Thứ Năm, 12/11/2020 09:27

Thị trường cổ phiếu Mỹ hậu bầu cử: Ẩn số Covid-19 và gói hỗ trợ kinh tế

Nhiều hãng tin tài chính đã thể hiện sự phấn khởi với phản ứng của thị trường cổ phiếu Mỹ trong tuần lễ bắt đầu công bố kết quả bầu cử. Hãng tin Bloomberg cho rằng chẳng phải ông Trump hay ông Biden, mà thị trường cổ phiếu mới là người thắng cuộc.

Phản ứng ban đầu: thị trường cổ phiếu chứ không phải ông Trump hay ông Biden thắng

Chỉ số Nasdaq tính đến khi đóng cửa ngày 6-11 đã tăng đến 9% so với đầu tuần trong khi S&P 500 cũng tăng hơn 7%.

Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào cũng tăng giá tuần qua. Những cổ phiếu được xem là các khoản đầu tư năng lượng xanh như cổ phiếu công nghệ năng lượng mặt trời SolarEdge có lúc đã giảm đến 10%. Nhiều cổ phiếu đầu tư hạ tầng cũng giảm giá nhẹ. Nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ.

Rõ ràng đã có một sự luân chuyển dòng tiền trong tuần qua từ các cổ phiếu xanh và hạ tầng, những thứ dự kiến sẽ hưởng lợi từ chính sách kích thích kinh tế và thân thiện với môi trường của ông Biden sang dòng cổ phiếu công nghệ - những cổ phiếu được dự đoán sẽ gặp khó với quan điểm của nhiều nghị sĩ Dân chủ là độc quyền và trốn tránh thuế.

Điều quan trọng nhất là các nhà đầu tư lớn đã “xuống tiền”, thoát ra khỏi các kênh trú ẩn và bắt đầu mua tài sản có rủi ro.

Tại sao có sự lạ lùng này? Chẳng phải khi ông Biden đang dẫn trước thì cổ phiếu đầu tư “xanh” nên lên và cổ phiếu công nghệ nên giảm hay sao?

Đó là và không chỉ việc ông Biden trở thành tổng thống được chú ý mà nhà đầu tư còn chú ý đến tình hình bầu cử ở Thượng viện. Từ giữa tuần qua, người ta đã nhận thấy là dù ai chiến thắng ở cuộc đua tổng thống Mỹ, sẽ không có một “làn sóng xanh” - điều ám chỉ đảng Dân chủ sẽ nắm hết cả vị trí tổng thống lẫn lưỡng viện của Mỹ. Thay vào đó, nhiều khả năng đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục giữ ưu thế ở Thượng viện. Đến cuối tuần, theo đánh giá của Financial Times, tình hình giằng co ở Thượng viện khá sít sao khi hai bên đều có thể chiếm 48 ghế và còn 4 ghế chưa quyết định.

Điều đó đồng nghĩa với việc ông Biden sẽ gặp khó khăn trong việc thông qua các chính sách về tăng thuế (có loại tăng gần gấp đôi với các thuế thu nhập đánh ở mức cao nhất cho người giàu và lãi vốn của dân đầu tư cổ phiếu), đầu tư hạ tầng và năng lượng xanh, hay duyệt chi một gói hỗ trợ kinh tế hơn 2.000 tỉ đô la Mỹ. Tờ Financial Times đã đăng một bài bình luận của Edward Luce cho rằng ông Biden có thể trở thành một tổng thống không có thực quyền (gọi là tổng thống “vịt què” - “lame duck president”).

Với tin vaccin của Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả 90%, nỗi lo về Covid-19 đã giảm bớt nhiều, nhiều thị trường cổ phiếu đã tăng 6-7% với dòng cổ phiếu giá trị, theo chu kỳ tăng mạnh; trong khi dòng cổ phiếu công nghệ có dấu hiệu giảm.

Một ông tổng thống vịt què lại tốt cho thị trường cổ phiếu Mỹ? Nghe có vẻ vô lý nhưng thị trường lại thích cách giải thích này, vì nghĩa là ông ta không thể tăng thuế ngay hay làm tổn hại các công ty công nghệ lớn, vốn là con cưng của các nhà đầu tư cổ phiếu Mỹ. Thế là cổ phiếu công nghệ tăng.

Chưa hết, trước bầu cử, vì nhiều dự đoán từ các điều tra cho thấy ông Biden sẽ thắng áp đảo, nhiều quỹ đầu tư đã đặt cược vào “làn sóng xanh” và các gói đầu tư hạ tầng với việc mua vào các cổ phiếu xanh và hạ tầng. Nay khi nhận ra điều đó sẽ không xảy ra, họ bán tháo nhóm cổ phiếu này và chuyển sang mua các cổ phiếu công nghệ.

Một sự dịch chuyển dòng vốn bình thường. Nhưng điều quan trọng nhất là các nhà đầu tư lớn đã “xuống tiền”, thoát ra khỏi các kênh trú ẩn và bắt đầu mua tài sản có rủi ro. Theo số liệu của Lipper các quỹ đầu tư thị trường tiền tệ (một dạng giữ tiền mặt lãnh một chút lãi suất rất thấp của các định chế đầu tư như quỹ đầu tư, ngân hàng và công ty bảo hiểm) đã bị rút ròng đến 15 tỉ đô la Mỹ trong tuần bầu cử tổng thống Mỹ. Rõ ràng, nhà đầu tư tổ chức đã “tham lam” trở lại.

Một trong những nguyên nhân là họ cảm thấy những bất định do bầu cử tổng thống Mỹ sẽ sắp qua đi. Thứ hai, họ cảm thấy việc ông Biden muốn tăng thuế mạnh lên các tài sản và lợi nhuận đầu tư sẽ không thể vượt qua được sự cản trở của Thượng viện. Đó là tin tốt.

Ẩn số sắp tới: Covid-19, vaccin, thuế và gói hỗ trợ kinh tế

Sau một tuần tăng điểm mạnh, thị trường cổ phiếu Mỹ và nhiều nước đang quay trở lại đối mặt với những vấn đề thực tế.

Đối với thị trường Mỹ, có ba vấn đề lớn. Thứ nhất, số ca nhiễm Covid-19 vẫn đang tăng nhanh tại Mỹ, bình quân vượt 100.000 ca/ngày, và số ca của ngày thứ Sáu trong tuần kiểm phiếu bầu cử đã vượt 130.000 ca và hơn 1.000 người chết. Một trong những việc đầu tiên ông Biden cần phải làm sau khi nhận được chúc mừng của nhiều nguyên thủ quốc gia về việc chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống là phải bổ nhiệm các thành viên của tổ công tác đặc biệt về Covid-19.

Nỗi lo về số ca nhiễm Covid-19 được dự đoán sẽ quay lại tác động đến tâm lý trên thị trường tài chính và người ta lo ngại ông Biden sẽ có những biện pháp hạn chế virus lây lan mạnh tay hơn ông Trump, đồng nghĩa với một phần nền kinh tế có thể không vận hành được như thông thường. Rủi ro này vẫn tồn tại và có thể sẽ bắt đầu tác động đến giá cổ phiếu khi cơn hưng phấn sau bầu cử kết thúc, với một số nhà đầu tư.

Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày thứ Hai, 9-11 cho thấy một phần khác của câu chuyện: vaccin. Với tin vaccin của Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả 90%, nỗi lo về Covid-19 đã giảm bớt nhiều, nhiều thị trường cổ phiếu đã tăng 6-7% với dòng cổ phiếu giá trị, theo chu kỳ tăng mạnh, trong khi dòng cổ phiếu công nghệ có dấu hiệu giảm (khi bớt dịch Covid-19 thì các cổ phiếu hưởng lợi từ làm việc tại nhà và dịch vụ đám mây sẽ giảm).

Tăng thuế và gói hỗ trợ kinh tế là hai nhân tố có tính bù trừ lẫn nhau và nhà đầu tư cũng sẽ rất quan tâm. Một mặt, ông Biden muốn tăng thuế mạnh với thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân của người có thu nhập cao và thuế lãi vốn đối với lợi nhuận từ mua bán cổ phiếu (thậm chí phó tổng thống Kamala Harris tương lai còn muốn đánh cả thuế với giao dịch chứng khoán). Điều này sẽ tác động xấu tới giới kinh doanh nói chung, và đầu tư chứng khoán nói riêng. Nhưng mặt khác, khả năng ông Biden cũng sẽ tăng gói hỗ trợ kinh tế lại là điều tốt cho thị trường. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề của ít nhất đến cuối năm khi mà triển vọng về khả năng thông qua gói hỗ trợ kinh tế được rõ ràng hơn. Ở thời điểm trước mắt, virus và vaccin vẫn là tin sẽ tác động chính tới thị trường.

Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên đại học Bristol

TBKTSG

Các tin tức khác

>   S&P 500 và Nasdaq Composite khởi sắc khi cổ phiếu công nghệ phục hồi (12/11/2020)

>   Làn sóng bán tháo ập đến chứng khoán công nghệ Trung Quốc, 260 tỷ USD 'bốc hơi' (11/11/2020)

>   Dow Jones tiếp tục tăng hơn 200 điểm (11/11/2020)

>   Phải chăng dân 'chứng' đã quá lạc quan về thông tin vắc-xin? (10/11/2020)

>   Chứng khoán châu Á có thể nhận cú huých từ đà suy yếu của đồng USD (10/11/2020)

>   Vọt hơn 800 điểm, Dow Jones chứng kiến phiên tăng mạnh nhất trong 5 tháng sau tin tốt về vắc-xin (10/11/2020)

>   Tin tốt về vắc-xin kích Dow Jones Futures nhảy vọt 1,400 điểm, chứng khoán châu Âu tăng 5% (09/11/2020)

>   Chứng khoán toàn cầu lên kỷ lục mới (09/11/2020)

>   Dow Jones futures tăng 350 điểm (09/11/2020)

>   Dow Jones tăng mạnh sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (07/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật