Thứ Sáu, 27/11/2020 15:09

Các quốc gia ASEAN áp thuế lên các doanh nghiệp kỹ thuật số

Các Chính phủ ở khu vực ASEAN đang ra động thái để áp thuế lên các công ty kỹ thuật số, làm dấy lên nỗi lo lắng trong số các doanh nghiệp Internet đa quốc gia – vốn đã bùng nổ giữa đại dịch Covid-19.

Từ Thái Lan cho tới Indonesia, các loại thuế mới đã có hiệu lực hoặc đang được đưa ra và sẽ "bào mòn" lợi nhuận của những công ty kỹ thuật số. Đây là nhóm công ty đã hưởng lợi từ sự trỗi dậy của làn sóng kỹ thuật số tại khu vực 650 triệu người này.

Biện pháp áp thuế là một phần trong các động thái để cố gắng mang nền kinh tế kỹ thuật số vào mạng lưới thuế.

Thật vậy, các công ty công nghệ hiện đang là mục tiêu của mạng lưới thuế dịch vụ kỹ thuật số - vốn đang dần dần bị thắt chặt ở một vài nước châu Âu. Tuần này, các cơ quan chức trách tại Pháp bắt đầu gửi yêu cầu thanh toán thuế dịch vụ kỹ thuật số cho các công ty công nghệ, tờ Financial Times đưa tin.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OPEC) đang cố gắng giải quyết vấn đề ở cấp độ đa phương với nỗ lực cải cách quy định thuế quốc tế, đồng thời kiểm soát cách các doanh nghiệp đa quốc gia đóng thuế ở những quốc gia mà họ hoạt động.

Các chuyên gia thuế cho biết nghĩa vụ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp thường được xác định tại nơi công ty có sự hiện diện thực tế chứ không phải thị trường nước ngoài. Điều này dẫn tới một sân chơi không công bằng, trong đó những nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số nội địa phải đóng thuế cho Chính phủ nước họ, trong khi những đối thủ cạnh tranh nước ngoài lại thoát khỏi lưới thuế.

“Ở hầu hế quốc gia mà họ cung cấp dịch vụ, họ thường không có một thực thể thực tế và do đó không phải đóng thuế doanh nghiệp. Ở những thị trường khác mà họ có công ty con, họ có thể chuyển lợi nhuận sang một thiên đường thuế”, Abhineet Kaul, Trưởng bộ phận lĩnh vực công và tư vấn Chính phủ tại công ty Frost and Sullivan, nói với Nikkei Asia.

Giữa lúc OECD cố gắng đưa ra một khuôn khổ thuế kỹ thuật số quốc tế thông qua việc đàm phán với hơn 130 quốc gia, một số quốc gia châu Á đã đưa ra quy định của riêng họ.

Thái Lan yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số nước ngoài không có công ty con tại Thái Lan và kiếm hơn 57,000 USD/năm phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với doanh số. Điều này có thể tạo ra 96 triệu USD nguồn thu hàng năm cho Chính phủ, theo nghiên cứu của Maybank Kim Eng, một cánh tay môi giới của ngân hàng Malayan Banking.

Tại Indonesia, Chính phủ áp thuế 10% đối với doanh số của các công ty cung cấp dịch vụ và sản phẩm kỹ thuật số trong tháng 8/2020. Phạm vi áp thuế này bao gồm dịch vụ streaming, ứng dụng di động và game kỹ thuật số.

Singapore và Malaysia cũng đưa ra cơ chế thuế kỹ thuật số cho những nền tảng nước ngoài và cơ chế này đã có hiệu lực trong năm 2020. Cụ thể, Singapore nhắm tới các nền tảng dịch vụ nước ngoài mà người dân có sử dụng, trong khi Maláyia áp thuế dịch vụ 6% đối với các công ty nước ngoài có doanh thu hàng năm trên 120,000 USD.

Tại Philippines, cơ quan chức trách đưa ra một đạo luật để đáp thuế những công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số như Facebook, Google, YouTube, Netflix và Spotify trong tháng 5/2020 với mục tiêu gây quỹ hỗ trợ trong đại dịch Covid-19.

“Các quy định xoay quanh nền kinh tế kỹ thuật số đang được thắt chặt khi đại dịch Covid-19 tạo ra cú bùng nổ dịch vụ trực tuyến tại ASEAN. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh ở tất cả quốc gia ASEAN, trong khi doanh số tại cửa hàng vật chất sụt mạnh xuống mức thấp lịch sử vì các lệnh phong tỏa”, các chuyên viên phân tích Maybank Lee Ju Ye và Chua Hak Bin lưu ý trong một báo cáo.

“Vì các gói cứu trợ Covid-19 khổng lồ, các Chính phủ bị thiếu hụt nguồn thu đang tìm tới ngành kinh doanh trực tuyến đang bùng nổ để tăng nguồn thu”, các chuyên viên phân tích nói thêm.

Lazada, một nền tảng thương mại điện tử dưới sự kiểm soát của gã khổng lồ công nghệ Alibaba, cho biết họ sẽ tuân thủ theo quy định thuế của thị trường nội địa. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà làm luật và cơ quan chính phủ khác về sáng kiến thuế kỹ thuật số để mang lại lợi ích công bằng cho tất cả các bên có liên quan”, một phát ngôn viên của Lazada nói với Nikkei. Nền tảng này hiện đang hoạt động tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Kỳ lân công nghệ Sea Group – vốn có sự hậu thuẫn của Tencent và là công ty mẹ của Shopee – không nhận định về thuế kỹ thuật số.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)

FILI

Các tin tức khác

>   Ông Trump khẳng định sẽ rời Nhà Trắng nếu Cử tri đoàn bầu ông Biden (27/11/2020)

>   Suy thoái kinh tế tồi tệ nhất 300 năm của Anh có thể kéo dài vì Brexit (26/11/2020)

>   Sau Jack Ma, đến lượt đại gia xe điện rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh (26/11/2020)

>   Fed sẽ sớm cân nhắc điều chỉnh quy mô của chương trình mua tài sản? (26/11/2020)

>   Covid-19 tấn công 'thành trì mệt mỏi' châu Á (26/11/2020)

>   Nước Mỹ sẽ ra sao sau khi “van bơm tiền” buộc phải đóng lại? (26/11/2020)

>   Chủ tịch Trung Quốc chúc mừng ông Biden đắc cử, kỳ vọng hợp tác "đôi bên cùng có lợi" (26/11/2020)

>   Thương mại toàn cầu phục hồi nhanh (26/11/2020)

>   Nước Anh dự kiến ghi nhận mức vay nợ cao nhất trong thời bình (26/11/2020)

>   Tổng khoản vỡ nợ tại Trung Quốc có thể vượt 15 tỷ USD trong 3 năm liên tiếp (25/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật