Các bên nói gì về lùm xùm 'tố' nợ nần ở cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận?
Các bên liên quan đã chính thức có buổi làm việc về Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kim Hưng Phát (Tiền Giang) “tố” nhà thầu phụ thi công gói thầu XL-11 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng công trình Tây An (Nghệ An) “chây ì” trả nợ. Các bên liên quan có ý kiến ra sao về việc này?
* Bất thường trong đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương
Công trường thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Trung Chánh
|
Buổi làm việc diễn ra vào chiều tối nay, 1-10, tại tỉnh Tiền Giang, có sự tham dự của Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kim Hưng Phát (Công ty Kim Hưng Phát); Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng công trình Tây An (Công ty Tây An); Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (BOT Trung Lương - Mỹ Thuận); Công ty cổ phần Tập Đoàn Đèo Cả (Đèo Cả); Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (Ban QLDA) và các bên liên quan khác.
Xin nói rõ thêm, đó là hiện Chủ tịch HĐQT BOT Trung Lương - Mỹ Thuận hiện tại cũng chính là Chủ tịch HĐQT Đèo Cả.
Ra “tối hậu thư” thu hồi vật liệu gói thầu XL-11
Ý kiến tại buổi làm việc, Công ty Kim Hưng Phát cho biết, trong thời gian chờ phương án giải quyết, đơn vị này đề nghị các vật tư cùng chủng loại do Công ty Kim Hưng Phát cung cấp cho gói thầu XL-11, gồm cát san lấp, đá Dmax 25, Dmax 37,5, đá mi và vật liệu dạng hạt không được đưa vào gói thầu này để tránh lẫn lộn vật tư của đơn vị này đã cung cấp.
Theo Công ty Kim Hưng Phát, đến ngày 10-10-2020, trường hợp Công ty Tây An không có phương án thanh toán công nợ phù hợp mà đơn vị này đã nợ Công ty Kim Hưng Phát với số tiền trên 6,315 tỉ đồng, thì Công ty Kim Hưng Phát sẽ điều động nhân sự và thiết bị đến công trình gói thầu XL-11 để tiến hành thu hồi lại toàn bộ khối lượng vật tư đã cung cấp.
Chủ đầu tư vô can?
Ý kiến tại cuộc họp và đã được lập biên bản, BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, là chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho rằng, đơn vị này "không liên quan" đến hợp đồng kinh tế giữa hai đơn vị là Công ty Kim Hưng Phát- đơn vị cung ứng vật liệu và Công ty Tây An - nhà thầu phụ thi công gói thầu XL-11 dự án cao tốc nêu trên.
BOT Trung Lương - Mỹ Thuận khẳng định, đến nay công ty này không nợ nhà thầu ký hợp đồng với BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để thi công gói thầu XL-11 thuộc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và nguồn tài chính dự án đến nay vẫn đảm bảo.
BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nhấn mạnh, tài sản hình thành trong quá trình thi công đã được công ty thanh toán được xem là tài sản của dự án.
BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề nghị, Công ty Kim Hưng Phát và Công ty Tây An cùng trao đổi, thương lượng và chia sẻ để có giải pháp phù hợp nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc để không làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ dự án.
Tuy nhiên, có một câu hỏi được dư luận đặt ra ở đây, đó là với tự cách chủ đầu tư của dự án, dù nhà thầu phụ không trực tiếp ký hợp đồng với chủ đầu tư, nhưng liệu nhà đầu tư không có trách nhiệm gì về những "sự cố" ở dự án do mình quản lý hay sao?
Tây An lại "hứa" trả
Tại cuộc họp, Công ty Tây An khẳng định, đơn vị này sẽ thanh toán và cố gắng thu xếp nguồn vốn để hoàn trả công nợ cho Công ty Kim Hưng Phát.
Ngoài ra, Công ty Tây An cũng cho biết, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất mà Công ty Kim Hưng Phát phải gánh chịu do việc chậm trễ hoàn trả công nợ theo điều khoản hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
Tuy nhiên, liên quan đến lời “hứa” trả nợ cho Kim Hưng Phát, bà Nguyễn Thị Hồng Hiếu, Phó giám đốc Công ty Kim Hưng Phát cho rằng, giam đốc của đơn vị này đã rất nhiều lần thất hứa. “Giám đốc Tây An đã rất nhiều lần hứa hẹn rồi có thực hiện đâu”, bà Hiếu nói.
Ban quản lý dự án địa phương nói gì?
Ý kiến tại cuộc họp, Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (Ban QLDA) cho rằng, đơn vị này ghi nhận sự đóng góp của các nhà cung ứng vật tư và sự nổ lực của BOT Trung Lương- Mỹ Thuận trong thời gian qua đã góp phần cho dự án đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc phát sinh công nợ giữa Công ty Kim Hưng Phát và Công ty Tây An, Ban QLDA đề nghị các bên liên quan trao đổi, thương lượng để có giải pháp khả thi, phù hợp trên tinh thần hợp tác chia sẻ nhằm giải quyết các khó khăn và đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của các bên.
Ban QLDA đề nghị, BOT Trung Lương - Mỹ Thuận yêu cầu Đèo Cả cung cấp đối chiếu công nợ giữa Đèo Cả và Công ty Tây An đến ngày 1-10-2020 và có văn bản gửi đến Ban QLDA trước ngày 7-10-2020.
Đồng thời, đơn vị này cũng đề nghị BOT Trung Lương-Mỹ Thuận yêu cầu Đèo Cả nghiên cứu trường hợp: nếu công nợ giữa Đèo Cả và Tây An đến ngày 1-10-2020 “bằng không” và khối lượng thi công ngoài hiện trường của Công ty Tây An “còn chưa thanh toán hết” theo hợp đồng giữa Đèo Cả và Công ty Tây An, thì khi nhận hồ sơ thanh toán hợp lệ của Tây An trong các lần thanh toán tiếp theo, Đèo Cả sẽ chuyển trả trực tiếp cho Công ty Kim Hưng Phát số tiền hơn 6,315 tỉ đồng mà Công ty Tây An đã nợ Công ty Kim Hưng Phát. Đề nghị BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có văn bản do người đại diện pháp luật của công ty ký phúc đáp chính thức về nội dung này và gửi về Ban QLDA trước ngày 10-10-2020.
Ban QLDA đề nghị Công ty Tây An có văn bản kiến nghị Công ty Đèo Cả chuyển trả trực tiếp cho Công ty Kim Hưng Phát số tiến mà Công ty Tây An đã nợ của Công ty Kim Hưng Phát là hơn 6,315 tỉ đồng trong các lần thanh toán tiếp theo.
Trong thời gian chờ giải quyết các thủ tục, Ban QLDA đề nghị Công ty Kim Hưng Phát “không có hành vi cản trở thi công” làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Tuy nhiên, liên quan đến những ý kiến nêu trên của các bên, Công ty Kim Hưng Phát cho rằng, đơn vị này “không thống nhất” ý kiến của Tây An và BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Phòng an ninh kinh tế (Công an tỉnh Tiền Giang) đề nghị, Công ty Kim Hưng Phát trong thời gian chờ giải quyết các thủ tục, không có hành vi cản trở thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án nhằm góp phần đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng.
|
Trung Chánh
TBKTSG
|