Thỏa thuận RCEP sẽ được ký vào ngày 15/11
Trong ngày 11/11, các bộ trưởng từ 15 quốc gia tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhất trí ký thỏa thuận thương mại vào hội nghị thượng đỉnh ngày 15/11, nhưng vẫn mở ra cánh cửa để Ấn độ có thể trở lại sau đó.
15 quốc gia “đã kết thúc cuộc đàm phán và sẽ ký kết thỏa thuận RCEP vào ngày 15/11” ở hội nghị thượng đỉnh, Mohamed Azmin Ali, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp của Malaysia, cho biết trong một tuyên bố.
RCEP có sự góp mặt của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 thành viên của khối ASEAN. Thỏa thuận này sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất châu Á, bao gồm 30% GDP và thương mại toàn cầu. Đây sẽ là khuôn khổ thương mại tự do đầu tiên của Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc – hai đối tác thương mại quan trọng của xứ sở hoa anh đào.
Sau 8 năm đàm phán với mồ hôi nước mắt, chúng tôi cuối cùng tiến tới khoảnh khắc ký thỏa thuận RCEP”, Azmin cho biết sau một cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng.
Ấn Độ đã tham gia vào thỏa thuận kể từ khi đàm phán bắt đầu trong năm 2013, nhưng cho biết họ sẽ rút khỏi thỏa thuận trong năm 2019. New Delhi chưa trở lại bàn đàm phán, mặc cho những nỗ lực kêu gọi từ phía Nhật Bản, giữa lúc thâm hụt thương mại của Ấn Độ phình to.
RCEP sẽ giảm hàng rào thuế quan và thiết lập quy định ở khoảng 20 lĩnh vực, bao gồm cả dòng chảy dữ liệu xuyên biên giưới. Thỏa thuận này không giảm thuế đối với hàng nông sản và thủy sản nhiều như CPTPP.
Cụ thể hơn, thỏa thuận này sẽ giảm thuế quan cho 61% hàng nhập khẩu từ các thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, cùng với 56% hàng hóa từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc.
RCEP sẽ hỗ trợ thương mại và đầu tư mở, toàn diện và có quy định. Hiệp định sẽ củng cố, duy trì kết nối với chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực, đặc biệt là tăng cường phục hồi kinh tế sau tác động Covid-19.
Với Việt Nam, RCEP giúp các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, quy mô GDP gấp đôi CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay. Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|