Những thương vụ thua lỗ "khủng" nhất lịch sử tài chính hiện đại
Giới đầu tư tài chính có câu "Một nhà đầu tư chỉ tài giỏi khi giao dịch gần nhất vẫn có lãi". Những khoản lỗ có thể xuất phát từ rủi ro quá bất ngờ hay kém may mắn, nhưng những khoản lỗ tỷ USD luôn xuất phát từ những quyết định sai lầm.
"CÁ VOI LUÂN ĐÔN" VÀ THUA LỖ 2 TỶ USD
Tháng 5/2012 Ngân hàng JP Morgan Chase gây sốc thị trường tài chính thế giới khi công bố thương vụ đầu cơ thua lỗ tới 2 tỷ USD. Thương vụ này do trader Bruno Iksil có bí danh "Cá voi Luân Đôn" (London Whale) thực hiện Short một khối lượng khổng lồ các CDS (Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng) khi đánh cược vào các trái phiếu chất lượng cao (investment-grade bonds) do các doanh nghiệp Mỹ phát hành sẽ không mất giá.
Bruno Iksil lạc quan về triển vọng của các trái phiếu chất lượng cao vốn đang được JP Morgan nắm giữ cho chính mình hoặc nhân danh khách hàng. Ngoài ra JP Morgan cũng nắm giữ rất nhiều "trái phiếu rác" (junk bonds) là những trái phiếu do các doanh nghiệp chất lượng tài chính tồi tệ phát hành và có nguy cơ phá sản cao. Logic là để phòng vệ cho khối lượng trái phiếu rác, cách tốt nhất là đặt cược vào các trái phiếu chất lượng cao. Trader này nghĩ rằng các trái phiếu chất lượng cao là an toàn và các doanh nghiệp phát hành sẽ không bao giờ phá sản.
Để đặt cược, Bruno Iksil quan tâm tới một chỉ số là Markit CDX North America Investment Grade Index được xây dựng bằng tập hợp tới 121 loại trái phiếu chất lượng cao, bao gồm các trái phiếu do các công ty khổng lồ như Burlington Northern Santa Fe, CBS đến Fannie Mae và Freddie Mac. Công cụ mà Bruno Iksil sử dụng để đặt cược là CDS – hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng mà người nắm giữ nó sẽ được trả tiền bảo hiểm nếu trái phiếu trở nên vô giá trị do doanh nghiệp phát hành vỡ nợ. CDS khi đó đang tăng giá do thị trường lo sợ rủi ro phá sản.
Bruno Iksil không nghĩ rằng các doanh nghiệp khổng lồ có tiềm lực tài chính hùng mạnh sẽ phá sản, do đó đã Short một khối lượng khổng lồ các CDS, mà theo báo cáo có thể lên tới 100 tỷ USD. Tuy nhiên khủng hoảng tài chính lan sang châu Âu và vị thế quá lớn khiến giao dịch của Bruno Iksil thua lỗ tới 2 tỷ USD khi JP Morgan chấp nhận cắt lỗ.
KWEKU ADOBOLI: TÚNG QUÁ LÀM LIỀU
Tháng 9/2011 ngân hàng UBS của Thụy Sỹ thông báo một khoản thua lỗ trị giá hơn 2 tỷ USD. Khoản thua lỗ này liên quan đến các giao dịch và gian lận của Kweku Adoboli, một trader làm việc tại Bộ phận giao dịch cổ phiếu toàn cầu của UBS chi nhánh Luân Đôn.
Kweku Adoboli gia nhập bộ phận này từ tháng 9/2006. Năm 2008 trader này thực hiện giao dịch vượt hạn mức quy định (tối đa 100 triệu USD đối với hoạt động đầu cơ trong ngày – day trading). Để vượt qua bộ phận giám sát nội bộ, Kweku Adoboli thực hiện giả mạo giao dịch. Mọi việc trót lọt đến năm 2011 khi khủng hoảng tài chính lan sang châu Âu và các giao dịch "ảo" của trader này đẩy vị thế nắm giữ vượt hạng mức 1 tỷ USD. Tháng 6/2011 UBS thực hiện một cuộc điều tra nội bộ và đến tháng 9/2011, Kweku Adoboli đã thừa nhận hoạt động gian lận, làm giả sổ sách. UBS phát hiện đến giữa tháng 9/2011, các giao dịch của Adoboli được báo cáo rủi ro chỉ là 1,5 triệu USD nhưng thực tế lên tới 8,1 tỷ USD. Trader này cũng thừa nhận bắt đầu giả mạo sổ sách từ năm 2008 sau khi các giao dịch của mình thua lỗ 400.000 USD. Cho đến khi bị phát hiện, tổng thiệt hại mà Kweku Adoboli gây ra thông qua các giao dịch đươc che dấu và giả mạo lên tới 2,3 tỷ USD.
Không có diễn giải chi tiết về các giao dịch gây thua lỗ khổng lồ của Kweku Adoboli, nhưng trader này là giám đốc bàn giao dịch ETF và thực hiện chiến lược giao dịch được gọi là Delta One. Đây là chiến lược giao dịch đòi hỏi các vị thế buộc phải được phòng vệ để bù trừ rủi ro (one-to-one hedge) và chỉ hưởng lợi từ các chênh lệch giá rất nhỏ (arbitrage). Vì vậy quan điểm của nhiều trader cho rằng Kweku Adoboli đã phạm sai lầm khi không thực hiện phòng vệ trong các giao dịch khiến các giao dịch này từ chỗ gần như phi rủi ro trở thành các giao dịch đầu cơ thuần túy.
JEROME KERVIEL: CHE DẤU LÃI BIẾN THÀNH THƯƠNG VỤ LỖ 7,2 TỶ USD
Jerome Kerviel chỉ là một nhà giao dịch phái sinh cấp thấp (junior derivatives trader) của ngân hàng lớn nhất châu Âu Société Générale. Nhiệm vụ của trader này là thực hiện các giao dịch arbitrage. Chiến lược giao dịch này đòi hỏi phải có các vị thế đối ứng để phòng vệ bù trừ rủi ro. Vì mức chệnh lệch thường nhỏ nên quy mô vị thế của giao dịch phải rất lớn để kiếm được nhiều lợi nhuận.
Tuy nhiên Jerome Kerviel suốt cả năm 2007 lại chỉ thực hiện đặt cược một chiều, tức là không thực hiện phòng vệ, hoặc phòng vệ một nửa vị thế. Chiến lược này hóa ra lại thành công, đem lại lợi nhuận tới 2 tỷ USD. Để vượt mặt hệ thống giám sát của Société Générale và hợp lý hóa các giao dịch, Jerome Kerviel đã giả mạo các giao dịch phòng vệ thông qua các tài khoản ảo cũng như cẩn thận làm mới vị thế liên tục trong thời gian 2-3 ngày, trước khi hệ thống giám sát kiểm tra số liệu. Vì vậy ngân hàng vẫn tưởng rằng Jerome Kerviel đang thực hiện các giao dịch rủi ro thấp, trong khi thực tế đó là các thương vụ đầu cơ một chiều.
Đến đầu năm 2008, Société Générale bắt đầu nghi ngờ và Jerome Kerviel lo sợ các giao dịch vi phạm quy định sẽ bị phát giác dù chúng đem lại lợi nhuận. Trader này vội vã mở hàng loạt các vị thế với quy mô khổng lồ: Kerviel thực hiện Long 30 tỷ euro giá trị danh nghĩa của hợp đồng tương lai chỉ số Eurostoxx pan, 18 tỷ euro hợp đồng tương lai chỉ số DAX của Đức, 2 tỷ euro các hợp đồng tương lai FTSE. Điều hài hước là các giao dịch nói trên được thực hiện nhằm mục đích thua lỗ để che dấu khoản lãi 2 tỷ USD của các giao dịch vi phạm trước đó. Đó là lý do tại sao Jerome Kerviel thực hiện Long các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán – một chiến lược kỳ vọng giá lên – trong khi cả châu Âu lo sợ khủng hoảng tài chính sẽ lan tới.
Cuối tháng 1/2008, bộ phận giám sát rủi ro của Société Générale phát hiện các giao dịch đã không được phòng vệ và thực hiện kiểm tra. Tới lúc đó tổng quy mô các vị thế Long của Jerome Kerviel đã vượt qua con số 73 tỷ USD và đã thua lỗ 1,4 tỷ USD. Trader này ngay lập tức bị đuổi việc, nhưng ngân hàng vẫn phải đối mặt với quyết định xử lý vị thế khổng lồ nói trên. Société Générale cuối cùng đã thực hiện bán tống bán tháo vị thế khổng lồ này và đến khi thoát ra được, mức lỗ lên tới 7,2 tỷ USD.
HOWIE HUBLER: ĐẶT NIỀM TIN VÀO XẾP HẠNG VÀ KHOẢN LỖ 9 TỶ USD
Cuộc khủng hoảng dưới chuẩn năm 2008 khiến rất nhiền ngân hàng đầu tư, quỹ phòng hộ thua lỗ và các chi tiết giao dịch dẫn đến thua lỗ phần lớn được chôn chặt trong các con số khổng lồ. Tuy nhiên Howie Hubler trở nên nổi tiếng khi Michael Lewis viết cuốn "The Big Short" như một ví dụ các nhà giao dịch thông minh nhất cũng có thể sai lầm khi đặt niềm tin vào các công ty xếp hạng tín nhiệm.
Hubler gia nhập Morgan Stanley cuối những năm 90 và trở thành nhà giao dịch trái phiếu. Khi các khoản vay mua nhà được chứng khoán hóa (MBS), Morgan Stanley cũng như nhiều ngân hàng đầu tư khác trở thành cỗ máy sản xuất các sản phẩm này. Đầu vào của sản phẩm là những khoản vay mua nhà của cá nhân được tập hợp lại và biến thành trái phiếu, sau đó đem bán cho các tổ chức đầu tư. Bộ phận giao dịch của Hubler cực kỳ thành công trong hoạt động mua bán này, thậm chí chỉ 8 tay giao dịch đã từng đóng góp tới 20% lợi nhuận của Morgan Stanley.
Hubler từ rất sớm đã nhận ra rằng tồn tại một chút rủi ro giữa thời gian Morgan Stanley đóng gói các trái phiếu cho tới khi bán được cho các nhà đầu tư khác. Các khoản vay có thể trở nên xấu đi khi người đi vay không trả lãi suất đúng hạn. Do đó Hubler đã mua các hợp đồng hoán đổi rủi ro CDS để bảo hiểm cho các trái phiếu dưới chuẩn chất lượng thấp.
Tuy nhiên để có tiền mua các CDS này, Hubler lại thực hiện bán CDS cho các trái phiếu MBS được xếp hạng AAA. Lý do là các trái phiếu được xếp hạng cao được xem là phi rủi ro giống như trái phiếu chính phủ. Hạn chế lớn nhất là lãi suất của các CDS cho MBS hạng AAA thấp hơn CDS của các trái phiếu dưới chuẩn. Do đó khối lượng bán CDS cho MBS hạng AAA phải lớn hơn để cân đối được chi phí. Đến tháng 1/2007 Hubler đã bán tới 16 tỷ USD giá trị các CDS cho MBS hạng AAA trong khi mua 2 tỷ USD các CDS cho MBS dưới chuẩn.
Khi khủng hoảng dưới chuẩn bùng nổ và nhất là New Century, công ty cho vay dưới chuẩn lớn nhất nước Mỹ phá sản, các MBS hạng AAA cũng sụp đổ không khác gì các MBS thứ hạng thấp hơn. Các giao dịch của Hubler sau khi được giải phóng đã đem lại khoản lỗ 9 tỷ USD cho Morgan Stanley.
Nguyên Hà
VnEconomy
|