Khốn khổ với lãi vay cũ
Các hợp đồng vay mới giảm mạnh lãi nhưng những khách vay cũ bị kẹt lại với lãi suất cao do vướng quy định mập mờ.
* TPBank lý giải tăng lãi vay lên 12,2%/năm do hết thời gian ưu đãi
Khách hàng vay vốn cần lưu ý cách tính lãi vay. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Lãi suất vay tăng hơn 38%
Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Nhi Sài Gòn – chi nhánh tại Đồng Nai đã có đơn gửi báo Thanh Niên liên quan đến lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Chuyện là vào tháng 3.2018, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Nhi Sài Gòn – chi nhánh tại Đồng Nai vay hơn 16,2 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong – chi nhánh Hùng Vương (TPBank). Hàng tháng, khách hàng thực hiện trả nợ cho phía ngân hàng. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty bị ảnh hưởng nặng do doanh thu sụt giảm dẫn đến thu không đủ bù chi, khả năng chi trả tiền nợ gốc và lãi bị ảnh hưởng. Trước tình hình này, công ty làm đơn xin gia hạn, khoanh nợ các khoản trả vốn gốc và lãi của hợp đồng vay cho đến khi dịch Covid-19 hoàn toàn được khống chế, bệnh nhân an tâm đến phòng khám, hoạt động phòng khám trở lại bình thường
Cũng vào thời điểm giữa tháng 3, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Thế nhưng TPBank không đồng ý giảm lãi mà chỉ đồng ý khoanh nợ gốc 5 tháng, từ kỳ hạn tháng 4.2020 đến tháng 8.2020 và toàn bộ gốc đến hạn trong khoảng thời gian này được cộng dồn và phân kỳ trả nợ đều hàng tháng vào các kỳ trả nợ. Qua trao đổi, đại diện công ty cho biết thêm ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay từ 8,8%/năm lên 12,2%/năm. Đây là mức lãi suất quá cao và không được quy định rõ ràng trong hợp đồng.
Theo đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ mà ngân hàng ký với khách hàng, lãi suất từ ngày 15.3.2020 đến ngày 14.3.2028 được điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần và bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của TPBank tại thời điểm điều chỉnh cộng biên độ 4%/năm. Phía Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Nhi Sài Gòn – chi nhánh tại Đồng Nai cho rằng bảng lãi suất tiết kiệm công khai của TPBank trên các phương tiện thông tin đại chúng không có mức lãi suất 8,2%/năm để cộng với biên độ 4% ra 12,2%/năm. Ngân hàng giải thích biểu lãi suất dành riêng đối với “các tài khoản tiền gửi tái tục có số tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên và cam kết không rút trước hạn”. Vị đại diện công ty bức xúc: “Mức lãi suất huy động này dành riêng cho một đối tượng rất nhỏ và không có tính phổ biến. Trong khi các ngân hàng khác hiện nay đang giảm lãi suất huy động xuống mức thấp, có nơi 5%/năm. Do đó, chúng tôi cho rằng TPBank không có thiện chí trong việc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.
Đẩy lãi suất huy động 12 tháng cao để tính lãi vay?
Theo như bảng lãi suất công bố chính thức trên website của TPBank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng mà nhà băng này đang huy động tiền gửi từ khách hàng cá nhân ở một số sản phẩm từ 6 – 6,4%/năm: 6 tháng từ 5,4 – 5,8%/năm; 3 tháng từ 3,55 – 3,65%/năm; 1 tháng từ 3,55 – 3,65%/năm. Thế nhưng đối với tiền gửi tiết kiệm thường lĩnh lãi cuối kỳ giá trị lớn từ 500 tỉ đồng kỳ hạn 12 tháng là 8,2%/năm và 24 tháng là 8,6%/năm.
Trường hợp TPBank không phải ngoại lệ, một số ngân hàng hiện nay cũng đẩy lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng lên mức rất cao với điều kiện lượng tiền gửi vài chục đến vài trăm tỉ đồng. Với điều kiện này, không rõ các ngân hàng có huy động được lượng tiền lớn hay không nhưng lại dùng chính mức lãi suất đó để tính lãi vay đối với khách hàng.
Bình luận về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Basio cho rằng khi khách hàng đã vay rồi mà hợp đồng quy định dựa trên lãi suất huy động cao nhất, lúc này ngân hàng đẩy lãi huy động 100% thì khách hàng cũng phải chịu. Thế nhưng lãi suất huy động đề cập ở đây có thể hiểu theo 2 nghĩa khác nhau, đó là điều khoản hợp đồng không rõ ràng nên theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Luật dân sự thì phải hiểu theo mức lãi suất thấp nhất, lãi suất không kỳ hạn khoảng 0,2%/năm. Cách hiểu thứ 2 công bằng hơn là lãi suất trung bình, phổ biến vừa phải, 6 tháng hay 12 tháng tùy theo kỳ hạn cho vay. Ở đây không thể dựa vào lãi suất tính theo số tiền gửi lãi suất huy động số tiền nhiều hay ít, gửi nhiều tiền lãi suất cao và dùng mức lãi suất huy động này để tính lãi vay cho khách. Ở đây, ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động cao bất chấp mặt bằng chung, điều đó có thể hiểu ngân hàng đang có nhu cầu vốn lớn nhưng cũng có thể hiểu lãi suất này chỉ để tính lãi vay cho khách. Trong trường hợp khách hàng có rủi ro cao thì ngân hàng có biện pháp kiểm soát rủi ro chứ không thể dùng lãi suất vay cao như vậy sẽ làm cho khách càng thêm khó khăn.
Ông Trương Thanh Đức cho biết: “Lãi suất đưa ra bao nhiêu cũng phải rõ ràng, cụ thể chứ không thể mập mờ như vậy được. Luật lệ có hết rồi nên cần có những giải thích cho rõ ràng những quy định tù mù, không thể nào áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất, cá biệt để tính lãi cho vay đối với khách hàng. Chưa nói ngân hàng áp dụng mức lãi riêng cho từng đối tượng khách hàng khác nhau. Trong trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước phải có ý kiến quy định về biểu mẫu hợp đồng, cơ chế để bảo vệ người tiêu dùng”.
Thanh Xuân
Thanh niên
|