Cần kịch bản 'đặc thù' trong thế giới biến động chưa từng có
Ngày 25.9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra báo cáo KT-XH 2020; kế hoạch 2021 và báo cáo KT-XH nhiệm kỳ qua.
Chuyên gia khuyến cáo VN cần kịch bản “đặc thù” cho tăng trưởng. Ảnh: V.H
|
4/12 chỉ tiêu không đạt
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, trong 12 chỉ tiêu lớn năm nay, có 4 chỉ tiêu không đạt là tăng trưởng GDP (đạt khoảng 2% so với kế hoạch là 6,8%), tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (đạt 1% so với kế hoạch là 7%), tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị (4,39% so với kế hoạch là dưới 4%) và tỷ lệ lao động qua đào tạo (64,5% so với kế hoạch là 65%). 8 chỉ tiêu khác đều đạt và vượt so với kế hoạch.
Theo nhận định của Bộ KH-ĐT, với tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao.
Tuy báo cáo tương đối lạc quan, nhưng các chuyên gia có mặt tại phiên họp vẫn có rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Chủ trì phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có câu chuyện rất cụ thể, “tiền tươi thóc thật”, là thu - chi ngân sách. Có một số dấu hiệu cho thấy hụt thu trong năm nay sẽ rất thách thức. “8 tháng đầu năm mới thu được 53,3% dự toán, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Thu từ thuế, phí mới đạt 17,2% GDP, khá thấp so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. 43/63 địa phương năm nay thu nội địa không hoàn thành dự toán, sẽ ảnh hưởng đến tiền đầu tư thực hiện các nhiệm vụ KT-XH. Rõ ràng bội chi sẽ phải tăng lên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp có khả năng vượt 25% so với tổng thu ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Bộ Tài chính”, ông Thanh nêu thực tế, và đề nghị các đại biểu thảo luận sâu thêm cùng với các vấn đề về tăng trưởng, về thế giới “hậu Covid-19”.
Đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2021: Đâu là động lực?
Nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về việc các báo cáo của Bộ KH-ĐT quá thông thường trong bối cảnh thế giới bất thường chưa từng có. Các báo cáo rất dày, đến cả trăm trang, nhưng một số đại biểu đặt vấn đề về độ chính xác, thực chất của báo cáo; một số khác băn khoăn về việc “báo cáo phân tích rất ngắn ngủi và thiếu tiêu chí”.
PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng năm 2020 là giai đoạn cực kỳ đặc biệt, mà chúng ta đưa ra công thức chung để phát triển KT-XH theo tư duy cũ là không phù hợp. “Bối cảnh này không nên đặt nặng tăng trưởng cao hay thấp. Quan trọng làm sao bảo tồn được lực lượng doanh nghiệp. Đấy mới là người chơi chính. Lực lượng ấy mà chết thì năm sau và năm sau nữa, ta sẽ thiệt hại nặng nề thêm”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, 5 năm tới, dứt khoát chúng ta tăng trưởng phải chuyển sang chiều sâu, mà con đường duy nhất là phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thế nhưng, đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam thì lại rất thấp (mục tiêu đến 2020 đạt 2% GDP, nhưng thực chất đến nay mới 0,4% GDP); thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển và nhân lực khoa học công nghệ cũng thiếu hụt.
“Nếu cứ đầu tư thế này, tôi khẳng định luôn, chắc chắn chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tôi thiết tha kiến nghị phải thay đổi căn bản đầu tư cho khoa học công nghệ”, ông Tuấn nêu ý kiến.
PGS-TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đề nghị phải có báo cáo số liệu trước và sau dịch
Covid-19 cho rõ ràng để không nhầm lẫn, không đổ tất cả do Covid-19. Theo ông Huyền, chúng ta cũng không nên lạc quan quá về tăng trưởng dương, lạc quan quá với khu vực kinh tế tư nhân, vì “sức khỏe” của nhóm này còn rất yếu, dễ bị tổn thương, đột phá về công nghệ hầu như không có. Về dịch chuyển dòng vốn đầu tư thì việc Apple không lựa chọn Việt Nam, theo PGS Huyền, cũng là một cảnh báo ta không nên quá lạc quan về dòng vốn FDI đổ về Việt Nam.
TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế T.Ư), cho rằng nếu Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2021, thì phải chỉ ra được đâu là động lực tăng trưởng của năm này. “Nền kinh tế như Việt Nam, muốn tăng trưởng nhanh và bền vững, không có cách nào khác là phải dựa vào đầu tư và thị trường bên ngoài. Phải xây dựng 2 kịch bản cho năm sau - kịch bản “bình thường mới” như hiện nay và kịch bản Covid-19 quay trở lại”, TS Tú Anh bày tỏ.
Vũ Hân
Thanh niên
|