Cơ hội cho hàng dệt may, nông sản... từ RCEP
Theo Bộ Công thương, các ngành viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp là những lĩnh vực Việt Nam hưởng lợi khi tham gia RCEP.
Cơ hội cho nông sản Việt tại thị trường các nước tham gia RCEP rất lớn. Ảnh: Ng.Nga
|
Cơ hội mở rộng đến 14 thị trường
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC - phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, dẫn lại lời Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) không phải là một hiệp định thương mại tự do (FTA) mới mà quan trọng là vị trí trung tâm của ASEAN, trong đó có Việt Nam. Khi chưa có RCEP, Việt Nam cũng đã có 5 FTA liên quan các thị trường 14 nước này, nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhờ RCEP có thể đáp ứng các điều kiện về xuất xứ một cách dễ dàng để hưởng thuế suất ưu đãi, đặc biệt với các FTA song phương, đa phương lớn mà Trung Quốc chưa tham gia.
RCEP là một trong những ưu tiên hàng đầu của VN trong chiến lược hội nhập - quốc gia đã và đang rất trung thành với nguyên tắc mở cửa và đã có trong tay 12 hiệp định tự do thương mại, cả song phương và đa phương. Thế nên, Hiệp định RCEP có thể giúp các công ty VN mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng vùng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
|
Chẳng hạn, với Hiệp định AJCEP ký giữa ASEAN và Nhật Bản, hay VJFPA ký giữa Việt Nam và Nhật, hoặc CPTPP giữa 11 nước trong đó có Việt Nam, cả 3 FTA này đều không có sự tham gia của Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong khi đây là 2 thị trường cung cấp nguồn nguyên phụ liệu lớn cho ngành dệt may. Thế nên, với 3 FTA kia, hàng dệt may xuất sang Nhật sẽ không được hưởng ưu đãi. RCEP sẽ “giải mã” được nguồn nguyên liệu để xuất hàng dệt may sang Nhật, Úc…
Tuy nhiên, ông Robert Trần lưu ý: “Tham gia các FTA, Việt Nam đôi khi chú trọng xuất khẩu ra nước ngoài mà quên mất xuất khẩu ngay trong nước rất quan trọng, là thị trường lớn. Chẳng hạn, các chuỗi thức ăn nhanh ngoại vào Việt Nam, trong quá khứ từng rộ lên thông tin trứng gà Việt Nam không đạt chuẩn, nên các chủ chuỗi thức ăn nhanh này không sử dụng để đưa vào hamburger của họ. Trong khi trứng gà Việt Nam xuất khẩu sang Nhật “ầm ầm” và đạt các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật từ rất lâu”.
Riêng nhóm hàng công nghệ thông tin (CNTT), ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cho rằng hiện thuế nhập khẩu linh phụ kiện máy tính, vi mạch... từ nhiều nước về Việt Nam hay giữa các nước khác nhau đều rất thấp, gần như bằng 0%. Thế nên, nhóm hàng CNTT nói chung của Việt Nam xuất hay nhập khẩu không bị vướng mắc về thuế quan. Hơn nữa, Việt Nam đã có các hiệp định song phương với Nhật, Hàn với đầy đủ ưu đãi mà RCEP cũng không qua mặt hơn. Do đó nếu theo quy tắc tính gộp xuất xứ, doanh nghiệp tại Việt Nam mua linh kiện từ các nước thành viên tham gia RCEP về lắp ráp, sản xuất rồi xuất khẩu sang các nước này thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan sẽ có lợi cho nhiều ngành khác như dệt may, da giày… chứ không phải là ngành CNTT nói chung.
Xuất khẩu tại chỗ cần được coi trọng
Ở chiều ngược lại, theo ông Đỗ Khoa Tân, với RCEP, người tiêu dùng trong nước sẽ có cơ hội mua các sản phẩm CNTT nói chung với giá giảm hơn bởi theo lộ trình hầu hết các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc như máy tính, ti vi... thuế cũng đều sẽ giảm mạnh về còn 0%. Nhưng các hàng hóa này từ Trung Quốc có thể được nhập về Việt Nam nhiều hơn khiến cho các công ty sản xuất sản phẩm máy tính, ti vi tại Việt Nam sẽ gặp áp lực cạnh tranh nhiều hơn.
Mặc dù các thông tin chi tiết về Hiệp định RCEP vẫn chưa được công bố, tuy nhiên, theo tuyên bố chung của ASEAN, RCEP đưa đến thỏa thuận sẽ loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với 65% hàng hóa giao dịch trong khu vực. Trong khi đó, các thuế quan và hạn chế khác sẽ được tự do hóa trong vòng 20 năm tới, bao gồm trên 90% thương mại trong khối (mặc dù vẫn duy trì một số loại thuế đối với các sản phẩm nhạy cảm, ví dụ như thịt bò và gạo nhập khẩu vào Nhật Bản).
Đặc biệt, RCEP thiết lập một khuôn khổ quy tắc xuất xứ chung, cho phép những nhà xuất khẩu trong các nền kinh tế RCEP sử dụng đầu vào có nguồn gốc từ các thành viên khác để đủ điều kiện tiếp cận ưu đãi khi giao dịch trong khối. Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định việc ký kết hiệp định trực tuyến bất kể đại dịch Covid-19 kéo dài đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ 15 nước thành viên đối với hợp tác, kết nối và trong việc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng chung.
Ông Tim Evans nói: “Mặc dù thương mại quốc tế còn nhiều bất ổn song với RCEP đã thể hiện niềm tin vào mở cửa thị trường và hướng đến sự tăng trưởng kinh tế cao hơn, xa hơn. Tầm quan trọng của Hiệp định RCEP còn liên quan trong việc hồi phục kinh tế hậu Covid-19, thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của vùng và giúp kinh tế Việt Nam và ASEAN phát triển thịnh vượng. Theo tôi, thương mại nội khối của châu Á vốn đã lớn hơn thương mại giữa châu Á với thị trường Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, kéo trung tâm kinh tế toàn cầu ngày càng gần châu Á hơn”.
Bộ Công thương đánh giá RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam hằng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…
Đồng thời, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất doanh nghiệp được Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam...
Mai Phương
Thanh niên
|