ACV sẽ chỉ còn là chủ đầu tư 1 hạng mục tại dự án sân bay Long Thành
Sau khi được Quốc hội trao trả thẩm quyền chỉ định nhà đầu tư, Chính phủ không giữ quan điểm ban đầu về việc cho ACV đầu tư 3/4 hạng mục sân bay Long Thành nữa. Bộ GTVT không nêu nguyên nhân của thay đổi này.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận khi xem thuyết minh về sân bay Long ThànhẢnh Ngọc Thắng
|
ACV sẽ chỉ còn làm chủ đầu tư 1 hạng mục
Cụ thể, tại báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án sân bay Long Thành do Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa uỷ quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội hôm 9.10, chủ đầu tư các dự án thành phần của giai đoạn 1 sân bay Long Thành sẽ có thay đổi đáng kể.
Theo đó, 2/3 hạng mục vốn được Chính phủ đề xuất cho ACV làm chủ đầu tư sẽ phải tìm chủ đầu tư khác.
Báo cáo cho biết, ngày 25.9 vừa qua, tức là gần 1 năm sau khi Quốc hội có Nghị quyết 95/2019 thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, Bộ KH-ĐT (Cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định quốc gia) đã hoàn chỉnh Báo cáo thẩm định cùng dự thảo Quyết định đầu tư dự án và trình Thủ tướng.
Theo đó, Hội đồng Thẩm định nhà nước kiến nghị một số nội dung chính như sau:
Chủ đầu tư của dự án thành phần 1 là các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước sẽ “giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (hải quan, công an, công an cửa khẩu, cảng vụ, kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư các công trình bảo đảm tiến độ; trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP”.
Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay sẽ do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện sẽ do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam -CTCP (ACV) làm chủ đầu tư
Dự án thành phần 4 - các công trình dịch vụ, sẽ do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 109.000 tỉ đồng, tương đương khoảng gần 4,7 tỷ USD (tỉ giá 1 USD = 23.390 VND công bố tại ngân hàng Vietcombank ngày 25.5.2020).
Nguồn vốn đầu tư của dự án thành phần 1 là nguồn vốn ngân sách nhà nước của các cơ quan chủ quản công trình hoặc huy động vốn đầu tư theo hình thức PPP. Các dự án thành phần 2, 3, 4 sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.
Chưa rõ lý do ACV "rút chân" khỏi 2/3 hạng mục
Trước đó, hồi tháng 10.2019, khi trình Quốc hội báo cáo khả thi, Chính phủ đã ghi tên ACV vào cả dự án thành phần 1, 3 và 4 (dự án thành phần 2 vẫn do VATM làm chủ đầu tư).
Theo đó, ngoài hạng mục 3 do ACV đầu tư, ACV khai thác, thì hạng mục 1 sẽ do ACV đầu tư và “cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại”, hạng mục 4 “giao cho ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư”.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo lắng về cả vấn đề thủ tục (Quốc hội không chỉ định thầu mà thẩm quyền là của Thủ tướng) và năng lực của ACV (theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thì ACV chỉ có thể tự bố trí được khoảng 37% vốn, tương đương 1,5 tỷ USD, số còn lại khoảng trên 2 tỷ USD sẽ phải đi vay, sẽ ảnh hưởng đến nợ công vì ACV có 95% vốn nhà nước), nên Nghị quyết 95 của Quốc hội đã không quyết định chỉ định thầu cho ACV.
Nghị quyết giao Chính phủ “lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật, bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của quốc gia”; “bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự”.
Có thể thấy, sau khi được Quốc hội trao trả thẩm quyền chỉ định nhà đầu tư, Chính phủ đã không giữ quan điểm ban đầu về việc cho ACV đầu tư 3/4 hạng mục dự án nữa, thay vào đó, ACV chỉ còn là chủ đầu tư 1 dự án. Báo cáo của Bộ trưởng Thể không nêu nguyên nhân của thay đổi này.
Vũ Hân
Thanh niên
|