Thứ Bảy, 31/10/2020 10:46

Nhiều quỹ đầu tư tìm doanh nghiệp Việt rót vốn

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể qua được

Ngày 30-10, đại diện gần 300 doanh nghiệp (DN) và khoảng 17 ngân hàng (NH), quỹ đầu tư đã tham dự hội thảo "Hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức, để kết nối, tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu về vốn.

Theo ITPC và USAID, có rất nhiều cơ hội để DN mở rộng kết nối với các quỹ đầu tư, NH cả trong và ngoài nước..., giúp việc tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Khi bài toán về vốn được tháo gỡ, DN sẽ tự tin hơn để duy trì, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Bà Tina Phan, Giám đốc khu vực Đông Dương - Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết có rất nhiều kênh, nhiều cách để DN tiếp cận các dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Chẳng hạn, Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông là cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư sẵn sàng kết nối DN Việt với các nhà đầu tư nước ngoài.

"Hồng Kông đang có một chương trình tìm nguồn hàng vào mùa thu. Hiện các chuỗi cung ứng, hậu cần đang bị tắc nghẽn do dịch bệnh, DN không thể ra nước ngoài tìm kiếm nguồn hàng nên sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến và DN Việt có thể tham gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dự án..." - bà Tina Phan gợi ý.

Nhiều quỹ đầu tư tìm doanh nghiệp Việt rót vốn - Ảnh 1.
Đại diện các doanh nghiệp và ngân hàng trao đổi thông tin về các chương trình vay vốn bên lề hội thảo

Theo ông Phan Thanh Lộc, Giám đốc điều hành Công ty Vietnam Investment Group (VIG), dù dịch Covid-19 khiến hoạt động đầu tư bị gián đoạn nhưng không ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư lâu dài ở Việt Nam. VIG đang có một quỹ khoảng 600 triệu USD chọn đầu tư vào những DN tiềm năng, có khả năng phát triển bùng nổ. Ngoài việc mang theo dòng vốn đầu tư, quỹ sẵn sàng hỗ trợ về chiến lược, cử nhân sự đồng hành cùng DN.

"Chúng tôi tập trung vào những DN có khả năng phát triển lâu dài, ổn định, có chiến lược bài bản, sau đó quỹ sẽ hỗ trợ gia tăng thị phần, sinh lời. Có điều, phần lớn DN Việt chỉ quan tâm khi được gọi vốn, sau đó tiền rót về thì... quên những cam kết trước đây với nhà đầu tư. Quỹ đầu tư đã chấp nhận rủi ro bỏ tiền và không cần tài sản bảo đảm nên rất mong muốn cùng đồng hành phát triển với DN" - ông Phan Thanh Lộc chia sẻ.

Ông Alex Downs, chuyên viên đầu tư Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD), cho hay DFCD đang có khoảng 160 triệu USD để đầu tư vào các DN. Với thị trường Việt Nam, quỹ quan tâm vào những DN có dự án tốt liên quan khả năng chống chịu, biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. DN có thể được hỗ trợ, tư vấn giúp tiếp cận vốn hoặc DFCD sẽ cùng NH thương mại, định chế tài chính khác đầu tư tạo ra giá trị lớn hơn cho cộng đồng DN...

"Đang có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa thể qua được. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới" - ông Jack Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mazars Việt Nam, nhấn mạnh.

Dù vậy, một trong những vướng mắc với nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu DN Việt Nam là họ thấy những công ty có sổ sách, báo cáo tài chính chưa theo chuẩn quốc tế hay có tới 2-3 sổ sách kế toán. Mazars Việt Nam sẽ hỗ trợ DN làm báo cáo theo tiêu chuẩn để nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư quan tâm xúc tiến những bước tiếp theo trong quá trình gọi vốn.

"Nhiều DN Việt có tâm lý gọi vốn xong rồi không tập trung phát triển nữa. Còn với nhà đầu tư ngoại, khi rót hàng triệu USD, họ sẽ đi kèm điều kiện phải đạt yêu cầu về lợi nhuận, doanh thu, mở chuỗi... Nếu đạt mới rót thêm tiền, còn không sẽ có nguy cơ bị đổi giám đốc điều hành hoặc nhà đầu tư ngoại cử người tham gia hội đồng quản trị DN để can thiệp" - ông Jack Nguyễn lưu ý.

Phải minh bạch về thuế, kế toán

Dưới góc độ DN thương mại, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng DN - NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), cho rằng để tiếp cận vốn, DN cần có phương án kinh doanh tốt và giúp NH "bớt mang tiếng" là đòi tài sản bảo đảm. Phương án kinh doanh hiệu quả, minh bạch thông tin về tài chính từ báo cáo thuế, báo cáo kiểm toán, chất lượng quản trị kinh doanh, nguồn nhân lực... là những yếu tố để NH xem xét cho vay, bên cạnh tài sản bảo đảm.

Đặc biệt, trong xu hướng hội nhập và DN tham gia kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng cho tập đoàn đa quốc gia hiện nay cũng là giải pháp giúp DN vay vốn dễ hơn. Nếu là nhà cung cấp cho các nhãn hàng lớn của nước ngoài, NH có thể xem hợp đồng đầu tư, những khoản phải thu đã hình thành là phương án kinh doanh hiệu quả và xem xét cho vay. "NH không thể cho vay với một DN có vài sổ sách về thuế, kiểm toán hoặc không hiểu rõ tình hình tài chính" - ông Trần Hoài Phương giải thích.

THÁI PHƯƠNG

Người lao động

Các tin tức khác

>   Chi phí không chính thức vẫn đeo đẳng doanh nghiệp (31/10/2020)

>   Đừng phá rừng, ngăn sông thì đâu đến nỗi (30/10/2020)

>   Kiều bào hiến kế lập tổ hợp tín dụng 300.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp (30/10/2020)

>   Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng 321.529 tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch (30/10/2020)

>   Tham vọng tăng doanh nghiệp tư nhân vốn tỉ USD (30/10/2020)

>   Bộ GTVT cấp giấy phép bay cho hãng hàng không Vietravel Airlines (29/10/2020)

>   Vietravel nói gì sau khi bị 'nghi ngại' về năng lực tài chính hãng bay? (29/10/2020)

>   Hơn 110,000 doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng 2020 (29/10/2020)

>   Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 2.4% so với tháng trước (29/10/2020)

>   10 tháng năm 2020 xuất siêu kỷ lục 18.72 tỷ USD (29/10/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật