TP.HCM có hàng ngàn hộ dân 'tắc' tách thửa
Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm "Tháo treo cho đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới" do báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (13.10).
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Độc Lập
|
Quyết định 60 "treo" quyền lợi của người dân
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên, cho biết: Ngay sau khi Quyết định 60 (QĐ 60) về diện tích tối thiểu được tách thửa của UBND TP.HCM có hiệu lực, ghi nhận từ các quận, huyện cho thấy số lượng hồ sơ được giải quyết tách thửa rất hạn chế do một số quy định của quyết định này đã làm khó người dân.
Cụ thể, Luật Đất đai chia đất ở thành 2 loại là đất ở đô thị và đất ở nông thôn thì QĐ 60 chia đất ở thành nhiều loại, gắn với quy hoạch để cấm công dân thực hiện quyền tách thửa của mình như đất ở thuộc quy hoạch dân cư hiện hữu, hiện hữu chỉnh trang, đất xây dựng mới thấp tầng, cao tầng…. Từ đó, hàng ngàn hộ dân tại TP.HCM bỗng dưng rơi vào quy hoạch treo, muốn tách thửa cho con, cháu... cũng không được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng xây dựng sai phép, trái phép... nở rộ trong thời gian qua mà báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực phản ánh. Chính quyền cũng tốn rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí không ít cán bộ đã bị kỷ luật vì tình trạng này.
Cách đây hơn 1 tháng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã có công văn yêu cầu điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch những khu vực quy hoạch thực hiện không khả thi để trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân liên quan đến QĐ 60. Tuy nhiên điều này không còn mang lại nhiều hy vọng cho người dân bởi trước đó vài tháng, thời điểm tháng 4 năm nay, chỉ đạo tương tự cũng đã được TP đưa ra. Báo Thanh Niên khi đó cũng đã đăng bài, thậm chí giựt cái tít khá mạnh "Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến QĐ 60", trong đó TP cũng đã chỉ đạo khá cụ thể các cơ quan chức năng liên quan... Thế nhưng gần nửa năm sau, TP lại tiếp tục chỉ đạo, cũng quyết liệt và khẩn trương, cũng phân công cụ thể sở này rà soát, sở kia tham mưu... Tính từ khi QĐ 60 có hiệu lực đến nay cũng đã gần 3 năm, những vướng mắc được chỉ rõ ngay khi có hiệu lực... vẫn còn nguyên.
Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên - ông Nguyễn Ngọc Toàn
|
"Năm 2020, cả thế giới đối mặt với đại dịch thế kỷ. Dù được coi như một biểu tượng thành công chống Covid-19 nhưng chúng ta cũng đang thực sự "ngấm đòn". Theo thống kê mới nhất, có tới trên 32 triệu người lao động bị ảnh hưởng giảm thu nhập, mất việc... hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, số lượng doanh nghiệp hoạt động cầm chừng cũng rất lớn. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn thì hỗ trợ bằng tháo gỡ các nút thắt thủ tục là "dư địa" mà Nhà nước có thể thực hiện và cũng là điều mà các doanh nghiệp mong muốn nhất. Chúng ta không thể cứ treo quyền lợi của người dân, của doanh nghiệp kéo dài như thế này và không thể tiếp tục để xảy ra những quy hoạch treo ở khắp nơi. Ở góc độ truyền thông, điều chúng tôi mong muốn khi tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, gặp gỡ... như thế này là góp một phần tiếng nói để giải quyết các bất cập về mặt chính sách, cơ chế, trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay", Phó Tổng biên tập báo Thanh niên nhấn mạnh.
14.000 ha đất đang "tắc"
Dẫn lại lịch sử ra đời QĐ 60, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thông tin: Nhận định tách thửa là một trong những nhu cầu thiết yếu của xã hội, trong khoảng 15 năm qua, TP.HCM đã ban hành 3 QĐ về tách thửa đất, bao gồm QĐ 19, sau đó sửa thành QĐ 33 và mới đây nhất là QĐ 60 có hiệu lực từ 1.1.2018.
Ông Lê Hoàng Châu phát biểu tại tọa đàm
|
QĐ 60 đã góp phần chặn đứng nạn “đầu nậu núp bóng chủ đất” để phân lô bán nền trái phép. Song, do có một số quy định chưa thật chuẩn xác, chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, như quy định không cho tách thửa “đất ở xây dựng mới”, “đất sử dụng hỗn hợp”, đã làm “ách tắc” hoạt động tách thửa đất trên địa bàn thành phố, nhất là tại các quận ven và huyện ngoại thành trong hơn hai năm qua, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng và nhu cầu tách thửa “thật” của các cá nhân, hộ gia đình.
Theo ông Châu, Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết tính đến ngày 31.10.2019, toàn thành phố có 5.711 hồ sơ xin tách thửa và đã giải quyết. Nhưng trên thực tế, theo báo cáo mới đây của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, toàn thành phố có hơn 14.000 ha đất nằm trong quy hoạch “đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới”. Với quy mô diện tích 2 loại đất nêu trên, thì có thể có hàng ngàn cá nhân, hộ gia đình đã không thể thực hiện được thủ tục tách thửa đất theo nhu cầu trong thời gian qua.
"Hiệp hội nhận thấy, vấn đề lớn nhất tại QĐ 60 là cụm từ “thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở)” tại Khoản (1.a) Điều 5 không phù hợp với quy định về phân loại đất theo Luật Đất đai và cũng không phù hợp với quy định theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Do đó, cần bỏ 2 cụm từ này. Đồng thời, UBND TP cần xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 4, Điều 5 theo hướng quy định rõ “các trường hợp không được tách thửa”, “các trường hợp được tách thửa và điều kiện tách thửa”, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất. Tỷ lệ mật độ xây dựng cũng cần phải được xem xét cấp phép tùy theo đề xuất nhu cầu thực tế", ông Châu góp ý.
Hà Mai
Thanh niên
|