Thứ Bảy, 05/09/2020 11:03

'Xuất khẩu, FDI giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế mở nhất thế giới'

ISEAS nhận định Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là biện pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; coi thương mại và đầu tư là các công cụ quan trọng để chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế.

Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam đóng trên địa bàn Khu Công nghiệp Yên Bình, Phường Đồng Tiến, Thị xã Phổ Yên, Tỉnh Thái Nguyên sản xuất điện thoại thông minh. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo phóng viên thường trú tại Singapore, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ngày 2/9 đăng bài viết về sự phát triển của kinh tế Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong 30 năm qua phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019.

Bài viết nêu rõ giao thương quốc tế và FDI trong hơn 30 năm qua đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới.

Chẳng hạn, năm 2017, tỷ trọng thương mại trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam là 200,4%, mức cao thứ 6 trên thế giới.

Tại châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) (375,1%) và Singapore (322,4%).

Tương tự, FDI cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Năm 2019, dòng vốn FDI hàng năm của Việt Nam tương đương 6,3% GDP, cao thứ 4 ở Đông Nam Á, sau Singapore (28,3%), Campuchia (13,7%) và Lào (7,4%).

Sự cởi mở của Việt Nam đối với thương mại và FDI bắt nguồn từ sự kết hợp giữa những tính toán cả về mặt chiến lược và kinh tế. Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là biện pháp chủ chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; coi thương mại và đầu tư là các công cụ quan trọng để chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế.

Đồng thời, Việt Nam cũng có những lợi ích chiến lược khi theo đuổi các cơ chế thương mại mở, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế chủ chốt và thu hút FDI.

Các chiến lược gia của Việt Nam tin rằng thông qua hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu và tăng cường các mối quan hệ kinh tế với các cường quốc lớn, Việt Nam có thể gắn kết các lợi ích kinh tế với các đối tác của mình.

Về tổng thể, Việt Nam hưởng lợi từ thương mại và FDI, tuy nhiên, sự phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu và FDI cũng được coi là một thách thức tiềm tàng.

Theo số liệu năm 2019, trong khi các công ty có đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 20,3% GDP của Việt Nam, họ đóng góp tới 67,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việc quá phụ thuộc của Việt Nam vào xuất khẩu và FDI đã khiến nhiều nhà hoạch định chính sách lo ngại.

Chính phủ Việt Nam cũng hiểu rõ điều đó và cũng đã thực thi một số biện pháp để khắc phục tình trạng này. Giải pháp chủ chốt là tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa để họ có thể đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.

Điều này thể hiện trong bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp với các doanh nghiệp nội địa tháng 6/2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó nhấn mạnh: “Chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế tự cường trong hội nhập quốc tế. Vì vậy, phải có đội ngũ doanh nghiệp với các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.”

Chính sách FDI của Việt Nam từ lâu ưu tiên hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây, Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh 4 nguyên tắc then chốt trong đối xử với các doanh nghiệp, đó là bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội.

Biện pháp thứ hai mà Việt Nam đang thực hiện là khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân mở rộng kinh doanh, đặc biệt là sản xuất và các ngành công nghệ cao, nhằm tăng cường nền công nghiệp nội địa.

Kiểm tra chất lượng xe ôtô tại nhà máy sản xuất ôtô Vinfast. (Nguồn: TTXVN)

Sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam cho Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất của Việt Nam, mở rộng hoạt động thêm các ngành công nghiệp công nghệ cao, điện tử và ôtô là một ví dụ điển hình.

Nếu thành công, các doanh nghiệp này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam mà còn tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu hơn cho Việt Nam.

Nói cho cùng, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đến rồi đi, nhưng các doanh nghiệp trong nước sẽ ở lại mãi mãi. Sự thành công và các cam kết dài hạn của họ chính là yếu tố then chốt cho sự tự chủ và thịnh vượng kinh tế về dài hạn của Việt Nam.

Cuối cùng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang được khuyến khích và hỗ trợ hợp tác cùng với các công ty nước ngoài để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là biện pháp quan trọng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh và đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế về dài hạn.

Tuy nhiên, đây vẫn là một thách thức, bởi sau hơn 30 năm, những tác động tích cực từ FDI vẫn còn hạn chế.

Chẳng hạn, Samsung chủ yếu nhập linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài để sản xuất điện thoại. Trong số các nhà cung cấp, hiện chiếm 80% giao dịch với Samsung, có tới 28 nhà cung cấp đặt tại Việt Nam nhưng họ đều là công ty nước ngoài.

Nếu như tất cả các biện pháp nói trên được thực hiện thành công, nền kinh tế Việt Nam sẽ trở nên tự cường hơn và mô hình tăng trưởng nhờ FDI và xuất khẩu có thể sẽ được coi là một thành công./.

Lê Dương

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Bình Định: Cháy lớn tại xí nghiệp gỗ rộng hơn 28.000m2, lô hàng chuẩn bị xuất khẩu bị thiêu rụi (05/09/2020)

>   Bộ Công an thông tin chi tiết về nguyên nhân bắt giữ ông Nguyễn Đức Chung (05/09/2020)

>   Từng bước mở lại đường bay quốc tế giữa Việt Nam và 6 nước (04/09/2020)

>   Bộ Công Thương sẽ sớm có hướng dẫn về đầu tư điện mặt trời mái nhà (04/09/2020)

>   Công ty Tân Thuận thống nhất cho ông Phạm Phú Quốc thôi việc (04/09/2020)

>   Chủ sở hữu Pate Minh Chay sản xuất, kinh doanh thế nào? (04/09/2020)

>   'Nhiều tập đoàn công nghệ tỷ USD đã tìm đến Việt Nam' (04/09/2020)

>   Biến động chưa từng có, cuộc chạy đua chiếm phần 16 tỷ USD (04/09/2020)

>   Công an TP.HCM đang điều tra hành vi có dấu hiệu 'buôn lậu' tại Asanzo (04/09/2020)

>   Đêm không sáng đèn, Hilton, Melia, Metropole... khủng hoảng (04/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật