Tạm dừng bổ sung dự án điện gió vào quy hoạch
Bộ Công Thương đã thông báo cho UBND các địa phương biết việc bộ này quyết định tạm dừng xem xét thẩm định các dự án điện gió riêng lẻ, ngừng bổ sung các dự án vào Quy hoạch điện V II điều chỉnh để chờ quy hoạch VIII trình Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống điện gió tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: TTXVN
|
Mới đây, Bộ Công Thương đã yêu cầu UBND các tỉnh thành phố chịu trách nhiệm rà soát quy hoạch địa điểm vị trí các nhà máy điện gió theo các quy định hiện hành bao gồm: dự án, công suất, địa điểm, dự kiến đấu nối... đang được khảo sát, nghiên cứu để bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Cơ quan này cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát 74 dự án điện gió với tổng quy mô công suất khoảng 6400 MW, chưa tính những dự án đang khảo sát.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương và nhà đầu tư tạm dừng xem xét đề nghị thẩm định bổ sung quy hoạch các dự án điện gió vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh (2011-2020), đợi đến khi bản Quy hoạch điện VIII được trình lên Thủ tướng vào tháng 10 và được xem xét, phê duyệt.
Thực tế, đến hết năm 2019, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng công suất điện gió và điện mặt trời đã khoảng 5800 MW, chiếm 10% tổng công suất nguồn của hệ thống và vượt 205% so với quy hoạch điện VII ban đầu. Đến năm 2030, dự kiến điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm khoảng 28% là mức cao nhất, còn cao hơn mức 27% dự báo của nhiệt điện than, dầu và khí (19%) và thủy điện 18%.
Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện gió vào năm 2018 (theo Quyết định số 39/2018) đã thúc đẩy các nhà đầu tư đến với nguồn năng lượng tái tạo này khá nhiều. Hai năm qua, Bộ Công thương đã nhận được đề nghị khảo sát và xin bổ sung quy hoạch các dự án điện trên bờ và ngoài khơi đến khoảng 50 ngàn MW. Tuy nhiên, bộ mới chỉ duyệt 4800 MW, bằng 1/10 quy hoạch, trước ngày 1-1-2019.
Nhà nước hiện giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo với mức giá do nhà nước quy định khá cao so với thủy điện, nhiệt điện. Như vậy, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện.
Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) mới đây đánh giá: Khi năng lượng tái tạo (NLTT) bao gồm điện gió đạt mức 205% do tác động chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ dẫn tới những khó khăn trong cân đối cung-cầu giai đoạn 2021-2025 do số giờ vận hành tương đương của NLTT chỉ bằng 1/3 so với nguồn điện truyền thống.
Hơn nữa, vấn đề xử lý môi trường của điện gió cũng khá phức tạp: hiện chưa có giải pháp xử lý hiện quả chất thải rắn từ điện gió, dự kiến là khoảng 15 ngàn tấn năm 2030, 375 ngàn tấn năm 2045. Các chất thải này mới được lưu giữ tại các bãi thải rộng lớn, điều này khó khăn do diện tích đất hạn chế của Việt Nam.
Chính vì vậy, Viện Năng lượng đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các bên với việc xử lý chất thải khi kết thúc dự án; sử dụng các thiết bị công nghệ cao để giảm thiểu các tác động đối với môi trường. Ngoài ra, điện gió ngoài khơi sẽ ảnh hưởng đến an ninh hàng hải, chủ quyền lãnh thổ. Do đó, cần có sự quan tâm và liên kết chặt chẽ với cơ quan quản lý các cấp.
Lan Nhi
TBKTSG
|