Các yếu tố chính tác động thị trường chứng khoán trong quý 4/2020
KBSV kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể tiếp tục đà hồi phục lên mức quanh 960 điểm vào những tháng cuối năm 2020. Các yếu tố chính gây tác động nhiều nhất đến thị trường kể đên như dịch Covid-19, bầu cử Tổng thống Mỹ, dòng tiền, tốc độ hồi phục nền kinh tế, đầu tư công...
Theo Báo cáo triển vọng TTCK Việt Nam quý 4/2020, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng các yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong các tháng cuối năm sẽ được duy trì. Trong khi đó, rủi ro chính của giai đoạn này đến từ các yếu tố như: Làn sóng Covid-19 mạnh lên làm trì hoãn kế hoạch mở cửa của các nước; thị trường đã tăng mạnh và rơi vào vùng định giá không còn quá hấp dẫn; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng, đi kèm sự gia tăng nợ xấu ngân hàng; bầu cử Mỹ với rủi ro Việt Nam bị lôi vào cuộc chạy đua; rủi ro bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ.
Dịch Covid-19
Diễn biến dịch Covid-19 và tiến trình vaccine vẫn là yếu tố đươc TTCK thế giới và TTCK Việt Nam theo sát trong những tháng cuối năm 2020. Với Việt Nam, KBSV cho rằng thị trường đã xây dựng được một tâm lý vững vàng trước bệnh dịch. Diễn biến bán tháo khi làn sóng Covid-19 thứ 2 quay lại đã chỉ xuất hiện ngắn hạn và thị trường đã hồi phục ngay sau đó.
Chính phủ cũng đã nhanh chóng đặt hàng mua vaccine với số lượng lớn phần nào giúp ổn định tâm lý người dân. Việc các đường bay quốc tế dần được mở cửa trong tháng 9 có thể khiến Việt Nam gia tăng rủi ro xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng mới. Dù vậy, tương tự như giai đoạn xuất hiện ca nhiễm mới tại Đà Nẵng tháng 7 vừa qua, KBSV kỳ vọng phản ứng của thị trường sẽ không quá tiêu cực.
Dòng tiền mới dồi dào
Mặc dù hạ nhiệt đôi chút trong những tháng gần đây nhưng số lượng tài khoản mở mới trong 8 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận mức tăng ấn tượng, 61% so cùng kỳ. Sự gia tăng số lượng nhà đầu tư (NĐT) mới cùng với mức độ quan tâm từ người dân, thể hiện qua từ khóa tìm kiếm, đã tạo một dòng chảy tích cực, đẩy chỉ số VN-Index phục hồi từ đáy tháng 3, bất chấp áp lực bán ròng của NĐT nước ngoài. Bên cạnh thị trường cổ phiếu hiện đang biến động ở vùng giá thấp tương đối, các kênh đầu tư chính khác hiện nay đều đang trở nên kém hấp dẫn. Đây là nguyên nhân chính giúp dòng tiền chảy vào TTCK Việt Nam dồi dào trong thời gian qua (thể hiện qua sự gia tăng của thanh khoản, giá trị giao dịch và số tài khoản mở mới), và được kỳ vọng sẽ tiếp tục là yếu tố nâng đỡ thị trường trong quý cuối năm.
Tốc độ hồi phục của kinh tế toàn cầu và Việt Nam
Đối với kinh tế thế giới, KBSV cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn đang trên giai đoạn phục hồi nhờ những biện pháp “phong tỏa” được gỡ bỏ gần hết ở các nước cũng như nhờ bộ đệm hỗ trợ mạnh mẽ đến từ chính sách siêu nới lỏng của các NHTW thế giới và chính sách mở rộng tài khóa quy mô lớn của chính phủ các nước.
Đối với kinh tế trong nước, mặc dù hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ 2 quay trở lại nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang cho thấy sự chống chịu tốt và giữ vững được đà phục hồi. Kịch bản cơ sở của KBSV vẫn giữ dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3% năm 2020. Sang năm 2021, triển vọng của Việt Nam là hết sức lạc quan khi tăng trưởng kinh tế vẫn được nhiều tổ chức kinh tế dự báo cao (trung bình 6.7%) và thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Đầu tư công
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến 31/8 là khoảng 222 ngàn tỷ đồng, tương đương với 32% dự toán 2020. Nếu không tính nguồn vốn từ 2019 gộp vào thì tốc độ giải ngân trong 8 tháng 2020 đạt 47% kế hoạch (cùng kì năm 2019 đạt khoảng 41%), và cũng là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. KBSV kỳ vọng vào sự bứt phá trong những tháng cuối năm, với dự báo tỷ lệ giải ngân có thể đạt từ 70-80% trong năm nay.
Rủi ro bị gắn mác thao túng tiền tệ
Trong kịch bản xấu, Việt Nam chính thức bị gắn mác thao túng tiền tệ, theo quy định hiện nay, Việt Nam vẫn sẽ có 1 năm để tiến hành đối thoại song phương với Mỹ để 2 bên tiến hành trao đổi, thương lượng giải quyết vấn đề, trước khi các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ được kích hoạt. Dù vậy, ngay cả khi chưa chịu tác động cụ thể lên hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 4 thì giá các cổ phiếu các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ vẫn sẽ chịu sự sụt giảm mạnh khi tiềm năng xuất khẩu sang thị trường lớn này gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, nếu kịch bản này xảy ra, NHNN sẽ phải hạn chế hoạt động mua vào ngoại tệ, và chấp nhận việc VND có thể có xu hướng mạnh lên so với USD. Điều này sẽ mang tới tác động tích cực đến doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp có dư nợ lớn bằng đồng USD, tiêu biểu như ngành năng lượng, trong khi tác động tiêu cực đến doanh nghiệp xuất khẩu.
Bầu cử tổng thống Mỹ
Chính sách của hai ứng viên Tổng thống đã cho thấy sự phân hóa nhất định trong quá trình tranh cử. Trong đó, KBSV đánh giá kịch bản tích cực nhất sẽ xảy ra là Biden đắc cử Tổng thống và đảng Cộng Hòa sẽ nắm giữ Thượng Viện. Trong kịch bản này, rủi ro ông Biden thu hẹp chính sách tài khóa ở mức thấp do khó có khả năng đạt sự đồng thuận từ Thượng Viện.
Room khối ngoại
Quyền tự quyết room ngoại của công ty có thể sẽ bị bãi bỏ, theo dự thảo Nghị định hướng dẫn 1 số điều trong Luật chứng khoán 2019, hiện đang được đưa ra lấy ý kiến Đây là 1 trong các nỗ lực của UBCK trong việc thu hút dòng vốn ngoại, phát triển thị trường trong bối cảnh Nghị định 60 dù đã trao quyền cho doanh nghiệp niêm yết không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài không hạn chế kể từ năm 2015, nhưng số doanh nghiệp mở room lên 100% vẫn chiếm số lượng rất thấp.
Nếu được thông qua, quy định này sẽ giúp dòng tiền các quỹ đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào TTCK Việt Nam khi mà nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tiếp cận lượng cổ phần lớn hơn rất nhiều so với mức hiện tại. Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường khi mà đây là yếu tố trọng yếu trong việc đánh giá phân hạng thị trường của cả FTSE và MSCI.
Duy Na
FILI
|