Thứ Năm, 15/10/2020 10:10

Sân bay Long Thành: Suất đầu tư 'ngưỡng cao', lo ACV hụt tiền

Bộ Tài chính nêu ý kiến về dự án sân bay Long Thành trong bối cảnh có nhiều diễn biến mới. Nguồn vốn đầu tư có đảm bảo là điều được Bộ này đặc biệt lưu ý, nhất là khi suất đầu tư dự án "ở ngưỡng cao".

Suất đầu tư “ở ngưỡng cao”

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ý kiến về dự thảo báo cáo Kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo nội dung hồ sơ Báo cáo kết quả thẩm định, tổng mức đầu tư (sau thẩm tra) cập nhật theo Nghị định 68/2019/NĐ-CP là khoảng 109.111 tỷ đồng, tương đương 4,66 tỷ USD.

Tại số liệu tổng hợp suất vốn đầu tư một số sân bay trên thế giới, tư vấn thẩm tra đã có nhận xét suất đầu tư/triệu khách hàng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 khoảng 188 triệu USD/triệu hành khách “đang là ngưỡng cao”. Trong khi Tư vấn thẩm tra lại có đánh giá phân tích nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị; phương án lựa chọn công nghệ cơ bản là các vật liệu sử dụng sẵn có, điển hình tại thị trường trong nước, thân thiện với môi trường, có thể huy động được,...

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu đơn vị Tư vấn thẩm tra cần làm rõ nguyên nhân, lý do khiến suất vốn đầu tư/triệu hành khách của Dự án nêu trên cao hơn các dự án đã so sánh, cũng như những ưu việt và đặc thù khác biệt của dự án đối với các dự án đã so sánh (nếu có).

Siêu dự án sân bay Long Thành được chấp thuận chủ trương đầu tư cách đây 5 năm

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng bày tỏ những băn khoăn liên quan năng lực tài chính triển khai dự án, nhất là trong bối cảnh Covid-19.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án thực hiện theo phương án huy động vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ. Theo đó, phương án nguồn vốn đầu tư các dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay), giá trị đầu tư khoảng 3.176 tỷ đồng, đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) thực hiện đầu tư và quản lý trực tiếp, bao gồm khoảng 1.588 tỷ đồng vốn tự có và 1.588 tỷ đồng vốn vay.

Đối với dự án thành phần 3 là các công trình thiết yếu của cảng hàng không, giá trị đầu tư khoảng 93.088 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với phần vốn tự có là 36.102 tỷ đồng và 56.989 tỷ đồng vốn huy động.

Số tiền rất lớn khiến Bộ Tài chính đặt ra những băn khoăn về năng lực triển khai dự án.

Đồng loạt được giao hàng chục dự án, ACV còn tiền đầu tư Long Thành?

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, ACV đang được giao thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng nâng cấp 21/22 cảng hàng không, nhà ga thuộc phạm vi quản lý, cũng như đang đề xuất dự án xây dựng cảng hàng không Điện Biên khoảng 1.539 tỷ đồng, dự án xây dựng Cảng hàng không Nà Sản với tổng mức đầu tư 2.295 tỷ đồng, dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 11.430 tỷ đồng…

Ngoài ra, VATM đang được giao thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không, nhà ga, đầu tư xây dựng đài kiểm soát không lưu, mua sắm trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay,...

Trong khi đó, kể từ tháng 3/2020 đến nay, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành hàng không nói riêng và có thể sẽ còn ảnh hưởng trong các năm tiếp theo. “Do đó, kết quả sản xuất kinh doanh và việc tích lũy nguồn lực của ACV, VATM giai đoạn 2020-2021 và giai đoạn tới có thể sẽ không đạt được như dự kiến”, Bộ Tài chính quan ngại.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục rà soát kỹ kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư 5 năm giai đoạn 2016-2020 và phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 của ACV, VATM đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt để phân kỳ, cân đối nguồn vốn, nhất là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp để thực hiện dự án.

“Xác định cụ thể số vốn đầu tư mà ACV, VATM sẽ cân đối từng năm trong kế hoạch đầu tư chung của doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, đảm bảo tính khả thi và an toàn tài chính trong trường hợp ACV, VATM được cấp có thẩm quyền quyết định lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án”, Bộ Tài chính góp ý.

Ngoài ra, do đây là dự án có quy mô rất lớn, tính chất phức tạp và tổng mức đầu tư lớn, Bộ Tài chính đề nghị cần rà soát phân tích đánh giá tác động, rủi ro tới tính khả thi của thời gian tiến độ dự kiến hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.

Diện tích đất của dự án Sân bay Long Thành có khoảng 5.000 ha, UBND tỉnh Đồng Nai đang thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 1.810 ha. Bộ Tài chính đề nghị quy định rõ trách nhiệm của địa phương, các chủ đầu tư trong việc tiếp nhận triển khai dự án theo đúng kế hoạch để đảm bảo hiệu quả việc sử dụng đất sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, tránh việc lãng phí tài nguyên trong khi chưa thực hiện dự án.

Lương Bằng

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Sức hút của dự án mặt tiền đại lộ Phạm Văn Đồng nối dài (14/10/2020)

>   Giãi mã vị trí 'giao lộ vàng' của khu đô thị biển Kỳ Co Gateway (13/10/2020)

>   7 dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long (09/10/2020)

>   Nhà đầu tư 'xếp hàng' rót vốn cho dự án sân bay Long Thành (07/10/2020)

>   Du lịch khởi sắc, BĐS nghỉ dưỡng Bình Định tăng tốc đón sóng (07/10/2020)

>   Vũng Tàu bán đấu giá 18 khu đất 'vàng' (06/10/2020)

>   Bất động sản công nghiệp ngày càng hấp dẫn (06/10/2020)

>   Hàng trăm khách hàng tham quan căn hộ mẫu dự án Phuc Dat Tower (06/10/2020)

>   Cấm công chứng mua bán nhà ở xã hội khi chưa đủ 5 năm (05/10/2020)

>   Tổng mức đầu tư sân bay Long Thành giảm 2.500 tỉ đồng (05/10/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật