Nghị định làm suy kiệt nền kinh tế
2020 là năm đặc biệt với nền kinh tế toàn cầu. Trong đó Việt Nam ngoài chịu sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai như hạn hán xâm nhập mặn ở Tây Nam bộ, bão lũ và sạt lở kinh hoàng ở miền Trung, khiến người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn chồng chất.
* Áp dụng quy định thuế 3 quý tạm nộp không thấp hơn 75% từ năm 2021
* Quy định mới về thuế không thúc đẩy tăng trưởng
* Thuế, phí bào kiệt sức nhà đầu tư: Chưa biết doanh thu, đã lo nộp thuế
Nhiều doanh nghiệp bức xúc về nghị định 126
|
Tình hình này khiến 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 1,82%. Sang quý III nền kinh tế mới dần phục hồi, tăng trưởng GDP quý ước đạt 2,62%. Chính phủ kỳ vọng nền kinh tế sẽ bùng nổ vào quý IV để cả năm có thể đạt tăng trưởng 3%.
Thế nhưng, trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực gượng dậy sau đại dịch và thiên tai, người dân và doanh nghiệp lại phải âu lo với những thông tư, nghị định của cơ quan công quyền, khiến khó khăn chồng khó khăn.
Đó là việc Tổng cục Thuế không những không có chính sách mới để khoan sức dân, lại cho ra đời Nghị định 126/2020 gây nên những hoang mang và khó hiểu với người dân và doanh nghiệp.
Tại Khoản 6, Điều 8, Nghị định 126 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, quy định “tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm”. Điều này đồng nghĩa với việc không cho phép GDP năm 2020 tăng trưởng 3% như mong muốn của các nhà hoạch định chính sách.
Vì nếu GDP năm 2020 tăng trưởng 3%, tăng trưởng GDP quý IV phải 3,5%. Khi đó ước tính thuế TNDN của 3 quý đầu năm chỉ khoảng 65% cả năm, vậy tại sao bắt doanh nghiệp phải nộp 75%, tức nền kinh tế sẽ “bị phạt” do vi phạm Nghị định 126. Có nghĩa, để chấp hành nghị định này, GDP năm 2020 không được phép tăng trưởng ở mức 3%?
Hơn nữa theo Điều 30 Nghị định 126, các ngân hàng thương mại (NHTM) có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế mở tại NHTM, theo đề nghị của cơ quan thuế. Việc cung cấp thông tin về tài khoản được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành.
Điểm mới của quy định này là NHTM cập nhật các thông tin tài khoản hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định.
Một số chuyên gia về luật dẫn trường hợp của nước ngoài ra để cổ vũ nghị định này, nhưng dường như quên rằng thể chế ở nước ngoài khác với Việt Nam, trong bất cứ vấn đề gì mang nước ngoài ra để so sánh rất không phù hợp.
Quy định này có thể khiến người dân không muốn thanh toán, giao dịch qua hệ thống NH, mà quay lại sử dụng tiền mặt, đi ngược với chính sách khuyến khích người dân hạn chế không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Bởi trong tài khoản cá nhân có rất nhiều khoản giao dịch như bố mẹ cho con cái (hoặc ngược lại), bạn bè cho nhau, trả nợ, vay nợ… không thể phân biệt khoản nào là tiền nhận được do kinh doanh. Và khi người dân thấy tiền của mình trong tài khoản bị mất, việc giải trình và làm các thủ tục để nhận lại được số tiền bị NH khấu trừ sai là quá trình đầy gian nan, thách thức.
Nghị định 126 được thực hiện cũng có thể khiến kiều hối - lượng tiền rất quan trọng với nền kinh tế - giảm sút nghiêm trọng. Lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về cho thân nhân giúp khoản tiết kiệm (saving - chỉ số này về thực chất về trung và dài hạn quan trọng hơn GDP rất nhiều) được bù đắp phần chi trả sở hữu do đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển tiền về nước.
Sau dịch bệnh và thiên tai, các cơ quan công quyền nghĩ ra đủ mọi cách để tiếp tục bào mòn làm cạn kiệt sức dân, là cách làm mang tính ngắn hạn, đẩy mọi khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
TS. Bùi Trinh
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|