Nhịp đập Thị trường 22/10: Đảo ngược tình thế hoàn toàn
Thật may VN-Index đã tăng trong phiên chiều, mà còn tăng mạnh nữa. Thực tế có đôi lúc đà tăng của chỉ số gặp lực cản, nhưng kể từ sau 14g15 thì “thuận buồm xuôi gió”. Diễn biến phiên chiều đảo ngược hoàn toàn so với phiên sáng. Large Cap nhóm VN30 là những cổ phiếu đã đẩy thốc chỉ số lên, trong đó ấn tượng nhất là những mã như BVH, CTG, MWG, VIC.
Diễn biến chiều này có thể nói là khá bất ngờ. Thông tin chứng khoán quốc tế cho thấy các chỉ số future Mỹ vẫn đang giảm, đa số sàn châu Âu đều đỏ quạch. Trong nước cũng không có tin vĩ mô tích cực, khối ngoại vẫn bán ròng như “thường lệ”, tin tức được coi là có tính ảnh hưởng lớn là lượng margin “tồn dư” đến mức kỷ lục 66,000 tỷ đồng cuối quý 3, tưởng dọa được nhà đầu tư, nhưng xem ra lại có tác dụng ngược trong phiên chiều nay.
Khối ngoại bán mạnh chiều nay. Trên các mã lớn, họ bán ra khối lượng lớn trên nhiều mã như VHM, VNM, HPG, VRE, VIC, CTG, MSN… 1 số mã Mid Cap cũng bị bán mạnh như KDH, HSG. HOSE chưa ra thống kê chính thức, nhưng có lẽ hôm nay sẽ là phiên thứ 21 họ bán ròng liên tục.
Tâm lý hưng phấn được nâng lên theo cùng nhịp tăng của chỉ số. 2 chỉ số nhóm Mid và Small Cap sàn HOSE dù tăng chậm hơn chỉ số chính, nhưng rõ ràng là đồng nhịp. Sàn HOSE cuối ngày có 244 mã tăng giá, gấp gần 2.5 lần so với chính số tăng giá phiên sáng, và chỉ còn có hơn 150 mã giảm giá.
Mặc dù hưng phấn dâng cao ở HOSE, nhưng tình hình chiều nay trên HNX có vẻ lặng. chỉ số HNX-Index hầu như đi ngang bên trên tham chiếu. ACB vẫn tăng giá hơn 1.5% nhưng cổ phiếu này vốn đã kéo chỉ số từ phiên sáng, nên đến chiều, chỉ số phải nhờ đến những mã khác như PVS, VCG, SHS… một số Large Cap khác sàn này lại có kết quả hơi tiêu cực so với phiên sáng, ví dụ như SHB, PVI. NTP giảm nhẹ dù ra tin quý 3 tốt.
MPC giảm 8.4% vào lúc đóng cửa cuối ngày do gặp tin xấu (tin gốc ra ngày 14), như vậy cổ phiếu này đã giảm khoảng 15% so với mặt bằng giá 31,000 đ/cp hồi đầu tháng này. Diễn biến trong phiên chiều cho thấy dường như đã có người sớm muốn bắt đáy, nhưng có vẻ mua giờ còn sớm qua.
Diễn biến trên MPC không phản ánh thực tế trên UPCoM. Chỉ số sàn này cũng đã có cú hồi trên phiên chiều, tiếc thay là không kịp về tham chiếu đúng giờ. Những Large Cap giúp chỉ số hồi được kể đến như là VGI, FOX, MCH… hay cả ACV, về tham chiếu trong phiên phiên sáng giảm hơn 2%. Đó là chưa nói đến 19 mã tăng trần khác.
Nhìn từ góc độ nhóm ngành, rõ ràng đa số đều cải thiện và tích cực hơn hẳn so với phiên sáng, từ nhóm lớn như ngân hàng, BĐS dân dụng, dầu khí, đến các nhóm nhỏ hơn như thực phẩm, bán lẻ, dệt may, bảo hiểm… tuy nhiên vẫn có số ít nhóm sắc đỏ chiếm đa số, như chứng khoán, nhựa gia dụng…
Dù còn phân hóa, nhưng rõ ràng nhóm ngân hàng đã có kết quả đẹp hơn nhiều so với cuối phiên sáng. VCB, BID đã tăng trở lại, CTG thậm chí còn tăng đến 3.1%. Nhiều ngân hàng nhỏ hơn cũng quay đầu tăng giá. cuối phiên chiều chỉ còn ít mã giảm như HDB, NVB, BVB… đáng tiếc nhất có lẽ là SHB.
Sáng đã tốt, chiều còn tốt hơn, đó là nói về cổ phiếu BĐS công nghiệp. VRG và HPI đều nâng đà tăng lên gần 15%. SNZ và nhiều mã khác cũng nâng đà tăng, dù ít hơn. chỉ có 1 số hiếm cổ phiếu nhóm này giảm giá như VGC hay SZC.
Phiên sáng: VN-Index lại hy vọng khoác áo xanh trong phiên chiều
VN-Index lại được kéo lên trong hơn 30 phút cuối phiên sáng nay, với sự hậu thuẫn từ những Large Cap như MWG, MSN, VHM, FPT. Chỉ số nhóm VN30 có thời điểm còn đổi sang màu xanh trước khi tạm dừng nghỉ trưa ở dưới tham chiếu có 0.86 điểm. Hy vọng chỉ số khoác áo xanh lại được nhen lên trong phiên chiều nay, bất chấp có hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng hay không.
HNX-Index tuy chịu tác động từ VN-Index, nhưng nhờ có đột biến từ ACB, nên cũng có diễn biến tích cực hơn, cụ thể là chỉ số này giữ nguyên sắc xanh trong ¾ thời gian sau của phiên sáng nay. ngoài ACB, cũng phải kể tên một số Large Cap khác của sàn HNX có kết quả tích cực như VCG, VCS, PVI hay IDC, nhưng LAS vẫn là mã tăng tốt nhất.
Nhóm VN30 cuối phiên sáng có 20 mã giảm giá, so với chỉ 8 mã tăng, chênh lệch đó về lý sẽ kéo VN30-Index và cả VN-Index giảm sâu, tuy nhiên may mắn thay trong số tăng giá đó có VHM, MSN, CTG, MWG… vốn là những mã khủng nhất sàn HOSE.
UPCoM-Index vẫn có diễn biến tệ nhất so với 2 chỉ số niêm yết, phần lớn do nhiều largecap đồng loạt giảm sâu, bao gồm ACV, VTP, CTR, MCH… SNZ, MML và QNS là số ít tăng giá, nhưng không đủ sức “cân” nhóm giảm kia.
BĐS công nghiệp có lẽ nhóm ngành tốt nhất sáng nay, vì hàng loạt mã trong nhóm tăng giá cho đến cuối phiên như HPI, VRG, IDC, IDV, ITA, NTC, SIP… SNZ tăng hơn 2% giúp những ai bắt đáy hôm qua vững tin hơn vào khả năng lời sau T3.
ACB kéo lên 26 ngàn đồng ngay sau khi có tin liên quan đến doanh nghiệp, tuy nhiên sau đó cổ phiếu này lại lùi 1 chút, giằng co quang 25,8 ngàn đồng/cp. Dù vậy, tính từ đầu tháng đến nay, ACB đã tăng giá hơn 12%. Thậm chí kéo dài chuỗi tăng giá từ đầu tháng 9 đến nay, một cách chậm mà chắc. trong nhóm ngân hàng gần đây, ACB có thể không nổi bằng TCB, VPB hay CTG, nhưng xét về mức tăng giá ổn định thì đến giờ là hơn hẳn.
PVI bất ngờ tăng giá trong phiên sáng nay, góp phần đỡ HNX-Index, và cũng góp phần giúp mang lại cân bằng trong nhóm bảo hiểm. Vốn là nhóm ngành có kết quả bán niên tích cực, nhưng cho đến lúc này, bảo hiểm lại khá kín tiếng trong việc ra kết quả quý 3. Sáng nay ngoài PVI tăng giá, còn có BMI, tuy nhiên BIC, PGI lại cũng giảm hơn 2%.
Thủy sản cá tra cũng là nhóm ngành tạm coi là có diễn biến tích cực sáng nay, với một số mã tăng khá như TS4, IDI, ACL. Đa số mã khác đứng giá, nhưng đầu “thuyền” là VHC lại đang giảm gần 1.2%.
11h: ACB có biến, nhưng nhóm ngân hàng vẫn chìm trong sắc đỏ
HNX-Index đột nhiên tăng mạnh sau khoảng 10h, vọt lên trên 141 điểm, tức cao hơn tham chiếu gần 2 điểm, nguyên nhân chính là ACB tăng giá. Tuy nhiên đến lúc này HNX-Index lại đành chạy theo VN-Index, khi chỉ số quan trọng nhất của sàn chứng Việt tiếp tục lặn sau xuống dưới tham chiếu (hiện thấp hơn 4 điểm). Còn may, chỉ số chính sàn HNX còn cao hơn tham chiếu… 0.4 điểm.
VN-Index suy giảm, hơn 60% cổ phiếu sàn HOSE giảm giá, nhưng vẫn có không ít Largec Cap đang gồng đỡ như MSN, MWG, VHM, VIC, FPT…
Nhóm ngân hàng đã có khoảng thời gian ngắn muốn đảo ngược tình thế, khi 1 loạt cổ phiếu như CTG, STB, TCB, VIB… chuyển từ sắc đỏ sang xanh. VPB thì vốn tăng từ sớm. Tuy nhiên đến lúc này nhóm ngân hàng lại cùng chìm vào sắc đỏ lần nữa, chỉ có ACB, EIB và cổ phiếu mới lên UPCoM là SGB tăng giá, trong đó ACB có thông tin riêng về doanh nghiệp. VPB cũng vừa quay đầu giảm 100 đồng. Lưu ý, ngân hàng cũng đang là nhóm có nhiều doanh nghiệp ra tin sớm về kết quả quý 3, trong đó tốt xấu đan xen.
CSV vẫn dư mua trần phiên thứ 2 liên tiếp, dù đã có lúc bên cung bung hàng ra nhanh và gấp nên giá lùi 1 chút. Tuy vậy CSV không phải là cổ phiếu đi ngược đáng chú ý nhất sáng nay. Thay vào đó là TTE, một cổ phiếu khác cũng niêm yết trên sàn HOSE, nhưng đã tăng trần phiên thứ 6 liên tiếp, trong tình trạng thannh khoản rất kém.
Dù thị trường đỏ lòe, nhưng nhóm BĐS công nghiệp vẫn có 2 mã tăng giá hơn 10% là VRG và HPI. Số lượng cổ phiếu tăng giá cũng đang áp đảo số giảm giá. SNZ đã nâng đà tăng lên hơn 2%, nhưng KBC đã quay đầu giảm giá.
Giá cao su giao dịch trên thị trường Nhật đang lên mức cao nhất 3 năm, thông tin này tưởng chừng sẽ thúc cổ phiếu họ cao su trên 3 sàn. Tuy nhiên sáng nay nhóm này cũng không có động thái nào tích cực. Ngược lại 2/3 cổ phiếu săm lốp là DRC và SRC lại đang giảm giá.
Mở cửa: Large Cap vẫn đang gồng đỡ VN-Index
VN-Index mở cửa giảm nhẹ 1 điểm, tuy nhiên tình hình có thể còn xấu hơn trong những phút tới, nguyên do là số cổ phiếu giảm giá trên HOSE tại thời điểm ATO đã nhiều gần gấp 2 lần số cổ phiếu tăng giá, kể cả trong nhóm VN30, nhưng chỉ số chỉ giảm nhẹ nhờ vào 1 số mã vốn hóa lớn đứng giá như GAS, FPT hay thậm chí tăng như SAB, PLX… có vẻ như cổ phiếu largecap vẫn đang cố gồng đỡ chỉ số tại vùng gần 940 điểm này.
Nhóm ngân hàng mở cửa ngập trong sắc đỏ, có lẽ một phần do có thông tin VCB giảm lãi trong quý 3. Tuy nhiên mức giảm giá nhìn chung rất nhẹ nhàng, bản thân cổ phiếu VCB cũng chỉ giảm 100 đồng tại ATO. VPB vẫn ngôi sao sáng trong nhóm, khi mở cửa tăng 200 đồng.
HNX-Index có lẽ chịu tác động từ HOSE, nhưng mức giảm điểm cũng vô cùng nhẹ nhờ 2 đại gia ngân hàng ACB đứng giá và SHB tăng 100 đồng. trong danh mục Large Cap sàn này, LAS đang nổi lên là ngôi sao sáng khi tiếp tục tăng giá sau phiên tăng trần chiều qua.
Chỉ số chính sàn UPCoM giảm sâu hơn 2 chỉ số sàn niêm yết do có nhiều Large Cap suy giảm, bao gồm MML, ACV, VTP…
GAS đứng giá tại ATO là điều cũng khá bất ngờ khi có thông tin doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận quý 3. Nhiều cổ phiếu khác nhà PVN cũng đứng giá như PVS, DCM, DPM, OIL.
VRG lại gây chú ý khi tăng ngay đến 12% lên 25 ngàn đồng/cp từ sớm. Nhóm BĐS công nghiệp sau những phiên suy giảm thì nay có vẻ như đang được bắt đáy, ví dụ như diễn biến ở họ Sonadezi, LHG. KBC và ITA tăng nhẹ từ sớm.
CSV đang bắt đầu phiên thứ 2 tăng trần liên tiếp sau khi “ra tin” giá thoái vốn nhà nước cao gấp 4 lần thị giá. Điểm thú vị của cổ phiếu này là giá thoái được cho là kết quả định giá của 1 công ty thẩm định giá chuyên nghiệp, chứ không phải “duy ý chí” theo kiểu nhà nước bán nên giá phải cao.
VIS là công ty thép mới nhất tuyên bố có lãi trong quý 3, sau SMC. Có vẻ như ngành tôn thép 9 tháng đầu năm nay hưởng thiên thời, cụ thể là nhờ nhu cầu đầu tư công tăng đột biến vì Covid-19. Tuy nhiên sáng nay cổ phiếu này chưa có khớp lệnh nào tại ATO.
Hoàng Nam
FILI
|