Thứ Sáu, 27/11/2020 10:01

Reuters: Foxconn chuyển sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple

Foxconn đang chuyển một phần sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple, dựa trên nguồn tin thân cận, khi đại gia công nghệ Mỹ muốn đa dạng hóa sản xuất để giảm thiểu tác động của thương chiến Mỹ-Trung.

Diễn biến trên xảy ra khi chính quyền Tổng thống Donald Trump khuyến khích các công ty Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong suốt nhiệm kỳ của ông Trump, Mỹ đã áp hàng rào thuế quan đối với các thiết bị điện tử sản xuất tại Trung Quốc, đồng thời hạn chế cung ứng linh kiện có sử dụng công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc mà họ cho là có rủi ro an ninh quốc gia.

Tim Cook trong một lần ghé thăm nhà máy của Foxconn.

Lo ngại bị kẹt giữa cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng”, các nhà sản xuất Đài Loan đã chuyển hoặc đang cân nhắc chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc đến các quốc gia như Việt Nam, Mexico và Ấn Độ.

Foxconn đang xây dựng dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook của Apple tại nhà máy ở tỉnh Bắc Giang. Nhà máy này dự kiến đi hoạt động vào nửa đầu năm 2021, dựa trên nguồn tin thân cận.

Dây chuyền sản xuất này cũng sẽ lấy đi một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nguồn tin này cho biết, nhưng không nói rõ bao nhiêu phần sẽ được chuyển tới Việt Nam.

“Yêu cầu này đến từ Apple”, người này cho biết. “Họ muốn đa dạng hóa sản xuất sau cuộc thương chiến”.

Foxconn cho biết trong tuyên bố: “Vì lý do chính sách công ty và sự nhạy cảm về thương mại, chúng tôi không nhận định về phần công việc, khách hàng hay sản phẩm của chúng tôi”.

Apple cũng không lập tức phản hồi thông tin trên.

Foxconn – trước đó được biết tới là Hon Hai Precision Industry – dự định chi khoảng 270 triệu USD để thành lập một công ty con mới có tên là FuKang Technology, một động thái được cho là nhằm mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

* Foxconn đầu tư 270 triệu USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam

* Foxconn: Đã qua rồi thời Trung Quốc là công xưởng thế giới

Ngoài ra hãng sản xuất theo hợp đồng này cũng định sản xuất tivi tại nhà máy Bắc Giang để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng như Sony của Nhật Bản. Việc sản xuất tivi được cho là sẽ bắt đầu vào cuối năm 2020 cho tới đầu năm 2021, nguồn tin này cho biết. Nhà máy ở Bắc Giang cũng sẽ sản xuất các sản phẩm điện tử như bàn phím máy tính.

Theo công ty nghiên cứu tại Đài Bắc TrendForce, toàn bộ iPad đều được lắp ráp tại Trung Quốc và do đó, động thái của Foxconn sẽ đánh dấu lần đầu tiên iPad được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Foxconn đã lên kế hoạch chi tới 1 tỷ USD để mở rộng sản xuất tại Ấn Độ theo yêu cầu đa dạng hóa sản xuất ra khỏi Trung Quốc của Apple, dựa trên nguồn tin từ tháng 7/2020.

Chủ tịch Foxconn Liu Young-way nói với nhà đầu tư trong tháng 8/2020 rằng cuộc chiến thương mại đã chia thế giới ra làm hai, cho rằng công ty của ông dự định cung cấp “hai bộ chuỗi cung ứng khác nhau”.

Tận dụng thỏa thuận RCEP

Công ty Đài Loan này muốn tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và hy vọng nâng năng lực sản xuất tại đất nước hình chữ S. Được biết, Foxconn chỉ mới sản xuất màn hình tinh thể lỏng ở Việt Nam từ tuần trước.

RCEP vừa được ký kết vào ngày 15/11 và sẽ giảm bớt hàng rào thuế quan tại khu vực châu Á. Foxconn dự kiến đẩy mạnh tối đa công suất tại Việt Nam và nhận lợi ích từ khuôn khổ RCEP.

Đài Loan không phải là một phần của RCEP và hầu hết cơ sở sản xuất của Foxconn đều ở Trung Quốc đại lục. Mặc dù Trung Quốc có tham gia thỏa thuận, nhưng những bất ổn xoay quanh quan hệ Mỹ-Trung đã thôi thúc nhiều công ty, bao gồm Foxconn, tìm kiếm những cơ sở sản xuất tốt hơn.

Việt Nam – vốn có tham gia vào RCEP – có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch sản xuất. Ngoài ra, đất nước hình chữ S còn có chi phí lao động rẻ hơn.

Young Liu, Chủ tịch Foxconn, cho biết “cơn sốt đầu tư vào Việt Nam thật sự lớn”. Ông cũng nói thêm “rất khó để tìm kiếm đất ở miền Bắc Việt Nam” và có vị trí gần biên giới với Trung Quốc. Ngày 25/11, ông cho biết Foxconn đang sản xuất nhiều sản phẩm tại Việt Nam, bao gồm tivi, thiết bị viễn thông và sản phẩm liên quan tới máy tính.

Foxconn hiện đang đẩy mạnh đa dạng hóa nơi sản xuất để tránh tình trạng quá phụ thuộc vào Trung Quốc với mục tiêu sản xuất bên ngoài Trung Quốc chiếm 30% tổng sản xuất.

Các đối thủ như nhà sản xuất thiết bị điện tử Đài Loan Pegatron và nhà sản xuất theo hợp đồng Wistron cũng quyết định mở rộng sang Việt Nam.

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FILI

Các tin tức khác

>   Trung Quốc siết thủy sản, trái cây nhập khẩu (27/11/2020)

>   Bộ ba chính sách 'vàng': Tới 2030, ĐBSCL bắt kịp cả nước (26/11/2020)

>   Tồn hơn 15 triệu tấn than, TKV tìm thêm thị trường mới (26/11/2020)

>   Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối mặt với án phạt 10-15 năm tù (26/11/2020)

>   Cái gì cũng nhập, nguy cơ thành quốc gia làm thuê (26/11/2020)

>   VASEP: Xuất khẩu cá tra đang trên đà tăng trở lại  (26/11/2020)

>   Thiếu container đóng hàng xuất khẩu (26/11/2020)

>   Ông Philipp Roesler giúp Việt Nam thu hút khoảng 350 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn (26/11/2020)

>   Sẽ kết nối đầu tư 1,7 tỉ USD cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ASEAN (25/11/2020)

>   Foxconn đầu tư 270 triệu USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam (25/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật