Lo "lạm phát" sân bay
Nhiều địa phương đề xuất bổ sung sân bay vào quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc làm dấy lên lo ngại "lạm phát" sân bay trong khi chỉ 6/22 sân bay của Việt Nam có lãi.
Văn phòng Chính phủ vừa chuyển Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét giải quyết theo thẩm quyền đối với đề xuất của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc bổ sung lập quy hoạch cảng hàng không dân dụng Thành Sơn.
Thực sự có nhu cầu?
Sân bay Thành Sơn hay căn cứ không quân Phan Rang là sân bay quân sự cấp 1, nằm ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch sân bay Thành Sơn thành cảng hàng không kết hợp phục vụ quân sự và dân dụng.
Ninh Thuận chỉ là một trong số nhiều tỉnh thời gian qua đã đề xuất thay đổi công năng sân bay quân sự thành dân dụng hoặc xây mới sân bay.
Tân Sơn Nhất là một trong số ít cảng hàng không hoạt động có lãi tính đến năm 2019 .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có Công văn đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo tư vấn, lập bổ sung quy hoạch cảng hàng không quốc tế Hà Tĩnh vào Quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị Thủ tướng, Bộ GTVT đưa sân bay Cao Bằng vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, mới đây nhất, các cơ quan chức năng thuộc UBND TP Hà Nội đang hoàn thiện văn bản để đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay quốc tế thứ hai cho vùng thủ đô, dự kiến đặt tại khu vực huyện Ứng Hòa.
Nhiều ý kiến cho rằng việc một số địa phương liên tục đề xuất đầu tư mới sân bay đang gây tình trạng "lạm phát" sân bay. Bởi trong tổng số 22 sân bay hiện nay, chỉ 6 sân bay có lãi (tính đến hết 6 tháng đầu năm 2019) gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Liên Khương (Lâm Đồng), Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), trong khi hàng loạt sân bay khác vẫn lỗ, vắng khách và việc xây sân bay hết sức tốn kém.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không trường ĐH Bách khoa TP HCM, nhận xét những đề xuất xây sân bay nói trên thể hiện cái nhìn mang tính cục bộ của các địa phương. Để xây một sân bay cần có cơ sở khoa học, trong đó đầu tiên cần đánh giá về mặt nhu cầu: Khu vực dân cư nào sẽ sử dụng sân bay đó? Quy mô dân số như thế nào? Thu nhập bình quân bao nhiêu? Mức sống như thế nào?... Từ đó mới quy hoạch sân bay cho tương lai. Ngoài ra, cần nhìn tổng thể để thấy được sự gia tăng của nhu cầu đối với các sân bay hiện hữu. "Lấy Quảng Trị ví dụ. Tỉnh này nằm trong khu vực dân cư của sân bay Phú Bài và vùng giao với sân bay Đồng Hới nên không còn nhu cầu cho sân bay Quảng Trị nữa. Tôi cũng cho rằng vùng Hà Nội không có nhu cầu xây sân bay thứ 2 trong vòng 30 năm tới" - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm.
Hướng đi nào?
Ở một góc nhìn khác, khi trao đổi với chúng tôi chiều 5-10, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cho rằng đầu tư sân bay cần tầm nhìn trung và dài hạn nên việc lỗ, lãi không đặt riêng ở từng sân bay mà phải nhìn tổng thể trong phát triển kinh tế của cả địa phương, cả vùng và cả nước.
Câu chuyện "lạm phát" sân bay khi nhìn ở các khía cạnh khác nhau sẽ thấy đúng hoặc chưa đúng hẳn. Như ở một số nước Úc, Nga, thị trường hàng không chung với các loại máy bay nhỏ như máy bay cánh bằng, trực thăng… phát triển rất mạnh. Ở Việt Nam, thị trường hàng không chung chưa được tạo điều kiện trong khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không rất lớn, các đường bay chưa được khai thác hết công suất.
"Từ khi có dịch Covid-19, đường bay quốc tế bị thu hẹp và những chuyến bay thương mại phải tạm dừng khai thác nhưng đường bay nội địa lại được tăng cường, mở rộng… Nhu cầu của người dân về giao thương, du lịch, vận chuyển hàng hóa… tăng mạnh ở các đường bay nội địa trong giai đoạn dịch Covid-19 cho thấy tiềm năng của thị trường là rất lớn. Do đó, bài toán quy hoạch phát triển các sân bay nếu đặt trong dài hạn sẽ thấy không hẳn là câu chuyện lãi, lỗ và lạm phát" - TS Trần Quang Châu phân tích thêm.
Theo TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, với dân số xấp xỉ 100 triệu người và nhu cầu đi lại trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế thì số lượng sân bay hiện đang được khai thác chưa hẳn đã đủ. Các quy hoạch sân bay cũng thường được đặt trong tầm nhìn dài hạn, quy hoạch sớm mạng đường bay sẽ thuận lợi cho ngành hàng không phát triển bài bản trong tương lai. "Hiệu quả của các sân bay không hẳn chỉ nhìn ở lỗ, lãi về kinh doanh mà mỗi địa phương khi một sân bay được xây dựng sẽ tác động đến nhiều ngành kinh tế khác, thúc đẩy kinh tế vùng, dân cư đi lại, giao thương… Nếu ở từng địa phương cứ chờ đến khi dân cư đông đúc mới bắt đầu tính bài toán xây sân bay thì sẽ rất khó khăn trong quy hoạch về đất đai, quy mô" - TS Bùi Doãn Nề chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng các địa phương nên nghiên cứu phát triển mạng lưới sân bay nhỏ với đường băng ngắn, dành cho những máy bay nhỏ dưới 20 chỗ ngồi phục vụ cho cứu thương, an ninh quốc phòng và những cá nhân có nhu cầu đặc biệt hoặc phục vụ du lịch. Những máy bay này khai thác tầm bay thấp giữa các địa phương. Những sân bay nhỏ này có thể tận dụng sân bay quân sự cũ mà đầu tư không quá nhiều. Tuy nhiên, trước mắt cần có chính sách khuyến khích phát triển các hãng hàng không khai thác dạng máy bay nhỏ phù hợp với sân bay địa phương.
Quý IV/2020 sẽ hoàn thành xây dựng quy hoạch
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết cả nước đang có 22 sân bay (9 sân bay quốc tế, 13 nội địa). Mật độ đạt khoảng 16.000 km2/cảng hàng không, ở mức trung bình so với một số nước trong khu vực. Theo Quyết định số 236/QĐ-TTg của Thủ tướng, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 28 cảng hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam đang triển khai quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 (sau khi hoàn thành và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ thay thế cho quy hoạch mạng cảng hàng không đã được duyệt trong Quyết định số 236/QĐ-TTg). Số lượng các cảng hàng không sẽ được rà soát và báo cáo Thủ tướng phê duyệt, bảo đảm sự phân bổ hợp lý và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không. Dự kiến tiến độ xây dựng quy hoạch sẽ hoàn thành và trình Bộ GTVT trong quý IV này. Những đề xuất của địa phương sẽ được tư vấn tính toán, đánh giá và đề xuất phương án quy hoạch tổng thể.
|
Dương Ngọc - Thái Phương
Người lao động
|