùng, các tuyến đường vành đai và tuyến cao tốc còn ít, triển khai chậm; ách tắc lưu thông tại các trung tâm tăng trưởng quốc gia và kết nối quốc tế, cac nút giao thông TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Các công trình như Long Thành, Cái Mép – Thị Vải mà triển khai, giải quyết chậm thì sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ tới vùng mà còn tới cả nước. Đông Nam Bộ mà không phát triển đúng tầm sẽ ảnh hưởng lớn tới cả nước.
Giao thông là "điểm nghẽn" nghiêm trọng của vùng Đông Nam Bộ, nghẽn trên cả 3 tuyến: Đường bộ, hàng không và đường biển. Vùng kinh tế trong điểm phía Nam mới có 91 km (11%) đường cao tốc cả nước.
Một thực trạng khác là ách tắc “trung chuyển quốc tế nhưng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải; cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải thiếu đồng bộ, thiếu kết nối đường bộ, đường sắt…
Tập trung ưu tiên nguồn lực và cơ chế vượt trước
PGS.TS Trần Đình Thiên đề xuất, phát triển của TP.HCM, Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là lợi ích chiến lược quốc gia. Tập trung ưu tiên nguồn lực quốc gia và có cơ chế phát triển vượt trước cho Vùng Đông Nam Bộ để đầu tàu này trở thành đầu tàu hiện đại, vùng dẫn dắt mới phát huy đúng lợi thế và tiềm năng.
Đồng thời, cần thay đổi cách tiếp cận thể chế phát triển vùng, theo đó, thực thể vùng có lợi ích tổng thể, có thực lực ngân sách… Song song với đó, cần thay đổi cách tiếp cận lợi ích - lợi ích quốc gia và lợi ích doanh nghiệp - khi chung sức đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, không phải là “tranh chấp lợi ích” mà là phối hợp các tuyến lợi ích.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên: Tầm nhìn không mới nhưng phải triệt để thực hiện trong phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải - không gian và thời gian, cả đường sắt, đường thủy… Thay đổi, cải thiện quan hệ chức năng và cơ chế phối hợp Trung ương – địa phương trong phát triển hệ thống giao thông trong vùng.
Doanh nghiệp làm tốt phải được thưởng
Trao đổi về việc phân bổ nguồn lực đầu tư cũng như thế chế phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân ở Đông Nam Bộ, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng: Quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt đối với các công trình giao thông lớn, chưa đúng nguyên tắc thị trường cho lắm. Dường như chi phối vẫn là nguyên tắc chọn thầu.
Ông cho biết: "Chúng tôi nhiều lần đề nghị Thủ tướng, người nào, tập đoàn, doanh nghiệp nào làm tốt phải được thưởng, căn cứ trên lợi ích mang lại cho đất nước. Doanh nghiệp người ta cần được thưởng bằng tiền.
Ở Bắc Bộ đầu tư dựa cơ bản trên tiền ngân sách, trong khi đó, ở Đông Nam Bộ dường như triển vọng nguồn lợi thu được quá lớn, do đó cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp".
“Chúng ta làm PPP lợi ích chưa rõ, chưa khuyến khích doanh nghiệp, dẫn đến cơ hội bị bỏ lỡ. Do đó, các bộ, ngành cần có cơ chế đặc biệt cho vùng Đông Nam Bộ về cơ chế chính sách phát triển hạ tầng giao thông nhằm khuyến khích doanh nghiệp” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh./.
Nhật Quang
FILI
|