Cổ phần hóa DNNN: Chậm và kém hiệu quả
Với tình hiện nay, mục tiêu cổ phần hóa 128 doanh nghiệp không thể đạt được bởi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020.
Sáng nay (24/11) tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội nghị khoa học "Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và vai trò của Kiểm toán Nhà nước". Tại Hội thảo, các đại biểu đã phân tích nhiều bất cập trong công tác cổ phần hóa DNNN, đồng thời đưa ra những giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới.
Quá trình thực hiện cổ phần hóa đang gặp nhiều vướng mắc. (Ảnh minh họa: KT)
|
Theo Quyết định số 26, ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2020, có 128 doanh nghiệp Nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa. Tuy nhiên đến hết tháng 7, mới chỉ có 37 doanh nghiệp được cổ phần hóa, bằng 28% kế hoạch đề ra.
Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch trong năm 2020 là 91 doanh nghiệp. Với tình hiện nay, mục tiêu cổ phần hóa 128 doanh nghiệp không thể đạt được bởi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020.
Theo các chuyên gia kinh tế, quá trình thực hiện cổ phần hóa đang gặp nhiều vướng mắc như việc phê duyệt phương án sử dụng đất, kiểm toán giá trị doanh nghiệp. Trong khi các quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn, khiến các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa quyết liệt triển khai thực hiện, ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn.
“Đất đai và việc xác định giá trị đất là một trong những nguyên nhân cơ bản, làm cho tiến độ cũng như kế hoạch cổ phần hóa cũng như thoái vốn không đạt tiến độ. Thêm vào đó là việc xác định giá trị vô hình về thương hiệu; về giá trị sử dụng đất vào xác định giá trị doanh nghiệp gặp khó khăn, trong khi xác định giá trị hữu hình, giá trị nhìn thấy còn chưa xong. Cho đến bây giờ, không biết xác định giá trị doanh nghiệp như thế nào cho đúng quy định”, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh nhìn nhận.
Các đại biểu cho rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế, cũng như xây dựng và vận hành nền kinh tế thị trường.
Để công tác này đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, vai trò của Kiểm toán Nhà nước là rất quan trọng, góp phần làm minh bạch và lành mạnh các thông tin, các quan hệ kinh tế, tài chính.
Thông qua chức năng kiểm toán hoạt động, kiểm toán đánh giá một cách khách quan, đồng thời đưa ra những kiến nghị và tư vấn cho nhà nước, cho các doanh nghiệp có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác quản lý và sử dụng tài chính nhà nước và tài chính doanh nghiệp.
Kiểm toán Nhà nước xác nhận tính trung thực của báo cáo tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị được kiểm toán, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch hơn, xây dựng hệ thống thông tin tin cậy, tạo được niềm tin để các cổ đông của công ty và các nhà đầu tư. Kiểm toán Nhà nước cần phân tích, đánh giá các rủi ro nằm ngay trong từng công việc của tiến trình cổ phần hóa, từng tài liệu hồ sơ chứng minh sự hình thành vận động tài sản của doanh nghiệp và từng mối quan hệ lợi ích kinh tế.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp mong muốn, Kiểm toán Nhà nước nên có những cuộc kiểm toán chuyên đề, đánh giá tất cả các giai đoạn. “Từ xác định giá trị cho đến hậu cổ phần hóa cho đến quyết toán đến lần thứ hai. Đến bây giờ, các Tổng Công ty lớn của Nhà nước đã cổ phần hóa được 9 năm rồi mà đến năm thứ 10 vẫn chưa quyết toán được lần hai”, ông Long chỉ rõ./.
Thành Trung
VOV
|