Tăng trưởng 4.9% trong quý 3, GDP Trung Quốc vượt mức trước dịch Covid-19
Đà hồi phục kinh tế từ vực sâu Covid-19 của Trung Quốc tiếp diễn, mang lại sự hỗ trợ cho một nền kinh tế thế giới đang bị tổn thương vì đợt suy thoái sâu nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng.
Quý 3/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 4.9% so với cùng kỳ, dựa trên dữ liệu từ Bắc Kinh trong ngày 19/10. Con số này tuy thấp hơn dự báo của chuyên gia kinh tế, nhưng thực tế đã nhanh hơn nhiều so với mức 3.2% trong quý trước đó. Trong tháng 9/2020, doanh số bán lẻ tăng trưởng 3.3%, sản lượng công nghiệp tiến 6.9% và tăng trưởng đầu tư leo lên mức 0.8% trong 3 quý đầu năm.
Bất chấp thành tích GDP yếu hơn dự báo, sản lượng kinh tế vẫn tăng trưởng 0.7% từ đầu năm 2020, điều này có nghĩa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lấy lại tất cả những gì đã mất trong nửa đầu năm.
Góp phần củng cố đà hồi phục là chiến dịch kiểm soát dịch bệnh quyết liệt của Trung Quốc, từ đó cho phép các nhà máy mở cửa trở lại một cách nhanh chóng và tận dụng cơn sốt thiết bị y tế và công nghệ làm việc tại nhà trên toàn cầu – một diễn biến đã giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc chiếm lấy thị phần kỷ lục trong 7 tháng đầu năm 2020.
Những người đi mua sắm tỏ ra cẩn trọng hơn, nhưng việc chi mạnh trong Tuần lễ Vàng cho thấy họ đã bắt đầu mở hầu bao một lần nữa.
Đà hồi phục diễn ra với lượng vay nợ Chính phủ và mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ tương đối hạn chế so với các quốc gia đồng cấp với Trung Quốc. Thay vào đó, Chính phủ đã tập trung vào hỗ trợ đến những doanh nghiệp cụ thể - khác hẳn với cách ứng phó trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hỗ trợ chính sách
“Trung Quốc đang hỗ trợ thế giới theo một cách khác với những gì đã làm sau năm 2008”, Shen Jianguang, Chuyên gia kinh tế trưởng tại gã khổng lồ thương mại điên tử JD.com, cho hay. “Đà giảm tốc của nền kinh tế có nghĩa họ không có khả năng tung ra thêm 1 gói kích thích khác trong năm 2020. Thay vào đó, họ đóng vai trò là ‘người cung ứng giải pháp cuối cùng’”.
Ngày 18/10, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), Yi Gang, cho biết Trung Quốc có “chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế”.
“Tại thời điểm này, Trung Quốc về cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19”, ông Yi phát biểu trong một cuộc họp của nhóm G30. “Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc vẫn trụ vững với tiềm năng to lớn. Đà hồi phục kéo dài được cho là sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu”.
Tỷ trọng đóng góp ngày càng tăng
Bài phân tích về dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tỷ trọng của Trung Quốc trong tăng trưởng toàn cầu được dự báo tăng từ 26.8% trong năm 2021 lên 27.7% trong năm 2025, theo ước tính của Bloomberg.
IMF cho biết tăng trưởng Trung Quốc gần như là lý do duy nhất để kỳ vọng sản lượng toàn cầu tăng trưởng 0.6% vào cuối năm 2021, so với cuối năm 2019.
Thế nhưng, đà hồi phục không phải là không có lỗ hỗng. Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 0.7% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ. Tại thời điểm đầu năm, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2020.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng chậm chi tiêu như đã từng trong quá khứ. Thậm chí khi đại dịch đã được kiểm soát, người mua sắm chi ít hơn 9% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn còn chưa rõ đà hồi phục có bền vững hay không khi mà áp lực nội địa ngày càng chồng chất từ tỷ lệ thất nghiệp, nợ công và nợ của hộ gia đình. China Evergrande Group – ông lớn bất động sản nặng nợ nhất thế giới – làm phiền lòng nhà đầu tư giữa nỗi lo sợ về tình hình tài chính Công ty.
Phần lớn cũng sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ Mỹ-Trung sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Xung đột thương mại ngày càng tệ sẽ kìm hãm sự hồi sinh về xuất khẩu. Cùng lúc đó, làn sóng tái bùng phát tại châu Âu và Mỹ sẽ làm phức tạp đà hồi phục toàn cầu và cũng có thể hủy hoại đà hồi phục của chính Trung Quốc.
Việc giúp nền kinh tế hồi phục nhanh chóng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Tham vọng này được nhắc tới trong chuyến thăm trung tâm công nghệ Thâm Quyến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại đây, ông Tập nhắc lại lời kêu gọi giành lấy vị thế tiên phong về công nghệ và các ngành công nghiệp chiến lược khác.
Đề cập tới lời cam kết “không hề xoay chuyển” về đổi mới công nghệ trong giai đoạn thay đổi chưa từng có tiền lệ trong 1 thế kỷ, ông Tập lại hối thúc Trung Quốc trở nên “tự lực cánh sinh” – một chính sách được cho là đóng vai trò trung tâm trong kế hoạch kinh tế 5 năm và sẽ được bàn luận tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tháng này.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|