Kinh tế Ấn Độ bước vào suy thoái
Ấn Độ bước vào cuộc suy thoái chưa từng có tiền lệ, trong đó nền kinh tế giảm quý thứ 2 liên tiếp vì những tác động kéo dài của các biện pháp kìm hãm sự lây lan của dịch Covid-19.
Quý 3/2020, GDP Ấn Độ giảm 7.5% so với cùng kỳ năm trước, Bộ Thống kê Ấn Độ cho biết trong ngày 27/11. Đà giảm này nhẹ hơn so với dự báo giảm 8.2% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg, nhưng lại đánh dấu bước cải thiện từ mức giảm kỷ lục 24% của quý trước đó.
Thủ tướng Narendra Modi đã áp đặt một trong những đợt phong thỏa nghiêm ngặt nhất trên thế giới trong tháng 3/2020, qua đó kéo giảm nhu cầu của hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu. Bất chấp các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, Ấn Độ hiện đang là nơi có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Quý giảm thứ hai liên tiếp về GDP đã đẩy nền kinh tế lớn thứ ba tại châu Á vào cuộc suy thoái đầu tiên kể từ năm 1996.
Dịch vụ tài chính và bất động sản – là những thành phần lớn nhất của lĩnh vực dịch vụ Ấn Độ - giảm 8.1% so với cùng kỳ, trong khi giao dịch, khách sạn, vận tải và truyền thông lao dốc 15.6%. Sản xuất tăng 0.6%, điện và khí gas tăng 4.4% và nông nghiệp tăng 3.4%.
“GDP Ấn Độ ít nhiều vẫn đi theo hướng dự kiến trước đó”, Madan Sabnavis, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Care Ratings, cho hay. “Sự thật là chúng ta đang trong phạm vi giảm và sẽ tiếp tục như vậy trong quý tới và điều này báo hiệu về khoảng thời gian khó khăn ở phía trước”.
Krishnamurthy Subramanian, Cố vấn kinh tế trưởng của Chính phủ Ấn Độ, nói với các phóng viên rằng các con số “khá đáng khích lệ” trong bối cảnh đại dịch và tốt hơn so với thành tích quý trước đó.
Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đều đã nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, với tổng quy mô kích thích đạt gần 30 ngàn tỷ Rupee (405 tỷ USD), tương đương 15% GDP. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã giảm lãi suất bớt 115 điểm cơ bản trong năm nay và sắp xem xét lại chính sách tiền tệ trong tuần tới, trong đó lập trường nhiều khả năng nghiêng về hướng nới lỏng trong tương lai gần.
Tại thời điểm này, gói kích thích cùng với nhu cầu mùa lễ hội đã góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế, đồng thời dần dần thay thế lo ngại về suy thoái bằng niềm lạc quan về đà phục hồi.
Một vài chỉ báo từ doanh số bán xe hơi cho tới hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đã cao hơn trong tháng 10/2020, trong khi dữ liệu khác báo hiệu nhu cầu mạnh trong nền kinh tế - chủ yếu đến từ lượng tiêu thụ nội địa.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|