Bloomberg: Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua phục hồi kinh tế
Các quốc gia kiểm soát đại dịch Covid-19 tốt nhất không nhất thiết sẽ được tưởng thưởng bằng các lợi ích kinh tế. Thế nhưng, một đất nước rõ ràng có thành quả kinh tế tốt hơn hầu hết quốc gia trên thế giới, đó là Trung Quốc.
Trong các thành viên của G20 – câu lạc bộ 20 nền kinh tế đứng đầu trên toàn cầu, chỉ Trung Quốc đã phục hồi trở lại ngay trong quý 2/2020 và đà tăng trưởng vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Trong khi đó, tại Mỹ và châu Âu – nơi dịch ập đến sau đó – hồi phục chậm hơn và hiện đang đối mặt với nhiều “cơn gió ngược”.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán trong tháng 12/2019, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và chuyên gia kinh doanh đều gật gù đồng tình rằng ở Trung Quốc, việc kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ dẫn tới thành tích kinh tế lạc quan.
“Các quốc gia thành công trong việc giảm bớt số ca nhiễm Covid-19 thường cũng thành công hơn trong quá trình tái mở cửa kinh tế”, McKinsey cho biết vào ngày 23/09. “Đối với họ, việc kiểm soát dịch bệnh dường như xuất phát từ 2 điều: Biết phải làm gì và triển khai thật tốt”.
Đánh giá trên có vẻ như không phải áp dụng cho tất cả. Tuy nhiên, điều này có vẻ đúng tại Trung Quốc, nền kinh tế nước này gượng dậy thành công từ cú sụp kỷ lục trong quý 1/2020 vì Covid-19, theo dữ liệu từ Bloomberg và Đại học Johns Hopkins. Đất nước tỷ dân có tỷ lệ tăng ca nhiễm Covid-19 và tử vong thấp nhất trong các nền kinh tế lớn và tỷ lệ thất nghiệp thấp thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, trong 6 tháng qua. Tại thời điểm này, Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất trong nhóm G20 đủ mạnh để giúp GDP và sản lượng công nghiệp tăng trưởng trong năm nay.
Giữa lúc phần còn lại của thế giới dường như tăng trưởng yếu hoặc tăng trưởng âm trong năm 2020, Trung Quốc sắp ghi nhận năm tăng trưởng thứ 33 liên tiếp. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ – đại diện cho 42% GDP toàn cầu – được dự báo giảm tương ứng 8% à 4.4%, theo cuộc khảo sát 80 chuyên gia kinh tế của Bloomberg. Cổ phiếu Evergrande Group – tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới với khoản nợ lên tới 120 tỷ USD – tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 khi các cổ đông trên toàn cầu vẫn đặt niềm tin vào công ty Trung Quốc này.
Các nước nhỏ xử lý tốt đại dịch Covid-19 tốt hơn hầu hết các nền kinh tế lớn – như New Zealand và Đài Loan – không hề nhận được lợi ích kinh tế như Trung Quốc. Dù rằng tổng số ca nhiễm chỉ ở mức 1,836 ca và 513 ca trong 8 tháng qua, GDP Đài Loan được dự báo tăng trưởng 1% trong năm nay, còn GDP New Zealand thu hẹp 5%. Nguyên nhân chủ yếu là do hai nền kinh tế này đều phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu và ngành du lịch, theo cuộc khảo sát của Bloomberg.
Không quốc gia nào dường như có thành quả tốt như Trung Quốc. Dù kiểm soát dịch Covid-19 tốt hơn so với Italy và Pháp, nhưng GDP Đức vẫn được dự báo giảm 6% trong năm nay và sau đó tăng trưởng không quá 3.6% trong 2 năm kế tiếp, theo Bloomberg. Con số này thấp hơn dự báo tăng trưởng trung bình của nhóm G20 là 4% trong 2 năm kế tiếp.
Tỷ lệ số ca tử vong của Trung Quốc so với toàn cầu chỉ là 0.5%. Mỹ - nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump không khuyến khích mang khẩu trang và khẳng định virus sẽ tự nhiên biến mất – giờ chứng kiến hơn 200,000 ca tử vong vì Covid-19, chiếm 21% tổng số ca tử vong, cao nhất thế giới. Đặt dưới một lăng kính khác, cứ mỗi 1 triệu cư dân thì có 621 người chết vì Covid-19, gấp 182 lần so với tỷ lệ tử vong của Trung Quốc. Trước đó, ông Trump cũng vừa thông báo dương tính với Covid-19.
Hàn Quốc cũng nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và nhiều khả năng tăng trưởng trong năm nay. Dữ liệu việc làm, sản lượng công nghiệp và tăng trưởng cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia duy nhất trong nhóm G20 có tỷ lệ thất nghiệp khá thấp trong quý 2/2020, tương ứng là 3.8% và 4.2% và tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm trong 2 năm tới, theo cuộc khảo sát của Bloomberg.
Tại Trung Quốc, sản lượng công nghiệp được dự báo tăng trưởng 2.4% và GDP tăng trưởng 2.1% trong năm nay, khi mà phần còn lại của nhóm G20 suy giảm, theo ước tính của các chuyên gia kinh tế.
Là nền kinh tế lớn nhất thế giới và tỷ lệ thất nghiệp 13% trong quý 2/2020, Mỹ khó lòng có thành quả tốt hơn mức trung bình của nhóm G20, 80 chuyên gia kinh tế nhận định. Theo dự báo, sản lượng công nghiệp – vốn giảm 14% trong quý 2/2020 – sẽ giảm 7.5% trong năm 2020 và sau đó phục hồi 4.35% trong năm kế tiếp. Theo cuộc khảo sát của Bloomberg, GDP Mỹ được dự báo giảm 4.4% trong năm 2020 và sau đó tăng trưởng 3.8% trong năm 2021.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|