Dù thủ tục và thời gian đăng ký kinh doanh đã được giảm đáng kể nhưng gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký doanh nghiệp” vẫn cao, dẫn đến những chi phí không chính thức trong việc gia nhập thị trường với doanh nghiệp hiện còn nhiều.
Chi phí không chính thức vẫn còn đeo đẳng với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Ảnh minh họa: Lê Hoàng
|
Thông tin này được ghi nhận tại Hội nghị "Cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia" do Bộ Tư pháp tổ chức vào ngày 30-10 tại TPHCM.
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng hiện nay cải cách thủ tục hành chính cần tập trung giảm thiểu gánh nặng “hậu đăng ký” kinh doanh bởi lẽ chi phí hành chính để doanh nghiệp gia nhập thị trường theo khảo sát là vẫn cao.
Cụ thể theo khảo sát của VCCI trong Điều tra Chỉ số Năng lực trạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhiều doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ còn gặp khó khăn khi xin một số loại giấy phép, chứng nhận,... để được hoạt động trong một số ngành nghề kinh doanh.
Ông Thạch dẫn chứng rằng có đến 33% số doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện; 32% số doanh nghiệp gặp khó khăn về xin giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy; và 27% gặp khó về giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy,...
Đáng chú ý, phản ánh của doanh nghiệp còn cho thấy thời gian chờ hoàn tất các thủ tục hành chính cần thiết để chính thức được đi vào hoạt động còn kéo dài và có chiều hướng gia tăng. Cụ thể như năm 2014, có 10% số doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng hoàn thành thủ tục thì đến năm 2019 con số này tăng lên 17% số doanh nghiệp.
Tương tự, số doanh nghiệp phải chờ đợi thủ tục trên 3 tháng của năm 2014 chỉ là 2% thì liên tiếp trong ba năm vừa qua con số doanh nghiệp chờ đời trong khoảng thời gian trên 90 ngày lên đến 3%.
Theo ông Thạch, có một số thủ tục hành chính không những không giảm mà theo phản ánh của doanh nghiệp còn cho thấy khó khăn phức tạp hơn, dẫn đến tỷ lệ doanh nghiệp chi trả thêm chi phí không chính thức để đẩy nhanh công việc tăng lên.
Đơn cử như việc thực hiện thủ tục đất đai, nếu như năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời chi trả thêm chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đất đai là 32% thì năm vừa qua tỷ lệ này tăng lên đến 36% vào năm vừa rồi.
Một điểm đáng chú ý khác mà đa số doanh nghiệp lo lắng và phản ánh là khả năng dự liệu trong xây dựng văn bản chính sách, pháp luật của trung ương và các địa phương thấp để có thể ứng phó.
Tóm lại dù phần nào đã cải thiện nhưng theo ông Thạch, khảo sát năm 2019 cho thấy hơn một nửa (53,6%) các doanh nghiệp cùng ngành cho rằng họ thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức khi gia nhập thị trường.
Ông Phạm Ngọc Thạch trình bày tại hội nghị. Ảnh: Hùng Lê
|
Theo giới phân tích, chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi quy định pháp luật, tạo thành gánh nặng rất lớn với doanh nghiệp, dẫn đến kém cạnh tranh, thậm chí mất cơ hội kinh doanh.
Trước đó, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đã chỉ ra năm loại chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả trong quá trình hoạt động, bao gồm: thủ tục hành chính; đầu tư; phí và lệ phí; cơ hội và chi phí không chính thức. Trong đó, CIEM cho rằng chi phí cơ hội kinh doanh và chi phí không chính thức rất khó tính toán nhưng diễn ra khá phổ biến.
Các nhà phân tích kinh tế cho rằng chi phí tuân thủ pháp luật của không ít lĩnh vực hiện nay thực sự là “gánh nặng” đối với không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế.
Theo Nghị quyết 02/2019/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm để nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là B1).
Tại hội nghị, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp, cũng cho rằng dù thứ hạng chỉ số B1 năm 2019 của Việt Nam đã có bước tiến xa so với năm 2018, nhưng về điểm số này thì theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vẫn còn khiêm tốn.
Cụ thể điểm số này của Việt Nam theo đánh giá của WEF mới chỉ đạt 3,4/7 điểm (tương ứng 39,8/100), tức là chưa đạt được mức trung bình trên thang điểm 7 (3,5/7) theo đánh giá của WEF và nằm trong số 69/141 quốc gia có điểm số chỉ số B1 dưới điểm trung bình trên thang điểm 7.
Do đó, mục đích tổ chức Hội nghị là nhằm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp từ đó hướng đến mục tiêu cải thiện điểm số và thứ hạng chỉ số B1, cải thiện điểm số và thứ hạng của trụ cột thể chế và cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong các xếp hạng của WEF.
Nội dung của Hội nghị tập trung nghe các chuyên gia phân tích, đánh giá về phương thức cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật; lắng nghe kinh nghiệm, trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, cải thiện điểm số, nâng cao xếp hạng chỉ số B1 của một số Bộ, ngành, địa phương.
Chi phí tuân thủ pháp luật (TTPL) được hiểu là các chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật gồm: Chi phí hành chính; chi phí đầu tư để tuân thủ quy định; phí, lệ phí; chi phí rủi ro pháp lý (nếu có); chi phí không chính thức.
Chỉ số chi phí TTPL (gọi tắt là chỉ số B1) là một trong những chỉ số nằm trong mục Quản trị theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) được thể hiện thông qua chỉ số: “Burden of government regulation”. Chỉ số B1 có thể được hiểu là chỉ số tổng hợp ý kiến cảm nhận (thông qua trả lời câu hỏi khảo sát) về mức độ tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tuân thủ những quy định của pháp luật.
|