Lên phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp trong 3 tháng cuối năm
Các báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, những ngành như dệt may, da giày… đơn hàng của doanh nghiệp rất ít, dòng tiền của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất nhiều. Theo đó, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, báo chí nêu vấn đề về việc lo ngại làn sóng dừng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới và đặt câu hỏi Chính phủ có giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong phần trả lời của mình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó doanh nghiệp Việt Nam không phải là ngoại lệ, đều bị ảnh hưởng.
Theo ông Hải, hiện nay, một số ngành Việt Nam đang có thế mạnh về xuất khẩu, trong đó có dệt may, da giày. So với các năm trước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng cho sản xuất. Chính vì vậy, Chính phủ đã có chỉ đạo cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, quan trọng nhất là mức xuất khẩu.
Thứ nhất, phải hỗ trợ tổ chức khai thác, vận dụng tốt các cơ hội của FDI, các Hiệp định thương mại tự do, tìm các giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.
Thứ hai, cần tăng cường công tác thông tin, định hướng dịch vụ xuất khẩu. Đây là việc rất quan trọng vì các doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh COVID-19 không thể đi ra nước ngoài. Do đó, thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác, phù hợp sẽ giúp cho doanh nghiệp có những đơn hàng thông qua giao dịch trực tuyến, hoặc qua các phương thức khác.
Thứ ba, phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại. "Mặc dù chúng ta không đi được theo các con đường cũ, truyền thống như tổ chức các đoàn khảo sát từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng chúng ta đã tổ chức nhiều diễn đàn, giao dịch trực tuyến", ông Hải nói.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản trong các quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Hải tin rằng với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, 3 tháng cuối năm kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt hơn không những cho quý 4 và năm 2020 mà tạo tiền đề để bước sang năm 2021.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, khó khăn của các doanh nghiệp sau 9 tháng vẫn còn. Tuy nhiên đã đỡ hơn rất nhiều so với đầu năm. Kết quả thể hiện rõ ở mức tăng trưởng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn còn rất nhiều khó khăn như những doanh nghiệp liên quan đến hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp lữ hành du lịch.
Ông Phương đặt kỳ vọng đối với ngành du lịch khi Thủ tướng chỉ đạo 3 tháng cuối năm phải đưa ngành du lịch tập trung trở lại ở góc độ thị trường trong nước.
Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã có đánh giá sơ bộ, thể hiện ở ba khía cạnh: Nguồn vốn tín dụng, chính sách tài khoá và hỗ trợ trực tiếp trên ngân sách. Tất cả đều có con số, kết quả cụ thể. Trong đó có phần giải ngân gói hỗ trợ cho đối tượng xã hội và người lao động bị giảm sâu thu nhập…
Các bộ, ngành cũng đang rà soát, báo cáo với Chính phủ, có kiến nghị cụ thể đối với tình hình sắp tới, nếu cần sẽ kiến nghị thêm những chính sách mới. Tuy nhiên, ông Phương nhấn mạnh cần hết sức lưu ý là nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Vừa qua các ngân hàng nhà nước đã có nhiều giải pháp quyết liệt, giảm rất sâu về lãi suất… song cũng phải xác định nguồn vốn ngân hàng không phải nguồn vốn cho không, mà là nguồn vốn hoàn trả thị trường… Chín tháng vừa qua mức tăng trưởng tín dụng của Việt Nam là 5%. Đây cũng là mức tăng tích cực. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có thị trường, có nguyên liệu thì mới vay vốn được.
Ông Phương cho biết, trong thời gian sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ giám sát và báo cáo Chính phủ để có thể có những chính sách mới.
Đông Tư
FILI
|