Thứ Tư, 30/09/2020 08:35

Hàng loạt dự án 'tắc' thủ tục

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện có hàng trăm dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp trên địa bàn TP.HCM không thể hoàn thành thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chấp thuận chủ đầu tư.

Việc hồ sơ bị “tắc” ngay bước đầu tiên ở Sở QH-KT và Sở KH-ĐT đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. ẢNH: ĐÌNH SƠN

Nguyên nhân do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, Sở Kế hoạch - Đầu tư không giải quyết hồ sơ.

Lòng vòng thủ tục

Lãnh đạo một công ty bất động sản (BĐS) có dự án ở Q.9 (TP.HCM) cho biết dự án của ông từ năm 2018 đến nay cứ loay hoay ở Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và nhất là ở Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) mãi không xong. Cụ thể, chủ trương đầu tư của dự án vẫn còn hiệu lực nhưng chưa được công nhận chủ đầu tư do vướng quy định: Dự án nhà ở thương mại phải có 100% đất ở mới được công nhận chủ đầu tư.

Đây là điều quá khó với chủ đầu tư và gần như không khả thi bởi thực tế các dự án đều sử dụng quỹ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng. Doanh nghiệp (DN) tiến hành xin lập quy hoạch chi tiết 1/500 cũng không được vì hồ sơ bị ngâm ở Sở QH-KT không được trình lên UBND TP ký quyết định phê duyệt. Hiện tại, DN được hướng dẫn làm lại thủ tục theo luật Đầu tư, tức là sẽ phải làm lại từ đầu. Điều này gây lãng phí, tốn kém và làm kéo dài thời gian hoàn thiện pháp lý của dự án.

"Khi lập thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư DN được Sở KH-ĐT yêu cầu làm đánh giá tác động giao thông (trước đây không có). DN hỏi thì Sở Giao thông vận tải bảo thủ tục này có thể bổ sung vào thời điểm sau khi dự án có quyết định đầu tư và dự án bắt đầu vào giai đoạn lập quy hoạch 1/500. Việc yêu cầu lập tác động giao thông này khi dự án chưa lập thủ tục 1/500 làm phát sinh chi phí và kéo dài thời gian pháp lý dự án", lãnh đạo công ty BĐS kể trên than phiền.

Đại diện một DN BĐS lớn tại TP.HCM cũng cho hay công ty ông có một dự án ở P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức đến nay sau 6 tháng vẫn còn nằm ở Sở KH-ĐT vì Sở này đang còn phải đi lấy ý kiến Sở QH-KT về quy hoạch phù hợp không, Sở TN-MT về đất đai đủ điều kiện không, Sở Xây dựng để xem có phù hợp với chương trình phát triển nhà ở hay không... Không những vậy, Sở KH-ĐT còn phải lấy ý kiến cả Bộ Tư lệnh TP, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Công an TP về vấn đề có hạn chế an ninh, an toàn về trận địa pháo, DN có vi phạm gì không. Sở KH-ĐT còn yêu cầu lấy ý kiến địa phương có dự án, Sở Giao thông vận tải xem có đảm bảo hạ tầng hay không. Điều này làm cho DN rất vất vả.

“Hiện nay phần lớn các hồ sơ đang vướng ở Sở KH-ĐT và Sở QH-KT do vênh hai khái niệm nhà đầu tư và chủ đầu tư. Trong thời gian này, khi hồ sơ lên tới Sở QH-KT để xem xét trình TP ra quyết định 1/500 thì Sở QH-KT lại xin ý kiến của lãnh đạo TP nhưng không đưa ra chính kiến với tâm lý ngồi chờ đến ngày 1.1.2021 khi luật Đầu tư mới có hiệu lực. Tuy nhiên, đến lúc đó chưa chắc có giải quyết không hay lại nói chờ nghị định hướng dẫn nữa thì DN càng chết”, vị này nói và cho biết thêm thay vì xin ý kiến TP, Sở QH-KT có thể đưa ra quan điểm của mình, nếu dự án phù hợp quy hoạch sẽ trình lên UBND TP.HCM ra quyết định 1/500 cho DN. Nhưng Sở QH-KT hiện nay dù đã hỏi các sở ngành có ý kiến đầy đủ vẫn không trình cho TP ký mà lại tiếp tục hỏi ý kiến.

126 dự án nhà ở thương mại có thể tiếp tục bị ách tắc

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), Sở QH-KT mới đây đã có văn bản nêu ý kiến: “Hiện nay, luật Đầu tư năm 2020 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng đã được Quốc hội thông qua, tuy nhiên, các luật này có hiệu lực để triển khai thực hiện từ ngày 1.1.2021”.

Ông Châu nhận định, văn bản này "có hàm ý" rằng trong thời gian từ nay đến ngày 31.12.2020 vẫn phải thực hiện theo các quy định của luật Quy hoạch đô thị 2009, luật Đầu tư 2014, luật Nhà ở 2014. Thế nên, từ nay đến ngày 31.12.2020, Sở QH-KT có thể không nhận giải quyết hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của nhà đầu tư, mặc dù đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP, dẫn đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp trên địa bàn TP có thể tiếp tục bị ách tắc.

Với lo ngại như vậy, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị từ nay đến ngày 31.12.2020, để giải quyết hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án nhà ở thương mại, mà “nhà đầu tư” đã có “Quyết định chủ trương đầu tư”, UBND TP cần chỉ đạo Sở QH-KT thực hiện “Bước 2: Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc công trình theo quy định của luật Quy hoạch đô thị”, sau khi nhà đầu tư đã thực hiện xong “Bước 1: Lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của luật Đầu tư”, theo quy trình đầu tư xây dựng, gồm “4 bước” do Sở Xây dựng tổng hợp, đề xuất.

Sớm ban hành quy trình 4 bước

Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị UBND TP.HCM sớm ban hành “Quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại”, gồm 4 bước.

Bước 1: Lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của luật Đầu tư (từ ngày 1.1.2021, gọi là thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư”).

Bước 2: Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc công trình theo quy định của luật Quy hoạch đô thị.

Bước 3: Thực hiện song song và nối tiếp liên tục các thủ tục hành chính.

Bước 4: Lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đình Sơn

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Đề xuất đánh thuế hành vi chuyển mục đích sử dụng đất (30/09/2020)

>   Phát hiện nhóm người đi 'mời chào' làm sổ đỏ giả ở Xuyên Mộc (29/09/2020)

>   TP HCM: Nhà nhỏ hơn giấy phép vẫn cho phép hoàn công (29/09/2020)

>   Kiến nghị bỏ ban hành khung giá đất 5 năm một lần (28/09/2020)

>   Vụ 'tắc' sổ hồng: Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM giải quyết (26/09/2020)

>   63 dự án với hơn 30.000 căn hộ bị tắc sổ hồng (24/09/2020)

>   'Ầu ơ' xử lý vi phạm xây dựng (24/09/2020)

>   Sẽ cấp sổ hồng cho nhà xây nhỏ hơn giấy phép xây dựng (24/09/2020)

>   TP.HCM kiến nghị tháo nghẽn cơ chế tính tiền sử dụng đất (19/09/2020)

>   Gần 90% căn nhà bị treo sổ hồng thuộc dự án các đại gia địa ốc (18/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật