Biến động chưa từng có, cuộc chạy đua chiếm phần 16 tỷ USD
Hàng dài người xếp hàng mua khẩu trang tại một cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ dược phẩm cho thấy tiềm năng của thị trường này trong mùa dịch. Dịch bệnh là biến động chưa từng có nhưng lại kích thích 1 thị trường lớn sôi động hơn.
Trong bối cảnh rất nhiều mô hình kinh doanh theo chuỗi phải đóng cửa, thu hẹp hoạt động vì dịch bệnh, bán lẻ dược phẩm lại tận dụng thời cơ, thừa thắng xông lên. Các ông lớn đua nhau mở thêm cửa hàng từ đầu năm nay.
Nhu cầu mua dược phẩm ngày càng tăng
|
Đây là lúc họ thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc chung tay bình ổn các mặt hàng như khẩu trang, thuốc sát trùng,... đáp ứng nhu cầu của người dân, qua đó khẳng định uy tín, thương hiệu và tạo được thiện cảm đối với khách hàng.
Chuỗi bán lẻ dược phẩm có số cửa hàng lớn nhất hiện nay có thể kể đến là Pharmacity thành lập từ năm 2011, với 328 cửa hàng tính đến tháng 4/2020. Trong năm 2020, chuỗi dược phẩm này đặt mục tiêu tăng thêm 350 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng trên toàn quốc lên 602.
Tương tự, Long Châu đã chốt được 40 địa điểm để mở cửa hàng trong quý II/2020. Mục tiêu chuỗi nhà thuốc Long Châu đặt ra đạt 200 cửa hàng vào cuối năm. Tốc độ mở mới cửa hàng tháng qua khá nhanh so với mức 83 cửa hàng tại 19 tỉnh thành vào cuối quý I/2020.
Năm 2017, thị trường xôn xao khi CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) tuyên bố tiến quân vào lĩnh vực dược phẩm. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, bày tỏ tham vọng sẽ mở chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm thông qua hình thức M&A với 500 cửa hàng, từ 10-15 cửa hàng ban đầu.
Để thực hiện tham vọng này, năm 2018, MWG đã rót vốn vào CTCP Chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, đơn vị quản lý khoảng 20 cửa hàng bán lẻ dược phẩm quy mô trung bình tại TP.HCM. Nhiều khả năng, đây là “của để dành” của Thế giới Di động khi “con bài” Điện máy Xanh chạm ngưỡng tăng trưởng trong thời gian tới.
Không chỉ các doanh nghệp nội, các đại gia ngoại cũng nhanh chân tiến vào lĩnh vực này. Đi đầu là nhà bán lẻ thuốc và thực phẩm chăm sóc sức khoẻ Century Pharma của Indonesia.
Chuỗi cửa hàng Century Healthcare đã hình thành sau khi nhà bán lẻ này mua lại chuỗi nhà thuốc Vistar, với 24 cửa hàng đang hoạt động, đặt tại nhiều trung tâm thương mại lớn của TP.HCM như Bitexco, Saigon Centre, Aeon Mall, Giga Mall,...
Theo Nikkei, chuỗi cửa hàng dược phẩm Nhật Bản Matsumotokiyoshi Holdings cho biết đang có kế hoạch mở rộng sang Việt Nam. Không nêu thời gian cụ thể nhưng hãng này cho biết, các hoạt động tại Việt Nam sẽ được hợp tác với Tập đoàn Lotus Food có trụ sở tại TP.HCM.
Kênh bán lẻ các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp, hướng tới tiêu dùng cá nhân cũng đang được thống trị bởi hai chuỗi lớn là Guardian và Medicare.
"Trứng vàng" không dễ lấy
Theo các chuyên gia, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng những ngành biết tận dụng thời thế có cơ hội bứt lên. Trong lĩnh vực dược phẩm, thị trường dược phẩm được ví như con gà đẻ trứng vàng cho các doanh nghiệp.
Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11%, tính theo tiền đồng Việt Nam.
Hãng nghiên cứu IMS Health cũng dự báo, mức chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ tăng lên 50 USD/người/năm trong năm 2020 so với mức hơn 20 USD/người trong giai đoạn 2015-2017. Theo tính toán, 25% doanh thu ngành dược phẩm ở Việt Nam, tương đương gần 2 tỷ USD (năm 2021) đến khoảng 4 tỷ USD (năm 2026) sẽ đổ vào thị trường bán lẻ dược phẩm qua các kênh nhà thuốc.
57.000 nhà thuốc chia nhau phần bánh 16 tỷ USD
|
Với thu nhập trung bình và nhận thức về sức khỏe đang ngày càng tăng, người dân có xu hướng lựa chọn các nhà thuốc hiện đại, có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc), thay vì các nhà thuốc nhỏ, không đủ tiêu chuẩn.
Một yếu tố nữa phải kể đến đó là việc thị trường Việt Nam đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt từ khi Chính phủ quyết định cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, nới lỏng quy định đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngay đầu tháng 2/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, Pharmacity đã được rót thêm 31,8 triệu USD từ vòng gọi vốn series C. Đây là mức gọi vốn lớn nhất mà chuỗi bán lẻ này nhận được tính đến hiện tại.
Trước đó, trong tháng 5/2019, quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) thuộc Mekong Capital cũng thông báo đầu tư vào Pharmacity, nhưng giá trị không được tiết lộ. Giới đầu tư, khoản vốn này dao động 8-15 triệu USD.
Thị trường bán lẻ dược phẩm có quy mô lớn nhưng chưa có doanh nghiệp nào có quy mô nổi trội. Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoáng Rồng Việt (VDSC) cho thấy, cả nước đang có khoảng 30.000 hiệu thuốc lớn, nhỏ; thị trường bán lẻ dược phẩm rất phân mảnh.
Theo VDSC, thị phần hạn chế đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm. Mặt khác, hiện tại, bán lẻ theo chuỗi không chiếm ưu thế, mà thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ.
Các nhà thuốc lớn tại địa phương thường có lợi thế về chi phí mặt bằng, chủ cửa hàng thường trực tiếp có mặt để giám sát, tư vấn và bán thuốc cho khách nên tính linh hoạt rất cao. Vì vậy, nếu các chuỗi bán lẻ dược phẩm không quản lý tốt chi phí thì rất khó cạnh tranh.
VDSC cho biết, doanh số bán lẻ dược phẩm của Việt Nam mới đạt 30% trong tổng doanh thu toàn thị trường dược, trong khi tỷ lệ này ở Brazil là 64% và Philippines là 80%.
Thành công ở lĩnh vực bán lẻ nhưng Thế giới Di động vẫn đang đánh giá cao mảng dược phẩm. Trong buổi chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cho hay chưa có ý định đầu tư lớn vào chuỗi nhà thuốc An Khang vì môi trường kinh doanh ngành bán lẻ dược phẩm theo ông chưa thuận lợi.
Cuộc chiến giành thị phần bán lẻ dược phẩm ngày một nóng khi các chuỗi nhà thuốc đang tìm cách mở rộng thêm nguồn thu từ các mặt hàng khác. Còn lãnh đạo của Thế giới Di động chia sẻ nếu trong tương lai, khung pháp lý trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm nới lỏng, rõ ràng hơn, họ sẽ tham gia mạnh mẽ hơn.
Thư Kỳ
Vietnamnet
|