PG Bank chuẩn bị lên UPCoM trong khi mòn mỏi đợi sáp nhập
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, OTC: PGBank) công bố ngày 26/10/2020 là ngày chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị cho việc đăng ký giao dịch cổ phiếu của Ngân hàng trên hệ thống UPCoM.
Thỏa thuận giữa PG Bank và HDBank có thể khó xảy ra?
PG Bank là Ngân hàng gắn liền với câu chuyện sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HOSE: HDB) kéo dài hơn 2 năm qua.
Theo kế hoạch ban đầu, việc sáp nhập sẽ hoàn tất vào tháng 8/2018 và thực hiện niêm yết cổ phiếu sau hoán đổi vào tháng 9/2018. Tỷ lệ hoán đổi được thống nhất là 1: 0.621 tức 1 cổ phiếu PGBank đổi 0.621 cổ phiếu của HDBank mới.
Dù vậy, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của PG Bank hồi tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng Giám đốc PG Bank cho biết, Ngân hàng vẫn đang thực hiện hợp đồng sáp nhập với HDBank, đã có hợp đồng nguyên tắc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào tháng 09/2018. PG Bank đã trình toàn bộ hồ sơ lên NHNN chấp thuận chính thức nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Ngân hàng vẫn đang tiếp tục làm việc để đề nghị NHNN chấp thuận phương án sáp nhập này nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính thức.
Cũng tại Đại hội, Ông Trần Ngọc Năm - Thành viên HĐQT PG Bank, đại diện sở hữu vốn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) chia sẻ "Tôi đã thay mặt ban lãnh đạo Petrolimex ký văn bản sang HDBank với tư cách một cổ đông thông báo với HDBank, đến ngày 31/08/2020, không thực hiện được vấn đề sáp nhập, Petrolimex sẽ thoái vốn. Điều này có nghĩa sẽ không thực hiện sáp nhập nữa. Nếu 60% cổ đông khác vẫn quyết định sáp nhập thì đó là quyền của các cổ đông khác. Còn chúng tôi sở hữu 40% sẽ thoái vốn".
Ngày 02/11/2020, ông Nguyễn Tiến Dũng thôi làm Tổng Giám đốc để giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT PG Bank. Song song đó, ông Nguyễn Phi Hùng làm Tổng Giám đốc Ngân hàng thay cho ông Nguyễn Tiến Dũng.
Có thể thấy, câu chuyện sáp nhập giữa 2 nhà băng này vẫn chưa có hồi kết trong khi PG Bank lại thay đổi nhân sự và có kế hoạch nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM phần nào chỉ ra rằng Ngân hàng này đang có lối đi riêng cho mình khi mà thương vụ sáp nhập vào HDBank khả năng khó thành.
Cũng theo báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, “Ban lãnh đạo HDBank bày tỏ lo ngại rằng thương vụ này khó có thể xảy ra trong tương lai”.
PG Bank làm ăn ra sao khi chờ đợi sáp nhập và chuẩn bị lên UPCoM?
Trong quý 3/2020, thu nhập lãi thuần của PG Bank tăng 23% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 248 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác gấp 2.9 lần cùng kỳ, đạt gần 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 3.3 lần cùng kỳ lên mức gần 140 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước và sau thuế quý 3 của PG Bank giảm mạnh 70%, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng và gần 17 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PG Bank báo lãi trước và sau thuế gần 132 tỷ đồng và hơn 105 tỷ đồng.
Như vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế 190 tỷ đồng cả năm 2020 (gấp 2.1 lần thực hiện năm 2019), PG Bank đã thực hiện được 69% chỉ tiêu.
Tại ngày 30/09/2020, tổng tài sản của PG Bank tăng 9% so với đầu năm, lên mức hơn 34,396 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 54% (540 tỷ đồng), tiền vàng gửi tại các TCTD và cho vay TCTD khác gấp 2.6 lần (4,866 tỷ đồng). Cho vay khách hàng tăng nhẹ 5% so với đầu năm, ghi nhận gần 24,886 tỷ đồng.
Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của khách hàng tăng 10% so với đầu năm, đạt hơn 27,913 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi của cá nhân (chiếm 67%), còn lại là tiền gửi của tổ chức kinh tế.
Về chất lượng nợ vay, tại ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của Ngân hàng giảm nhẹ 5% so với đầu năm, chủ yếu nhờ giảm 33% nợ nghi ngờ, tuy nhiên nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng 81%. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của PG Bank chỉ giảm nhẹ từ mức 3.16% đầu năm xuống còn 2.87%.
Ái Minh
FILI
|