Thứ Bảy, 07/11/2020 10:48

Thêm trạm thu phí mới, quyết toán hoàn vốn ra sao cho BOT Cai Lậy?

Trạm thu phí được đầu tư mới trên tuyến tránh Cai Lậy sẽ thực hiện việc thu phí hoàn vốn cho hợp phần đầu tư tuyến tránh; còn trạm thu phí hiện hữu trên Quốc lộ 1 sẽ thu phí hoàn vốn cho hợp phần tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang. Vậy, việc ghi nhận doanh thu từ bán vé và quyết toán cho từng hợp phần để dỡ trạm khi hoàn vốn sẽ được thực hiện ra sao?

Vị trí được chuẩn bị xây trạm thu phí mới trên tuyến tránh. Ảnh: Trung Chánh

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang (BOT Cai Lậy) được chia làm hai hợp phần chính, gồm hợp phần đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về chi phí đầu tư của dự án cho biết, tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư (có cập nhật của thanh tra, kiểm toán), thì tổng chi phí đầu tư là trên 1.380 tỉ đồng, trong đó, phần tuyến tránh là 680,77 tỉ đồng; phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 là hơn 379 tỉ đồng; xây trạm thu phí (trạm trên quốc lộ 1- PV) là trên 100 tỉ đồng và giải phóng mặt bằng là 219 tỉ đồng.

Để thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án nêu trên, việc xây dựng thêm trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy đã chính thực được khởi động.

Ghi nhận thực tế của TBKTSG Online vào hôm nay, 5-11, tại vị trí đặt trạm thu phí mới nằm trên tuyến tránh, công tác dọn dẹp để tạo mặt bằng phục vụ thi công trạm đã chính thức được thực hiện và cơ bản hoàn thành.

Còn trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Trung Duy, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang- doanh nghiệp dự án- cũng xác nhận, đơn vị này đã bắt đầu triển khai dọn dẹp và xử lý phần mặt bằng bị tái lấn chiếm (tại nơi xây trạm) kể từ hôm 4-11. “Hiện nay, ngoài hiện trường, bên phải tuyến cơ bản đã xong và hôm nay (5-11) sẽ tiếp tục xử lý bên trái tuyến trong phạm vi xây dựng trạm thu phí”, ông cho biết.

Theo ông Duy, được sử đồng ý của Tổng cục đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, sẽ thực hiện phân luồng cho xe đi một chiều trong tuyến tránh để tổ chức thi công trạm thu phí.

Theo đó, thời gian phân luồng ưu tiên hướng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây từ 14 giờ ngày thứ 6 đến 0 giờ ngày Chủ Nhật và chiều ngược lại từ 0 giờ ngày Chủ Nhật đến 14 giờ ngày thứ 6 hàng tuần. “Công ty dự kiến sẽ lắp đặt các biển báo và thực hiện các biện pháp để phân luồng từ thứ hai tuần tới”, ông Duy cho biết và giải thích, việc phân luồng vào cuối tuần sẽ ảnh hưởng đến thói quen lưu thông của tài xế nên có nhiều điểm không tốt.

Về thời gian thi công trạm thu phí mới trên tuyến tránh, theo ông Duy, dự kiến từ nay đến 31-1-2021 sẽ hoàn thành. “Sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ mời các cơ quan liên quan tiến hành nghiệm thu và sau khi nghiệm thu xong sẽ thực hiện các bước thủ tục liên quan để trình thu phí trở lại”, ông cho biết và thông tin phía doanh nghiệp dự án dự kiến sẽ thu phí trở lại từ sau Tết âm lịch.

Theo ông Duy, sau khi xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến tránh, sẽ thực hiện thu liên trạm và xe đi qua hai trạm chỉ trả tiền vé cho 1 trạm. Trạm nào hoàn vốn xong sẽ dỡ bỏ trạm đó, tức trạm trên tuyến tránh sau khi hoàn vốn cho hợp phần tuyến tránh sẽ dỡ bỏ và trạm trên quốc lộ 1 hiện hữu sau khi hoàn vốn cho phần tăng cường mặt đường sẽ dỡ bỏ.

Song song với cách thu phí hoàn vốn nêu trên, theo ông Duy, sẽ tiếp tục thực hiện phân luồng xe như quyết định trước đó của Tổng cục đường bộ Việt Nam, tức xe từ 29 ghế ngồi và xe từ 3 trục trở lên phải đi vào tuyến tránh.

“Việc phân luồng thì vẫn phải thực hiện nhằm mục đích: thứ nhất, chia sẻ lưu lượng; thứ hai, để tránh gây ùn tắc và việc ô nhiễm môi trường trong nội đô (trung tâm thị xã Cai Lậy - PV) khi tập trung phương tiện đi vào”, ông cho biết và thông tin, việc này đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện nên khi thu phí trở lại vẫn tiếp tục áp dụng.

Trạm thu phí hiện hữu trên quốc lộ 1, qua tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

Tuy nhiên, có một vấn đề cần phải làm rõ, đó là việc ghi nhận doanh thu và quyết toán để hoàn vốn cho từng trạm hay nói cách khác cho từng hợp phần đã đầu tư để thực hiện dỡ trạm sẽ thực hiện ra sao?

Ông Duy cho biết, hệ thống được tích hợp phần mềm để ghi nhận doanh cho thu từng trạm. “Anh mua vé trả tiền ở trạm nào, thì dĩ nhiên doanh thu đó nó sẽ được ghi nhận vào trạm đó”, ông giải thích.

Như đã nêu ở trên, nguồn thu từ phương tiệu qua trạm thu phí Quốc lộ 1 sẽ dùng để hoàn vốn cho hợp phần tăng cường mặt đường; nguồn thu từ phương tiện qua trạm thu phí tuyến tránh sẽ dùng để hoàn vốn cho tuyến tránh. Như vậy, về lý thuyết, doanh thu ghi nhận ở trạm nào, thì phải được sử dụng để quyết toán hoàn vốn cho hợp phần đầu tư ở trạm đó.

Nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện này cần phải được công khai, minh bạch để cho người dân được biết và đồng tình ủng hộ, chứ nếu không rất có thể xảy ra sự phản ứng như đã từng diễn ra.

Trung Chánh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Đầu tư phương Tây vào Việt Nam chỉ bằng 1/3 vốn của Trung Quốc (07/11/2020)

>   Bột ngọt xuất xứ Trung Quốc 'đội lốt' bột ngọt thương hiệu tuồn vào tiệm tạp hóa (06/11/2020)

>   Người Mỹ tăng mua cá ngừ đóng hộp từ Việt Nam (06/11/2020)

>   'Thu hồi gần 2.000 tỷ đồng trong vụ Phan Sào Nam' (06/11/2020)

>   Một số dự án thua lỗ ngành Công Thương tìm được đối tác mua lại (06/11/2020)

>   Được gia hạn hơn 66,7 nghìn tỷ, nhiều doanh nghiệp tỏ ra 'thờ ơ'? (06/11/2020)

>   Sản xuất và xuất khẩu tiếp tục là động lực cho kinh tế năm sau (06/11/2020)

>   100 loại thiết bị y tế 'trùm mền' (06/11/2020)

>   Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2021 (05/11/2020)

>   'Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI là điều khó chấp nhận' (05/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật