Khi nào có đường sắt về Đồng bằng sông Cửu Long?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trong giai đoạn 2021-2030 sẽ ưu tiên làm cao tốc về miền Tây, nhưng tầm nhìn 2050 có thể tính đến làm thêm đường sắt.
Chiều 23/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức họp báo thông tin về hội nghị báo cáo và tham vấn quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Hội nghị dự kiến tổ chức vào sáng 26/11 tại Cần Thơ để tham vấn xây dựng quy hoạch vùng đồng bằng trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho đất nước.
Ưu tiên làm đường cao tốc trong 10 năm tới
Nói về hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ trì họp báo, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết giai đoạn 2021-2030, vùng này sẽ được đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ. Trong đó sẽ hoàn thiện đường cao tốc từ TP.HCM đi Cà Mau. Ngoài ra, còn có các trục Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Rạch Giá - Mỹ An sẽ giúp cải thiện nhanh giao thông khu vực này.
"Khi có đường sẽ phát triển được các đô thị lớn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, sẽ giữ chân được lao động không di cư đi vùng khác", ông Phương nói.
Một dự án giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Quân.
|
Còn về đường sắt, ông Phương cho biết trong quy hoạch sắp tới cũng đang cân nhắc việc xây dựng đường sắt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu xây dựng được đường sắt sẽ mang lại ý nghĩa rất lớn, giúp thuận tiện lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách với số lượng lớn, rút ngắn thời gian đi lại...
Tuy nhiên, xây dựng đường sắt gặp thách thức về chi phí xây dựng do nền đất yếu, dễ sụt lún, phải xây nhiều cầu... Do đó, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho biết trong việc xây dựng quy hoạch đang cân nhắc chi phí xây dựng so với hiệu quả và lợi ích mà đường sắt mang lại. Ông nhấn mạnh giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung làm đường cao tốc trước.
"Đường sắt từ TP.HCM đi Cần Thơ có thể đưa vào quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050. Nếu làm được tuyến này thì ý nghĩa rất lớn, tạo ra cực tăng trưởng mới, giảm sức ép cho TP.HCM", ông chia sẻ.
Nói về quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết quy hoạch lần này mong muốn chính là giữ chân được người lao động, không di cư đến các vùng khác. Muốn vậy thì phải tạo sinh kế cho người dân. Việc tạo sinh kế cho người dân cũng chính là việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, biến nơi đây thành một cực tăng trưởng quan trọng của đất nước.
Bài toán giữ chân được lực lượng lao động
Thứ trưởng Phương đánh giá Đồng bằng sông Cửu Long có điểm đặc biệt với vai trò rất quan trọng, nhất là trong ngành nông nghiệp. Vùng này là nơi sản xuất lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản lớn nhất cả nước, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Khu vực này gồm 13 tỉnh, với dân số khoảng 17,3 triệu người (chiếm khoảng 20% dân số cả nước), diện tích là 40.500 km2 (chiếm 12% diện tích cả nước).
Tuy nhiên thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng chậm lại, nguyên nhân do cơ cấu kinh tế dựa vào nông nghiệp là chủ yếu. Trong khi đó dịch vụ và công nghiệp lại chưa thực sự phát triển.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết quy hoạch lần này mong muốn chính là giữ chân được người lao động, không di cư đến các vùng khác. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang hứng chịu nhiều thách thức bởi biến đổi khí hậu. Nơi đây được đánh giá là vùng dễ bị tổn thưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong khi đó, vùng cũng gặp thách về dân số, khi thực trạng di cư từ khu vực này sang các khu vực khác, đặc biệt là sang vùng Đông Nam Bộ ngày càng tăng.
"Chủ yếu lao động di cư lại là lao động có chất lượng. Muốn giữ được lực lượng này thì giải pháp sinh kế là rất quan trọng", ông Phương nói.
Một khó khăn nữa là về hạ tầng. Hạ tầng chưa thực sự phát triển so với kỳ vọng do nguồn lực phân tán, chi phí xây dựng cao hơn các vùng khác. Tuy nhiên, để phát triển vùng thì điểm cốt lõi phải có hạ tầng.
Thứ trưởng Phương cho biết trong quy hoạch đang được xây dựng tầm nhìn đến năm 2020, Bộ KHĐT nhìn nhận vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế, tiềm năng. Quy hoạch sẽ giúp biến những thách thức thành cơ hội. Đồng thời, quan điểm quy hoạch định hướng phát triển bền vững là xuyên suốt, kết hợp phát triển tập trung, đầu tư cho hạ tầng đồng bộ, làm sao có bản quy hoạch có chất lượng, phục vụ sự phát triển của vùng.
Hội nghị quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long sắp tới sẽ thảo luận về các vấn đề lớn, có tính chiến lược định hình sự phát triển của vùng cho giai đoạn phát triển dài hạn với tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ KHĐT cho biết sẽ cố gắng hoàn thiện dự thảo quy hoạch trước khi trình Thủ tướng xem xét, tổ chức thẩm định và phê duyệt trong tháng 12.
Hiếu Công
Zing.vn
|