Thứ Bảy, 17/10/2020 08:59

'Đừng thổi phồng khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới'

Giáo sư Eswar Prasad nhận định nền kinh tế thế giới khó có thể nhanh chóng phục hồi từ đáy sâu của cuộc khủng hoảng Covid-19.

"Nền kinh tế thế giới đang gượng dậy từ vực sâu của cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Nhưng sự phục hồi diễn ra khá chậm chạp, không đồng đều và mong manh", ông Eswar Prasad, giáo sư tại Đại học Cornell, viết trên South China Morning Post.

Hãy bắt đầu với tin tốt. Thương mại hàng hóa thế giới đã tăng trở lại khi nhu cầu của các hộ gia đình phục hồi ở nhiều nền kinh tế, ngay cả khi những hạn chế về sức khỏe cộng đồng và mối lo ngại vẫn cản trở nhu cầu đối với dịch vụ.

Hơn nữa, thị trường tài chính đã hoạt động tốt một cách đáng ngạc nhiên. Thị trường chứng khoán ở nhiều quốc gia đang quay trở lại mức trước đại dịch. Mặc dù lãi suất gần mức 0, hệ thống ngân hàng và tài chính vẫn ổn định. Nhu cầu tiêu dùng và công nghiệp thúc đẩy giá hàng hóa, thậm chí giúp giá dầu phục hồi.

Nền kinh tế thế giới hậu đại dịch ảnh 1
Nhu cầu của các hộ gia đình ở nhiều nền kinh tế đã phục hồi, giúp thúc đẩy thương mại hàng hóa toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Phục hồi mong manh

Tuy nhiên, theo Chỉ số theo dõi Brookings-Financial Times, nhiều nền kinh tế vẫn không tăng trưởng hoặc thậm chí sụt giảm. Khi niềm tin của khu vực tư nhân cạn kiệt và cuộc chiến chống dịch chưa kết thúc, nguy cơ của một "vết sẹo kinh tế" sâu rộng ngày càng trở nên lớn hơn.

Điều này đúng với cả những nền kinh tế tăng trưởng trở lại, chẳng hạn như Mỹ. Ở một khía cạnh nào đó, Mỹ dường như đã xoay chuyển tình thế. Hoạt động công nghiệp và thị trường lao động phục hồi. Tỷ lệ thất nghiệp giảm và số việc làm tăng lên.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn và số việc làm thấp hơn trước khi dịch bệnh bùng phát. Sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp dài hạn và những gián đoạn trong khu vực dịch vụ cho thấy con đường phục hồi kinh tế là rất chông gai. Các biện pháp kích thích tài khóa cũng hết hiệu lực.

Những cuộc đàm phán về gói cứu trợ mới nhiều lần thất bại. Thu nhập hộ gia đình giảm, tăng trưởng tư nhân yếu đi. Cùng với đó là đầu tư kinh doanh lao dốc, dẫn đến trở ngại cho mục tiêu tăng trưởng bền vững. Ngay cả các thị trường chứng khoán, vốn trải qua một đợt phục hồi mạnh mẽ hồi đầu năm, giờ cũng hạ nhiệt.

Nền kinh tế thế giới hậu đại dịch ảnh 2
Thu nhập hộ gia đình tại Mỹ giảm, tăng trưởng tư nhân yếu đi, đầu tư vào hoạt động kinh doanh cũng lao dốc. Ảnh: Reuters.

Điều này phản ánh những lo ngại về chiến lược ngăn chặn virus của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 chuẩn bị diễn ra, tình trạng không chắc chắn về chính sách khiến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm sút.

Khu vực đồng euro thậm chí còn tồi tệ hơn. Đại dịch ảnh hưởng đến tăng trưởng trong ngắn hạn, và giảm phát cũng làm tăng nguy cơ suy yếu về lâu dài. Ở đầu bên kia thế giới, nền kinh tế Nhật Bản đứng trước rủi ro nghiêm trọng, mặc dù đến nay nước này đã tránh được tình trạng giảm phát trở lại.

Khoản nợ khổng lồ

Hầu hết nền kinh tế mới nổi cũng không tăng trưởng tốt. Ấn Độ đang trải qua đợt suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế. Chính phủ nước này đã thúc đẩy một số cải cách trên thị trường lao động và nông nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng bị đè nặng bởi các khoản nợ xấu vẫn là trở ngại lớn đối với tăng trưởng.

Một quốc gia đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ là Trung Quốc, phần lớn nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch Covid-19. Sản xuất công nghiệp và dịch vụ tại Trung Quốc đã phục hồi, doanh số bán lẻ và đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cũng gia tăng.

Tuy nhiên, không giống sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hoạt động mạnh mẽ của nền kinh tế 1,4 tỷ dân không tác động nhiều đến phần còn lại của thế giới. Nước này đưa ra chiến lược "lưu thông kép" nhằm tăng sự phụ thuộc vào sản xuất, phân phối và tiêu dùng trong nước để phát triển lâu dài.

Thêm vào đó, những ngân hàng trung ương lớn có ít "hỏa lực" hơn nhiều so với sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Theo giáo sư Eswar Prasad, các chính phủ chỉ còn một lựa chọn tốt. Đó là kích thích tài khóa hơn nữa, bất kể rủi ro gia tăng nợ công.

Nền kinh tế thế giới hậu đại dịch ảnh 3
Trung Quốc đưa ra chiến lược "lưu thông kép" để tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước. Ảnh: Getty Images.

Theo CNN, thế giới sắp thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 với khối nợ khổng lồ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính tỷ lệ nợ công ở các nền kinh tế phát triển sẽ tăng lên 125% GDP vào cuối năm 2021. "Tuy nhiên, những rủi ro này không thể so sánh với vết thương kinh tế về dài hạn khi không có các biện pháp kích thích trên", ông Prasad nhấn mạnh.

"Để đạt hiệu quả, các biện pháp tài khóa phải đi cùng với những chiến lược ngăn chặn virus nhất quán, giúp mở cửa kinh tế trở lại một cách an toàn. Nếu không, nhu cầu và niềm tin vẫn suy giảm và tăng trưởng trong tương lai sẽ chững lại", vị giáo sư nhận định.

Thảo Cao

ZING

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Thế giới cảnh báo khủng hoảng tài chính do đại dịch (16/10/2020)

>   Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 có thể tiêu tốn kỷ lục 11 tỷ USD (16/10/2020)

>   Trung Quốc sắp thông qua luật hạn chế xuất khẩu công nghệ (16/10/2020)

>   Tổng Giám đốc IMF: Chắc chắn là Mỹ sẽ tung ra gói kích thích tài khóa (16/10/2020)

>   Hai mảng sáng tối kinh tế Mỹ trong nhiệm kỳ của Trump (16/10/2020)

>   Ông chủ SoftBank giục Grab 'đình chiến' với Gojek (16/10/2020)

>   Hơn 39 triệu người đã nhiễm nCoV toàn cầu (16/10/2020)

>   Ngành hàng không Mỹ liên tiếp báo lỗ “khủng” vì đại dịch Covid-19 (15/10/2020)

>   Biến đổi khí hậu là khủng hoảng tiếp theo của Châu Á  (15/10/2020)

>   Nhật Bản tăng mạnh trợ cấp để các công ty chuyển dịch sản xuất đến Đông Nam Á (15/10/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật