Coi chừng ‘đột tử’ vì lan đột biến
Dù lan đột biến số lượng ít và đẹp nhưng giá cũng chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu, chứ không có chuyện cả chục tỉ đồng.
Những thương vụ giao dịch hoa lan đột biến với số tiền ngày càng lớn từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng. Trong ảnh: Một vụ giao dịch lan đột biến tiền tỉ. Ảnh: Internet
|
Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt vụ mua bán lan đột biến với giá trị lên đến hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng mỗi cây. Tuy nhiên, công an nhiều địa phương vừa lên tiếng cảnh báo người dân về những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỉ. Bởi hầu hết các giao dịch, mua bán lan đột biến với giá trị cao này đều rất mập mờ thông tin về người bán, người mua và giá trị thực của lan đột biến không được kiểm chứng.
Nguy cơ vỡ nợ dây chuyền
Anh Trần Minh Nhật, chủ một vườn lan có tiếng ở Lâm Đồng, nhìn nhận hiện nay các hoạt động mua bán, giao dịch, chuyển nhượng, trao đổi hoa lan đột biến diễn ra khá rầm rộ. Thậm chí hoạt động này còn được livestream ỳ xèo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube.
Cơn sốt lan đột biến thực sự đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn vì rất nhiều người lao vào đầu tư, mua bán. Thực ra một số nhóm đối tượng đánh bóng cho vài trường hợp giàu nhờ đầu tư mua đi bán lại lan đột biến kiếm lời tiền tỉ trong nháy mắt.
Ví dụ, họ quảng cáo 1 cm hoa lan đột biến được bán với giá 2 triệu đồng, chỉ sau vài tháng bán lại lời cả trăm triệu đồng. Mục đích nhằm thu hút những người dân hám lợi, những người chơi lan thiếu kinh nghiệm tham gia đầu tư, góp vốn vào các hoạt động giao dịch hoa lan đột biến.
“Người nào bỏ tiền mua lan cuối cùng là chịu thiệt. Nhiều người muốn làm giàu nhanh bằng hoa lan đột biến đã nhận quả đắng. Có nhiều trường hợp chuyển tiền đầu tư, đặt cọc mua lan bị lừa, các đối tượng rao bán lan đột biến thì trốn mất tăm” - anh Nhật nêu thực tế.
Ông Trương Hoàng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.HCM, cũng cho biết lan đột biến đúng là số lượng còn ít nhưng cũng không phải hiếm vì có thể nuôi cấy mô, nhân giống trong phòng thí nghiệm.
Do vậy, những thương vụ giao dịch giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi cây lan, mỗi kie lan (chồi non mọc từ thân cây lan mẹ) là giá ảo. Còn giá lên đến hàng tỉ đồng, mười mấy tỉ đồng cho mỗi giò lan, kie lan thì chỉ là chiêu trò thổi giá của một số nhóm đối tượng trục lợi. “Giá trị thực của các cây lan đột biến cũng chỉ gấp đôi, gấp ba lan thường, tức chỉ từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng thôi” - ông Hoàng nói.
Giới chơi lan chuyên nghiệp đồng ý với quan điểm của ông Hoàng. Theo đó, những giao dịch lan đột biến lên đến hàng chục tỉ đồng là cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng thổi giá, gây hấp dẫn giả tạo để dẫn dụ người mới chơi lan tham gia mua bán.
Đặc biệt, việc đầu tư, kinh doanh hoa lan đột biến gen đang có xu hướng tạo thành trào lưu, cơn sốt, vì nhiều người nhìn từ bên ngoài tưởng việc kinh doanh này dễ kiếm lời nên đầu tư hoặc góp vốn để tham gia. Trong số này đa phần là những người mong giàu có thần tốc nên bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân để đầu tư dễ dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây chuyền.
Những thương vụ giao dịch hoa lan đột biến với số tiền ngày càng lớn từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng. Trong ảnh: Một vụ giao dịch lan đột biến tiền tỉ. Ảnh: Internet
|
Lan đột biến không hiếm, giá chỉ vài trăm ngàn
PGS-TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, cho rằng ngay cả lan phi điệp đột biến cũng hoàn toàn có thể nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô với số lượng lớn. Nếu cây lan phi điệp con được nhân từ một đoạn cành hoặc một mô của cây lan phi điệp mẹ đột biến thì vẫn có thể cho ra hàng vạn cây con giống hệt đặc tính của cây mẹ.
Tuy nhiên, lan đột biến không thể trồng chỗ nào, trong điều kiện nào cũng cho ra hoa giống hệt như cây mẹ mà còn tùy thuộc vào môi trường, điều kiện thời tiết khí hậu, cách chăm sóc cây... Do đó, cần nhiều thời gian, công sức và vốn đầu tư nghiên cứu mới có thể công bố bản quyền một giống lan đột biến hoàn chỉnh và phát triển được giống đó ra sản xuất đại trà.
Khởi tố kẻ giả lan đột biến
Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) mới đây đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bốn tháng đối với Bùi Văn Sỹ (trú xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, Hòa Bình) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, ông ĐVT (trú huyện Di Linh) mua của Sỹ bốn cây lan hồng yên thủy và một chậu lan hồng mỹ nhân với giá 440 triệu đồng. Sau đó, Sỹ tiếp tục bán hai chậu lan hồng minh châu cho ông T. với giá 1,47 tỉ đồng.
Bùi Văn Sỹ thừa nhận số hoa lan đã bán cho ông T. đều là hoa lan thông thường, không phải đột biến như rao bán và thỏa thuận trước đó với người mua.
|
“Hiện Viện Nghiên cứu rau quả đã và đang nhân hàng vạn cây giống lan phi điệp đột biến bằng kie (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ) do một khách hàng đặt hàng. Giá của những cây giống này chỉ tương đương những cây lan bình thường khác thôi, chứ không có chuyện lên đến tiền tỉ như trên thị trường” - ông Đông cho hay.
Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Vạn, cũng cho rằng: Hoa lan, đặc biệt giống lan đột biến gen đẹp và chắc quý nhưng không thể có giá lên tới vài tỉ đồng.
“Để tránh những hậu quả đáng tiếc, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã đề nghị lãnh đạo hội sinh vật cảnh các địa phương khuyến cáo hội viên của mình trong giai đoạn này cần thận trọng, tỉnh táo khi tham gia mua bán, trao đổi... đối với những loại hoa lan đột biến” - ông Vạn nói.
Công an nhiều tỉnh như Bình Phước, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… cũng đã phát đi cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo liên quan đến những giao dịch mua bán lan đột biến gen. Đồng thời khuyến cáo người dân nếu thực sự có nhu cầu mua mặt hàng này cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, nơi bán trước khi mua; chủ động phòng, tránh thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh hoa lan đột biến gen nhằm mục đích trục lợi.
Không ít đối tượng rao bán lan đột biến trên mạng xã hội với giá từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng. Ảnh: TL
|
QUANG HUY
Pháp luật TPHCM
|