Bloomberg: Gần 1/3 tuyến đường hàng không trên thế giới mất đi vì Covid-19
Những tuyến đường có biên lợi nhuận mong manh nhất sẽ là những tuyến đầu tiên bị cắt giảm
Trước đại dịch Covid-19, cú bùng nổ kéo dài nhiều thập kỷ qua của ngành hàng không đã sản sinh ra mạng lưới gần 50,000 tuyến đường hàng không đi khắp thế giới. Nhưng trong chưa đầy 1 năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 đã thổi bay gần 1/3 tuyến đường này khỏi bản đồ thế giới.
Đóng cửa biên giới, phong tỏa toàn quốc và tâm lý sợ lây nhiễm Covid-19 từ hành khách đã kéo giảm số lượng chuyến bay thương mại. Hàng ngàn tuyến kết nối nội địa và quốc tế biến mất hoàn toàn khỏi thời gian biểu của các hãng hàng không.
Cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 đang gỡ bỏ một cuộc đại tu rộng lớn về mặt xã hội và công nghiệp đã diễn ra trong suốt nửa thế kỷ phát triển du lịch hàng không. Trong những năm tới, các chuyến công tác nước ngoài và các kỳ nghỉ lễ có thể có nhiều điểm dừng tại sân bay hơn, thời gian hành trình dài hơn và có thể có thêm một phương thức vận tải bổ sung. Ngay cả khi thế giới tìm ra một loại vắc-xin hiệu quả, một số chuyến bay thẳng kết nối giữa hai quốc gia sẽ không còn nữa.
Khi biên giới đóng lại từ châu Âu cho tới New Zealand, hàng loạt tuyến đường xuyên biên giới bị hủy bỏ. Chưa dừng lại ở đó, hàng ngàn tuyến bay nội địa cũng bị hủy. Điều này phản ánh áp lực mà các hãng hàng không đang phải đối mặt tại quê nhà khi họ cắt giảm việc làm và chuyển giao máy bay để cắt giảm chi phí xuống mức thích hợp với tình hình hiện tại.
Vào cuối tháng 1/2020, khoảng 47,756 tuyến đường hàng không đang hoạt động trên khắp thế giới, 50% đến từ Mỹ, Tây Âu và Đông Bắc Á, theo OAG Aviation Worldwide. Vào ngày 02/11, thế giới chỉ còn 33,416 tuyến đường hàng không trên toàn cầu, dữ liệu cho thấy.
Tại Hervey Bay, một thị trấn du lịch nhỏ trên bờ biển phía đông của Australia, cư dân đang tỏ ra tiếc nuối với chuyến bay cuối cùng kết nối trực tiếp với Sydney, cửa ngõ nội địa và quốc tế then chốt của quốc gia này. Tuyến bay này là 1 trong 8 đường bay trong khu vực bị Virgin Australia Holdings loại bỏ sau khi hãng hàng không này bị vỡ nợ vào tháng 4 với khoản nợ 6.8 tỷ AUD (5 tỷ USD).
Darren Everard, Phó Thị trưởng hội đồng khu vực, người chịu trách nhiệm phát triển kinh tế trong khu vực, cho biết: “Chúng tôi đang nuôi hy vọng rằng những tuyến bay này sẽ trở lại”.
Trong số những bên bị ảnh hưởng nặng nề nhất là một nhà sản xuất phụ tùng thân xe tải ở địa phương – vốn phụ thuộc chuyến bay này để tiếp cận người mua ở Sydney, ông nói.
Hervey Bay, cách thủ phủ Brisbane của bang Queensland hơn ba giờ lái xe về phía Bắc, được biết đến như một điểm khởi đầu cho các chuyến tham quan ngắm cá voi và các chuyến đi đến Đảo Fraser gần đó. Theo OAG, chuyến bay kết nối với Sydney tại thị trấn Hervey Bay là 1 trong hơn 14,000 chuyến bay đã bị dỡ bỏ trên toàn cầu kể từ khi đại dịch bùng phát.
Thủ đô Canberra của Australia cũng đã được xóa khỏi bản đồ tuyến đường bay quốc tế. Thành phố này không còn các chuyến bay thẳng ra nước ngoài sau khi Singapore Airlines ngừng các dịch vụ vào tháng 9/2020.
“Sẽ mất 4 hoặc 5 năm để kết nối trở lại như cũ mà chúng ta đã thấy vào cuối năm 2019”, Subhas Menon, Tổng Giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không Châu Á-Thái Bình Dương (AAPA) - đại diện cho các hãng hàng không trong khu vực bao gồm Singapore Air, China Airlines và Cathay Pacific Airways, cho biết. “Một số tuyến bay có thể không bao giờ trở lại”.
Tất cả yếu tố trên làm xói mòn ảnh hưởng tài chính của ngành hàng không. Thế nhưng, tác động đến phần đóng góp của ngành hàng không tới việc di chuyển trên toàn cầu và cơ hội cho xã hội thật khó để đo lường.
Trước đại dịch Covid-19, ngành hàng không đã hỗ trợ 65.5 triệu việc làm - hơn một nửa trong số đó gián tiếp thông qua du lịch - và tác động tới 2.7 ngàn tỷ USD giá trị kinh tế trên toàn cầu, theo Báo cáo Lợi ích Hàng không 2019, một nghiên cứu của các nhóm ngành bao gồm cả cơ quan Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Biên lợi nhuận mong manh
Dĩ nhiên, nhiều hãng hàng không đang thêm các tuyến bay nội địa để khai thác nhu cầu bị dồn nén trong phân khúc hoạt động hiệu quả duy nhất của họ. Vào cuối tháng 10/2020, lượng hành khách đi các chuyến bay thương mại ở Mỹ đã trở lại bằng 50% mức trước dịch, dữ liệu FlightAware cho thấy; ở Trung Quốc, lưu lượng hành khách gần như đã trở lại mức bình thường.
Bên cạnh đó, đầu tuần này, Singapore Air đã khởi động lại tuyến bay thẳng giữa Singapore và New York, chuyến bay dài nhất thế giới, khi quốc đảo sư tử đang đấu tranh để giữ lại vị trí trung tâm hàng không toàn cầu.
Theo công ty phân tích hàng không Cirium, chỉ riêng ở châu Á, 790 đường bay mới đang hoạt động trong tháng này, theo công ty phân tích hàng không Cirium. Ví dụ, thành phố Yiwu ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) dự kiến sẽ có thêm 90 chuyến bay thẳng mới từ Bắc Kinh trong tháng 11/2020.
Thế nhưng, số tuyến đường hàng không ở châu Á bị ngừng hoạt động còn vượt xa những số tuyến đường mới, lên tới 2,279 tuyến đường. Vào tháng 11/2019, có hơn 1,000 chuyến bay theo lịch trình giữa Almaty và Nur-Sultan ở Kazakhstan, dữ liệu cho thấy. Trong tháng 11/2020, gần như không có chuyến bay nào giữa Almaty và Nur-Sultan ở Kazakhstan.
Tại Mỹ, Giám đốc điều hành của American Airlines Group, Doug Parker, đã cảnh báo vào tháng trước rằng nhiều khu vực của nước Mỹ có nguy cơ bị cắt giảm chuyến bay trừ khi có thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 8/10 trên CNBC, ông Parker cho biết: “Chắc chắn sẽ có gián đoạn trong việc cung cấp dịch vụ cho các cộng đồng nhỏ và đối với các cộng đồng lớn hơn, số lượng dịch vụ sẽ bị giảm”. Ông nói thêm hãng hàng không American Airlines Group đã ngừng bay đến 13 thành phố của Mỹ.
Những tuyến đường có biên lợi nhuận mong manh nhất sẽ là những tuyến đầu tiên bị cắt giảm giữa lúc hãng hàng không tìm cách trụ vững trong đại dịch, Dirk-Maarten Molenaar, Trưởng bô phận du lịch khu vực châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ tại Boston Consulting Group, cho hay.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|