Thứ Ba, 10/11/2020 16:28

Đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng ngành ngân hàng cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận vốn nhằm hạn chế tín dụng đen.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” dù đã được đẩy mạnh nhưng chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao.

Thời gian qua, toàn ngành ngân hàng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân phục vụ sản xuất-kinh doanh. Bên cạnh chính sách tín dụng chung đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời tăng cường công tác truyền thông và thông tin để người dân dễ dàng nắm bắt và tiếp cận với các chương trình.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng tích cực phối hợp Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tín dụng đen.

Thực tế cho thấy, việc giải quyết nạn tín dụng đen luôn là một bài toán khó không chỉ của riêng Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, bởi nó đòi hỏi cần phải có các giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, cho vay tiêu dùng được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, để giải quyết tín dụng đen thì giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và doanh nghiệp.

“Thực tế, lãi suất của các hình thức cho vay tiêu dùng từ ngân hàng hay các tổ chứ tài chính hiện nay dù được cho là cao nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với tín dụng đen và được đưa ra trên nguyên tắc đồng thuận giữa người cho vay và đi vay. Hơn nữa, cho vay tiêu dùng cũng không đi kèm các hệ luỵ như tín dụng đen,” ông Lực nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững thị trường tài chính tiêu dùng, vị chuyên gia này cũng cho rằng cần phải có rất nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Theo đó, cần thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp và xã hội đối với cho vay tiêu dùng; tăng cường mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức cũng như vai trò của cho vay tiêu dùng. Đặc biệt, cần phải có một chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện cũng như giáo dục tài chính; đồng thời hoàn thiện khung pháp lý về cho vay tiêu dùng.

Ngày 9/10, báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong những năm 2018-2019, nước ta đã trấn áp rất mạnh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cho đến hiện nay, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế và nhiều chỗ đối tượng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình hình tiềm ẩn, nhất là cho vay qua mạng Internet và những nhu cầu tín dụng đen vẫn còn nhiều, do đó bọn tội phạm vẫn còn đất để hoạt động mạnh.

Về giải pháp đẩy lùi tín dụng đen, theo Bộ trưởng có một số giải pháp thời gian tới cần tập trung. Một là tiếp tục duy trì khí thế tấn công trấn áp mạnh tội phạm tín dụng đen như vừa qua đã làm, thực hiện đúng Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, đã phân công rõ trách nhiệm cụ thể trong từng ngành để giải quyết tín dụng đen.

Về mặt pháp luật, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị cần khẩn trương có những hướng dẫn để giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.

"Vì phạm vi giữa dân sự và hình sự ở đây khoảng cách rất mong manh, quan hệ vay tín dụng và thỏa thuận mức lãi thông thường là quan hệ dân sự, có sự đồng ý của cả bên vay và bên cho vay, nhưng đi quá phạm vi của việc đó hoặc có dấu hiệu lừa đảo, dấu hiệu phạm tội hình sự thì mới là phạm vi xử lý hình sự. Hoặc gọi là mức lãi suất cao chưa chắc đã là vi phạm về hình sự vì do 2 bên thỏa thuận với nhau, vì vậy, trong xử lý về tín dụng đen cũng có những khó khăn, vướng mắc về hình sự," Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành ngân hàng cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận vốn, đồng thời siết chặt quản lý tín dụng, không để các đối tượng lợi dụng nguồn tiền từ ngân hàng đưa ra hoạt động tín dụng đen. Bên cạnh đó là xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động tín dụng cho vay qua mạng internet./.

Hồng Hạnh

Vietnam+

Các tin tức khác

>   32,800 đồng/cp có phải điểm khởi đầu cho cổ phiếu VIB? (10/11/2020)

>   PG Bank chuẩn bị lên UPCoM trong khi mòn mỏi đợi sáp nhập (10/11/2020)

>   VIB chính thức lên HOSE với vốn hóa tỷ USD (10/11/2020)

>   Gần 1 tỷ cổ phiếu VIB chính thức niêm yết trên sàn HOSE (10/11/2020)

>   Bà Nguyễn Thị Hồng được giới thiệu làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (09/11/2020)

>   VIB chốt ngày trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% (09/11/2020)

>   Tiềm năng nào cho cổ phiếu LPB? (09/11/2020)

>   Cơ hội nhận quà thưởng lên đến 7.5 tỷ khi đồng hành cùng HDBank (09/11/2020)

>   NHNN chấp thuận cho TPBank tăng vốn điều lệ lên 10,716 tỷ đồng (09/11/2020)

>   Cổ phiếu LPB của LienVietPostBank chính thức chào sàn HOSE (09/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật