Thứ Tư, 25/11/2020 06:50

Chặng đường cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và 'điểm trừ' đất đai

Quyền lợi từ việc khai thác đất đai là sức hút đối với nhà đầu tư tham gia quá trình cổ phần hóa. Nhưng chính lợi thế này và việc thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm đã gây ra thất thoát tài sản Nhà nước.

Việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam đã từng bị thanh tra. Ảnh minh họa: TTXVN

"Bắt bệnh" chậm thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho biết tiến độ cổ phần hóa hiện chậm hơn kế hoạch đặt ra khi chỉ có 28% số doanh nghiệp thuộc danh mục 127 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc cổ phần hoá giai đoạn 2017 - 2020 hoàn thành công việc này.

Thậm chí, chỉ 4/93 doanh nghiệp nằm trong doanh mục thực hiện cổ phần hoá đến năm 2020 của Thủ tướng hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp.

Nguyên nhân chính là ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo ông Long. Ngoài ra, tình hình thoái vốn tại của nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn như VNPT, TKV, MobiFone rất phức tạp, do nhiều tài sản không nằm trong quy định của pháp luật để xác định giá trị, một số tài sản không thể định giá được.

Nhiều người nói khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá phải xác định theo giá trị của thị trường. Nhưng điều này rất chung chung, cảm tính, muốn xác định giá trị doanh nghiệp thì phải đấu giá mới biết được", ông Long chia sẻ tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hoá tại các doanh nghiệp nhà nước và Vai trò của Kiểm toán Nhà nước".

Bên cạnh đó, tâm lý không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo một số doanh nghiệp đã dẫn tới hành vi viện dẫn vào khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn, theo ông Nguyễn Hồng Long.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, chỉ ra 5 nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm cổ phần hoá, thoái vốn. Thứ nhất, chậm sửa đổi quy định về cổ phần hoá, thoái vốn.

Thứ hai, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi thực hiện cổ phần hoá mới sắp xếp, xử lý đất đai, dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hoá. Cụ thể, một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như VNPT, Vinachem, TKV, Vinafood I, MobiFone, Argibank vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, tính đến giữa năm 2020.

Thứ tư, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này gồm một số Tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Điển hình là Vinafood I phải làm việc với 22 đơn vị đang sở hữu gần 250 mảnh đất tại 25 địa phương. Tương tự, Vinachem có hai đơn vị trực thuộc Công ty mẹ, hai đơn vị sự nghiệp, ba DN nắm giữ 100% vốn điều lệ, 21 đơn vị nắm giữ trên 50% vốn Điều lệ nên quản lý rất nhiều đất đai tại các địa phương.

Còn Agribank có 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích 2,6 triệu mét vuông trên cả nước, nhưng nguồn gốc đất rất đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ.

Thứ năm, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn để cổ phần hoá, thoái vốn quy định tại các Nghị định 126/2017, Nghị định 167/2017, Nghị định 32/2018 và các Quyết định: 22/2015/QĐ- TTg, 31/2017/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.

Những "lỗ hổng" cần lấp đầy

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, đất đai đã trở thành “miếng mồi ngon” để nhà đầu tư tích cực tham gia quá trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp Nhà nước trong nhiều trường hợp. Nhưng chính lợi thế này và việc thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm từng gây ra thất thoát tài sản Nhà nước từ đất đai và sử dụng đất không đúng mục đích.

Theo chuyên gia kinh tế này, Nghị định 32/2018 và Thông tư 59/2018 của Bộ Tài chính đã được ban hành nhằm hạn chế thất thoát đất công. Nhưng các văn bản này vẫn tồn tại những khoảng trống, gồm: chưa có hướng dẫn về kỹ thuật xác định giá trị lợi thế đất từ quyền thuê đất; chưa làm rõ được khả năng chấp nhận các phương án xác định giá trị do đơn vị tư vấn đưa ra; một số quy định không phù hợp giữa văn bản pháp lý về cổ phần hoá và Luật Doanh nghiệp 2014.

TS Vũ Đình Ánh nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Trọng Hiếu.

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khi cổ phần hóa theo Nghị định 126/2017, Nghị định 01/2017 và Nghị định 167/2017 được chuyên gia này đánh giá là chưa hiệu quả. Cụ thể, thời hạn 30 ngày để các địa phương có ý kiến về giá đất cụ thể - căn cứ xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 167/2017 – là không đủ để thực hiện, theo phản ánh của các địa phương, theo TS Vũ Đình Ánh.

Tương tự, việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất với đất thuê trả tiền hàng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hoá, lịch sử để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn theo quy định tại Nghị định 32/2018 cũng chưa cụ thể, còn tồn tại cách hiểu khác nhau, dẫn đến lúng túng, không thống nhất khi thực hiện, theo chuyên gia Ánh.

Việc chậm ban hành văn bản nhằm hoàn thiện giải pháp chống thất thoát đất công trước và sau cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước đã khiến các giải pháp chậm phát huy hiệu lực”, ông Ánh nhận định.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho biết một số cổ đông vốn là lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước trước cổ phần hoá đã lạm dụng quyền lực và trách nhiệm để mua gom cổ phần và trở thành nhóm nhỏ cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối doanh nghiệ trong và sau cổ phần hoá - biến doanh nghiệp từ sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân theo mô hình “gia đình trị”.

Về tình trạng các doanh nghiệp sau cổ phần hoá sử dụng đất không đúng mục đích, TS Nguyễn Minh Phong cho biết, có 32 dự án ở Hà Nội đã sử dụng đất sai mục đích hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng, 20 dụ án vi phạm quy hoạch xây dựng, tám dự án nợ tiền sử dụng đất tiền theo kết luận do Thanh tra Chính phủ công bố tháng 10-2018.

Đáng chú ý, tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra tại các dự án chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh lên tới 3.974 tỉ đồng.

Vị chuyên gia này cho rằng, UBND thành phố Hà Nội đã không có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể, nên các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh đã xác định giá trị lợi thế kinh doanh chưa sát thị trường. Một số doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, dẫn tới số thu từ đất về cho Nhà nước thấp.

Việc pháp luật không quy định xác định lợi thế thương mại với giá trị quyền sử dụng đất cũng như đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước, đặc biệt là khi dự án đất ở những vị trí đắc địa”, ông Phong cho biết.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 của 16 doanh nghiệp. Theo đó, giá trị thực tế vốn Nhà nước được cơ quan kiểm toán xác định theo phương pháp tài sản tăng 15.447,68 tỉ đồng. Còn nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu với hai doanh nghiệp đủ điều kiện, giá trị vốn Nhà nước sẽ tăng thêm 15.684,31 tỉ đồng so với phương pháp tài sản.

Theo cơ quan kiểm toán, những doanh nghiệp được kiểm toán vẫn tồn tại một số sai sót làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, gồm: xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định và dự án, công trình đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 doanh nghiệp trong cùng thời gian. Kết quả, giá trị thực tế vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng 1.576,96 tỉ đồng.

Theo cơ quan kiểm toán, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều hạch toán công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ. Còn một số đơn vị xác định nợ phải trả không chính xác.

Ngoài ra, một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án cổ phần hoá, sử dụng đất không đúng mục đích. UBND một số tỉnh, thành phố chưa có ý kiến hoặc chậm có ý kiến hoặc chưa phê duyệt phương án sử dụng đất, giá đất.

Hoàng Thắng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cổ phần hóa DNNN: Chậm và kém hiệu quả (24/11/2020)

>   HOSE: Thông báo đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Tổng Công ty IDICO - CTCP (23/11/2020)

>   HOSE: Thông báo đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Tổng Công ty Xây dựng số 1 – Công ty cổ phần (19/11/2020)

>   VSH: Báo cáo kết quả đấu giá tại công ty liên kết (11/11/2020)

>   IDC: Thông báo giao dịch cổ phiếu của Bộ Xây dựng (thoái vốn qua đấu giá) (04/11/2020)

>   Không để lợi ích nhóm trong cổ phẩn hóa (02/11/2020)

>   Đấu giá thất bại, SCIC tiếp tục chào bán gần 18 triệu cổ phần AFX (02/11/2020)

>   HOSE: Thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá của Công ty Cổ phần Công trình công cộng Vĩnh Long (28/10/2020)

>   HOSE: Thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá của Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP (26/10/2020)

>   HOSE: Thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (26/10/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật