Myanmar sẽ nỗ lực thực hiện Hiệp định RCEP
Cố vấn Nhà nước Daw Aung San Suu Kyi cho biết Myanmar sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện các điều khoản của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), the Myanmar Times đưa tin.
Cộng đồng doanh nghiệp Myanmar cho rằng RCEP sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Myanmar và tạo thêm nhiều công ăn việc làm nhưng cũng được dự báo làm gia tăng cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ.
RCEP, Hiệp định Thương mại Tự do lớn nhất thế giới, đã được Myanmar cùng 14 nước thành châu Á - Thái Bình Dương ký kết ngày 15/11/2020. RCEP bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. 15 nước thành viên tham gia thỏa thuận chiếm gần 30% dân số thế giới và 30% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu.
U Than Aung Kyaw, Tổng Giám đốc Cục Quan hệ Kinh tế Đối ngoại, cho biết RCEP sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập các khu vực tự do và sẽ thúc đẩy cải cách thương mại điện tử, mua sắm Chính phủ và quyền sở hữu trí tuệ.
U Maung Maung Lay, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar (UMFCCI), cho rằng thỏa thuận này được kỳ vọng mang lại nhiều ưu đãi thuế suất cho doanh nghiệp, lợi ích cho người tiêu dùng và mở đường cho xu hướng toàn cầu hóa. Ông nói: “Tiêu chuẩn sống sẽ cải thiện và sẽ có nhiều giải pháp cạnh tranh hơn. Tình trạng tham nhũng sẽ giảm đi và nhiều công ăn việc làm được tạo thêm”.
Theo ông U Maung Maung Lay, thông qua việc thực thi thỏa thuận, chuỗi cung ứng sẽ tốt hơn và giá cả sẽ rẻ hơn cho khối lượng nhập khẩu lớn nhưng đồng thời sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ. Vì thế, Myanmar cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển và trở nên cạnh tranh hơn, nếu không các công ty nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Ông U Maung Maung Lay nói: “Năng lực sản xuất của Myanmar và kỹ năng lao động cần cải thiện và cần có một môi trường làm việc tốt; cần loại bỏ những rào cản và hoan nghênh chào đón doanh nghiêp đến Myanmar làm ăn”.
Chương trình RCEP cũng có thể được xem là giải pháp kịp thời hỗ trợ Myanmar khôi phục vào năm tới sau khi bị tác động do đại dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư.
Cú sốc kinh tế do dịch đã gián đòn mạnh vào ngành du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh thức uống và bán lẻ vốn dĩ đã gặp khó khăn của Myanmar. Riêng ngành du lịch phải đối mặt khó khăn kép do khủng hoảng tại vùng Rakhine khiến lượng du khách giảm nhiều. Tuy nhiên, dòng vốn FDI rót vào Myanmar trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào ngày 30/09/2020) lại tăng đáng kể, ghi nhận mức cao nhất trong 5 năm qua.
Các nhà sản xuất trong nước cũng sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn hơn theo RCEP. Thế nhưng, môi trường kinh doanh và dịch vụ điện cử cần nhanh chóng bắt kịp.
Theo Hiệp định RCEP, Campuchia, Lào và Myanmar sẽ được hưởng các thỏa thuận đặc biệt liên quan đến cắt giảm thuế quan. Các quốc gia thành viên RCEP sẽ phải cắt giảm thuế quan đối với 65% số dòng thuế, nhưng ba nền kinh tế này sẽ chỉ cần cắt giảm thuế quan đối với 30% số dòng thuế. Sau 10 năm, các quốc gia khác sẽ phải cắt giảm đến 80% số dòng thuế quan nhưng lộ trình áp dụng cho Myanmar sẽ là 15 năm.
Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)
FILI
|