Thứ Tư, 18/11/2020 13:32

Doanh nghiệp da giày thấp thỏm sau lệnh tái phong tỏa của châu Âu

Chưa kịp mừng khi thị trường bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi về đơn hàng thì nhiều quốc gia ở châu Âu ban hành lệnh phong tỏa trở lại khiến nhiều doanh nghiệp lo “bước hụt” đà phục hồi.

Dây chuyền sản xuất da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)

Da giày là một trong những ngành sản xuất bị thiệt hại nặng nề khi dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Sau nhiều tháng đối mặt với đà sụt giảm sâu, từ đầu tháng 10, thị trường bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi về đơn hàng.

Tuy nhiên, chưa kịp mừng thì nhiều quốc gia ở châu Âu ban hành lệnh phong tỏa trở lại khiến nhiều doanh nghiệp lo “bước hụt” đà phục hồi.

Thị trường vừa "ấm" lại

Từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và dần lan rộng trên toàn cầu đã gây tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất xuất khẩu của Việt Nam; trong đó có da giày.

Nhiều doanh nghiệp đứng trước tình thế khó khăn nhất trong nhiều năm khi hầu hết đơn hàng xuất khẩu bị đối tác hủy hoặc hoãn giao hàng.

Một số doanh nghiệp nhỏ chuyên gia công đã buộc phải tạm ngừng sản xuất và cắt giảm lao động, trong khi đó số khác phải giảm công suất hoặc cắt giảm giờ làm.

Đại diện Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) thông tin nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và được nhiều đối tác chọn là nhà cung ứng.

Thêm vào đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực giúp thuế nhập khẩu một số sản phẩm da giày Việt Nam vào EU được cắt giảm đã tạo nên lợi thế nhất định.

Từ đầu tháng 10/2020, các doanh nghiệp giày da đã bắt đầu nhận được một số đơn hàng từ các đối tác tại châu Âu và Mỹ. Dù giá trị đơn hàng chưa cao, số lượng không lớn nhưng đó là một tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định cho biết, từ quý 4, tình hình đơn hàng của công ty đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực.

Đến thời điểm hiện tại, số lượng đơn hàng đã đạt được khoảng 50-60% so với năm 2019.

Các đơn hàng vừa ký dù không nhiều nhưng đủ để doanh nghiệp duy trì sản xuất và đảm bảo viêc làm cho người lao động từ nay đến cuối năm nay.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty giày Nguyên Nguyên Phước thông tin, sau nhiều tháng gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ giữa tháng 9/2020, các đối tác từ châu Âu bắt đầu nối lại việc đặt hàng.

Mặc dù tốc độ phục hồi vẫn còn chậm nhưng đó là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiêp trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các khu vực thị trường xuất khẩu lớn.

“Trong bối cảnh khó khăn, thị trường tiêu thụ nội địa vẫn chưa được cải thiện nhiều do người dân có tâm lý cắt giảm chi tiêu cho sản phẩm thời trang thì thị trường xuất khẩu phục hồi là động lực để các doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Hiện nay mới chỉ là giai đoạn đầu của tiến trình phục hồi, số lượng đơn hàng chỉ mới đạt hoảng 60-70% so với cùng kỳ năm trước do các nhà nhập khẩu vẫn đang ở giai đoạn dự báo nhu cầu thị trường sau dịch. Chỉ khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn thì khả năng phục hồi mới được đẩy nhanh hơn,” ông Nguyễn Hữu Phước chia sẻ.

Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)

Theo số liệu của Bộ Công Thương, sau hơn 3 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu.

Nhờ đó, một số doanh nghiệp đã tạm dừng sản xuất trước đó bắt đầu hoạt động trở lại và tuyển lao động. Sản lượng giày dép da tháng 10 ước đạt 31 triệu đôi, tăng 5,3% so với tháng 9.

Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng giày dép da ước đạt 249,1 triệu đôi, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại 10 tháng, vẫn giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 13,38 tỷ USD.

Vào cuối tháng 10/2020, nhiều doanh nghiệp đã kỳ vọng, mặc dù chưa thể phục hồi hoàn toàn, song kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách trong những tháng cuối năm có thể sẽ đạt mức tăng trưởng khá trở lại vì đây là thời điểm lễ hội gắn với mua sắm tại các nước châu Âu và châu Mỹ.

Thấp thỏm lo lắng bị "hụt chân"

Chưa kịp mừng vì thị trường xuất khẩu có tín hiệu phục hồi thì từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều nước EU một lần nữa ban hành lệnh phong tỏa đã tạo ra tâm lý lo lắng cho nhiều doanh nghiệp da giày Việt Nam.

Ông Châu Minh Thi, Giám đốc Công ty giày Triệu Phong, cho biết lệnh tái phong tỏa từ châu Âu đã khiến cho hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu của công ty bị đảo lộn.

Trước đó, ngay khi châu Âu nới lỏng phong tỏa đợt một, công ty đã cố gắng tìm kiếm khách hàng và may mắn nhận được một số đơn hàng mới để duy trì sản xuất.

Đến nay, các mẫu thiết kế mới đã được hoàn thành chỉ còn chờ đưa vào sản xuất và giao hàng. Tuy nhiên, nếu diễn biến dịch phức tạp và lệnh tái phong tỏa ở nhiều quốc gia châu Âu không được gỡ bỏ sớm có thể khiến khách hàng hủy, hoặc hoãn đơn hàng.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da Giày Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nếu lệnh tái phong tỏa ở các nước châu Âu tiếp tục kéo dài thì mức độ rủi ro của các đơn hàng mới được đặt trong thời gian gần đây sẽ gia tăng.

Nếu biên giới bị đóng cửa thì tình trạng bị hủy hoặc hoãn giao hàng có thể bị lặp lại. Khi đó, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn vì đã dốc toàn bộ nguồn lực để sản xuất các đơn hàng mới và bị “chôn vốn” một lần nữa.

“EU là thị trường xuất khẩu truyền thống và quan trọng đối với da giày Việt Nam. Thêm vào đó, với kỳ vọng vào hiệu ứng mà EVFTA mang lại, nhiều doanh nghiệp đã dồn lực để đầu tư máy móc, công nghệ, thiết kế nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, gia tăng thị phần. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động giao thương bị hạn chế, nhu cầu thị trường cũng sụt giảm nghiêm trọng. Việc phong tỏa châu Âu lần hai có thể khiến nỗ lực tận dụng mùa lễ hội cuối năm để phục hồi hoạt động sản xuất, xuất khẩu bị “hụt chân” vì sau đó nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm sẽ có xu hướng giảm, doanh nghiệp khó tìm được đơn hàng mới,” ông Nguyễn Văn Khánh nhận định.

Mục tiêu xuất khẩu của ngành da giày trong năm 2020 là đạt 24 tỷ USD, giữ mức độ tăng trưởng 10% so với năm 2019.

Song theo Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng này khiến đơn hàng sụt giảm đến gần 60% tính đến thời điểm hiện tại.

Thêm vào đó, với lệnh tái phong tỏa của thị trường châu Âu, quá trình phục hồi của thị trường xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn chính vì thế ngành da giày sẽ không thể đạt được mục tiêu như đã đề ra./.

Xuân Anh

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp phải thay đổi cách thức làm việc dù dịch bệnh qua đi (18/11/2020)

>   Chuyển đổi số quốc gia: Chờ cú bứt tốc sau Covid-19 (18/11/2020)

>   Quốc hội thông qua 7 luật và 13 nghị quyết tại kỳ họp thứ 10 (17/11/2020)

>   Quốc hội bác việc lập lực lượng an ninh trật tự cơ sở (17/11/2020)

>   Quốc hội bác đề xuất chuyển quản lý sát hạch lái xe sang Bộ Công an (17/11/2020)

>   Có gói "giải cứu", Vietnam Airlines sẽ thoát hiểm? (17/11/2020)

>   Kiều hối đang bù đắp thất thoát nguồn lực FDI! (17/11/2020)

>   Doanh nghiệp hồ hởi với RCEP (17/11/2020)

>   Doanh nghiệp gỗ lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm (17/11/2020)

>   Xuất siêu của Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI (17/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật