Việt Nam có bộ chỉ số phát triển mới từ 2021?
Năm 2021, một số chỉ số mới chưa từng có sẽ xuất hiện trong chỉ tiêu pháp lệnh. Sự thay đổi này mang đến sự quan tâm của nhiều chuyên gia tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội hôm 25.9.
Dự kiến tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8% năm 2021 sẽ đưa vào chỉ tiêu pháp lệnh. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Thêm chỉ tiêu về tăng năng suất lao động
Theo báo cáo mới nhất của Bộ KH-ĐT, bộ chỉ số sẽ có điều chỉnh cả về chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Về kinh tế, thay vì 5 chỉ tiêu GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu và tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP, sẽ có thêm một số chỉ số như GDP bình quân đầu người, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng, tốc độ tăng năng suất lao động.
Về xã hội thì giảm bớt chỉ tiêu, chỉ còn tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (bỏ chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân và tỷ lệ thất nghiệp của lao động ở khu vực thành thị).
Các chỉ tiêu về môi trường bổ sung thêm 2 chỉ tiêu: tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.
Việc thay đổi bộ chỉ số đánh giá khiến nhiều chuyên gia quan tâm và thảo luận tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế cuối tuần qua. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường ĐH Fulbright, cho rằng việc đưa chỉ số TFP vào bộ chỉ số là “rất mới và rất tích cực”; nhưng ngoài chỉ tiêu đó, nên có nhiều chỉ tiêu khác để xem chất lượng tăng trưởng của chúng ta cải thiện thế nào.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế T.Ư), lại cho rằng không nên cho chỉ số TFP vào chỉ tiêu pháp lệnh, bởi chỉ số này là do mô hình kinh tế tạo ra, các mô hình khác nhau sẽ cho ra các chỉ số khác nhau. “Không có nước nào đưa TFP là chỉ tiêu pháp lệnh cả”, ông Anh nói.
GDP bình quân đầu người 2021 tăng thêm 1.000 USD so 2020 ?
Theo báo cáo tình hình KT-XH 5 năm của Bộ KH-ĐT, ngoài GDP không đạt kế hoạch (đạt khoảng 5,8%, trong khi mục tiêu là 6,5 - 7%), thì GDP bình quân đầu người cũng không đạt (chỉ đạt 2.750 USD/người, trong khi mục tiêu là 3.200 - 3.500 USD/người). Tuy vậy, Bộ KH-ĐT lại dự kiến GDP bình quân đầu người năm 2021 sẽ đạt 3.700 USD, tăng vọt 1.000 USD so năm 2020 khiến nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia băn khoăn, trong khi báo cáo không thuyết trình lý do. “Cơ sở nào để khẳng định chúng ta tăng thêm như vậy?”, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho rằng: “Có rất nhiều ý kiến tranh cãi tại sao GDP đầu người tăng một phát 1.000 USD/năm. Chỗ này phải giải quyết rõ, nếu không chúng ta sẽ nhầm lẫn hết số liệu”.
Tại hội nghị, đại diện Bộ KH-ĐT là Thứ trưởng Trần Quốc Phương chưa có câu trả lời rõ ràng trước ý kiến của các đại biểu. Ông Phương không đề cập gì đến việc tính lại GDP bình quân đầu người và việc có kịp kiểm đếm lại các chỉ số để tránh gây nhầm lẫn hay không. Riêng về việc điều chỉnh các chỉ số, ông Phương cũng chỉ cho biết nó có cơ sở pháp lý là Nghị quyết 85 của Quốc hội có giao Chính phủ nghiên cứu một bộ chỉ tiêu phù hợp cho giai đoạn tới. Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cũng tham gia xây dựng bộ chỉ tiêu mới này để báo cáo Bộ Chính trị, quán triệt và phù hợp với bộ chỉ tiêu của Tiểu ban Văn kiện đã trình Bộ Chính trị.
Vũ Hân
Thanh niên
|