Chứng khoán châu Á có thể nhận cú huých từ đà suy yếu của đồng USD
Triển vọng đồng USD suy yếu dưới thời Joe Biden và thông tin tích cực về vắc-xin từ Pfizer cho nhà đầu tư lý do để chuyển sang chứng khoán châu Á.
Chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar – vốn đo lường sức mạnh của các đồng tiền trong khu vực châu Á với đồng bạc xanh – lên gần mức cao nhất kể từ tháng 6/2018, ngay cả khi đồng Yên giảm giá khi nhà đầu tư rút khỏi các kênh trú ẩn an toàn trong đêm qua. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương khép phiên ở mức đỉnh gần 2 năm trong ngày 09/11 và nới dài đà tăng trong ngày thứ Ba (10/11) cùng với chứng khoán toàn cầu.
Một đồng USD yếu hơn báo hiệu tâm lý chấp nhận rủi ro cao hơn và được xem là yếu tố tích cực cho tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi tại châu Á. Nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào hàng nhập khẩu được định giá bằng đồng bạc xanh. Các đồng tiền châu Á mạnh hơn cũng góp phần củng cố cho bảng cân đối kế toán quốc gia và những người vay nợ từ Chính phủ cho tới doanh nghiệp hưởng lợi nhờ trả ít hơn đối với nợ bằng USD.
“Đối mặt với đà suy yếu của đồng USD, nhà đầu tư Mỹ thường xem xét cơ hội tăng trưởng và lợi nhuận ở nước ngoài nói chung, và ở châu Á nói riêng”, John Woods, Giám đốc đầu tư phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Credit Suisse Group AG, cho hay. “Đà hồi phục kinh tế đang lấy đà và lợi nhuận doanh nghiệp khá tích cực. Châu Á đang chuẩn bị cho đà hồi phục trong năm 2021”.
Đà suy yếu của đồng USD sẽ còn tiếp diễn, theo giới quan sát thị trường. Thông tin tích cực về vắc-xin có khả năng tạo cú huých cho các tài sản rủi ro cao và tác động tiêu cực tới các kênh trú ẩn an toàn.
Trong khi đó, việc Đảng Dân chủ khó chiếm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ sẽ làm giảm quy mô về gói kích thích tài khóa bổ sung và gây áp lực lên đôi vai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và buộc họ phải hành động quyết liệt hơn để vực dậy nền kinh tế, theo Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management.
“Đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong dài hạn, vì Mỹ có lãi suất kém hấp dẫn hơn nhóm G10 trong quá khứ”, ông viết trong một báo cáo.
Khả năng kết thúc chính sách đối ngoại khó lường của Tổng thống Donald Trump, nhất là về thương chiến với Trung Quốc, được xem là một yếu tố tích cực cho tài sản châu Á.
“Đà suy yếu của đồng USD là câu chuyện thật và không có thành quả vượt trội hơn bất kỳ quốc gia hoặc khối nào”, Jeffrey Halley, Chuyên viên phân tích thị trường cấp cao tại Oanda Asia Pacific, nhận định. “Các đồng tiền châu Á và các đồng tiền khác sẽ tiếp tục tăng giá”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|