Tổng mức đầu tư sân bay Long Thành giảm 2.500 tỉ đồng
Hội đồng thẩm định nhà nước vừa hoàn tất việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, khẳng định báo cáo đủ điều kiện trình Thủ tướng phê duyệt.
* Dự án sân bay Long Thành bao giờ được khởi công xây dựng?
* Sân bay Long Thành: Bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 vào ngày 20.10
Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành. Ảnh: ACV
|
Đáng chú ý, trong kết luận của Hội đồng thẩm định, tổng mức đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành đã giảm hơn 2.500 tỉ đồng so với đề xuất ban đầu.
Cụ thể, tổng mức đầu tư trong báo cáo F/S dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lập và Bộ GTVT trình là hơn 111.600 tỉ đồng (tương đương hơn 4,7 tỷ USD), được lập theo các quy định của Nghị định số 32/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hệ thống các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định dự án, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế Nghị định 32/2015, dẫn đến phải điều chỉnh các nội dung chi phí thuộc tổng mức đầu tư dự án.
Hội đồng thẩm định nhà nước đã xem xét tổng mức đầu tư dự án theo các quy định của Nghị định 32 trước đây và yêu cầu Bộ GTVT, ACV chỉ đạo Tư vấn lập báo cáo FS rà soát, tính toán lại tổng mức đầu tư.
Kết quả thẩm tra, tổng mức đầu tư dự án được Tư vấn thẩm tra xác định theo Nghị định 32 là hơn 109.200 tỉ đồng (tương đương hơn 4,67 tỷ USD), giảm hơn 2.400 tỉ đồng (tương đương hơn 109 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu. Nếu áp theo Nghị định 68, con số này là hơn 109.100 tỉ đồng (tương đương 4,67 tỷ USD), giảm hơn 2.500 tỉ đồng (tương đương 114,3 triệu USD).
Báo cáo cho biết, các nguyên nhân chủ yếu làm thay đổi tổng mức đầu tư dự án so với báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ GTVT gồm: chi phí xây dựng giảm 2.222 tỉ đồng, chi phí thiết bị tăng 443 tỉ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án, dự phòng… giảm 677,9 tỉ đồng.
Theo báo cáo, tổng nhu cầu vốn thu xếp để thực hiện đầu tư dự án là 102.489,3 tỉ đồng. Trong đó, dự án thành phần 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước) cần 293,3 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước của các cơ quan chủ quản công trình hoặc huy động vốn đầu tư đầu tư theo PPP trong trường hợp các cơ quan chủ quản công trình không bố trí được vốn.
Dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) thực hiện, cần 3.176 tỉ đồng (trong đó 1.588 tỉ đồng vốn tự có và 1.588 tỉ đồng vốn huy động).
Về thời gian, tiến độ thực hiện, các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư, phân kỳ đầu tư, Hội đồng thẩm định nhà nước cho biết, theo báo cáo F/S, dự kiến thời gian, tiến độ thực hiện từ năm 2020 - 2025 phù hợp với mốc thời gian tối đa theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 94.
Tuy nhiên, kết quả thẩm tra liên danh tư vấn thẩm tra khuyến cáo, dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thời gian hoàn thiện báo cáo F/S và thời gian tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, tổ chức thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu có thể kéo dài hơn so với dự kiến, nên tiến độ dự kiến hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 là khó khăn.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
|
Mai Hà
Thanh niên
|